Ấn Độ liệu có lên 'ngôi vương' về xuất khẩu gạo trong năm 2025?

(Banker.vn) Theo dự báo gần đây của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), Ấn Độ sẽ vẫn là nước dẫn đầu trên thị trường gạo thế giới bất chấp nhiều hạn chế chống nhập khẩu gạo.
Xuất khẩu gạo tăng cao, doanh nghiệp vẫn chưa hết lo Doanh nghiệp Việt liên tiếp trúng các gói thầu gạo lớn Xuất khẩu tuần 6/5-12/5: Xuất khẩu gạo tiếp tục tăng trưởng; vải thiều Thanh Hà sẽ đưa sang Australia bằng máy bay

Theo USDA, Ấn Độ dự kiến sẽ xuất khẩu 18 triệu tấn gạo trong giai đoạn 2024-25, cao hơn khoảng hai triệu tấn so với giai đoạn 2023-2024. USDA cho biết xuất khẩu của quốc gia này sẽ chiếm một phần lớn trong thương mại gạo toàn cầu, nhưng vẫn sẽ thấp hơn nhiều so với mức kỷ lục 22 triệu tấn mà nước này đã xuất khẩu trong giai đoạn 2021-2022.

Ấn Độ liệu có lên 'ngôi vương' về xuất khẩu gạo trong năm 2025?
Nông dân trên cánh đồng lúa tại Ấn Độ. Nguồn ảnh: Reuters

Trên thị trường gạo thế giới, USDA cho biết triển vọng gạo toàn cầu trong giai đoạn 2024-2025 là do nguồn cung, thương mại, tiêu dùng và dự trữ cuối kỳ đều tăng. Nguồn cung tăng hàng năm nhờ sản lượng kỷ lục ở mức 527,6 triệu tấn, bù đắp cho lượng tồn kho ban đầu thấp hơn.

Tăng trưởng thị trường gạo thế giới chủ yếu được thúc đẩy bởi sự gia tăng sản lượng ở Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh và Indonesia. Tiêu thụ toàn cầu được dự báo ở mức kỷ lục 526,4 triệu tấn, nhờ mức tiêu thụ cao hơn ở Ấn Độ, Philippines, Indonesia và Bangladesh, bù đắp cho mức giảm ở Trung Quốc.

USDA cho biết thêm: “Với mức tăng sản xuất và tiêu dùng dự kiến ở nhiều quốc gia, thương mại gạo toàn cầu dự báo sẽ tăng nhẹ ở mức 53,8 triệu tấn, nhưng vẫn thấp hơn mức trước khi Ấn Độ lần đầu tiên áp dụng các hạn chế đối với xuất khẩu gạo vào năm 2022”.

Cũng theo báo cáo của USDA, sản lượng gạo toàn cầu dự kiến tăng 10,3 triệu tấn so với năm trước, lên mức kỷ lục mới 527,6 triệu tấn. Dự trữ gạo toàn cầu được dự báo cũng tăng 1,2 triệu tấn, với Trung Quốc và Ấn Độ cùng nhau chiếm 80% trữ lượng gạo toàn cầu.

Việt Nam được dự báo sẽ trở thành nước nhập khẩu gạo lớn thứ hai toàn cầu, với lượng gạo nhập khẩu vào Việt Nam dự kiến sẽ đạt mức kỷ lục 3 triệu tấn, theo báo cáo của USDA. Nhập khẩu gạo vào Việt Nam tăng chủ yếu là do nước ta tăng cường nhập khẩu lúa gạo từ Campuchia và nhập khẩu gạo lứt từ Ấn Độ.

Xuất khẩu gạo từ Việt Nam được dự báo sẽ đạt 7,5 triệu tấn, giảm 500.000 tấn so với giai đoạn 2023-2024, chủ yếu do nhu cầu từ Indonesia giảm mạnh. Philippines và Trung Quốc, cùng chiếm trên 50% kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam, dự kiến sẽ tiếp tục mua số lượng lớn gạo của nước ta. Nhu cầu gạo Việt Nam tại thị trường châu Phi cận sa mạc Sahara vẫn ổn định, dẫn đầu là Bờ Biển Nga và Ghana.

Nhập khẩu ngô vào Việt Nam được dự báo sẽ tăng 500.000 tấn lên 12,0 triệu tấn trong giai đoạn 2024-2025, do nguồn cung có thể xuất khẩu mạnh mẽ từ các đối tác chính là Argentina và Brazil, hỗ trợ nhu cầu thức ăn ngô tăng trưởng bền vững. Theo USDA, nguồn cung ngô từ hai quốc gia này đang dần phục hồi trở về mức trước đại dịch, và sẽ tiếp tục thúc đầy nhu cầu thức ăn ngô cho gia súc tại Việt Nam.

Phú Quý (theo USDA, Business Standard)

Theo: Báo Công Thương