Bắc Giang: Xúc tiến tiêu thụ vải thiều và sản phẩm OCOP

(Banker.vn) Sáng 28/5, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các nông sản chủ lực, đặc trưng, sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Giang năm 2025.
Bắc Giang: Phấn đấu đến năm 2025 thành lập 90 hợp tác xã, đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP Nhiều siêu thị, doanh nghiệp lớn sẽ đổ về Bắc Giang mùa vải chín Vải đầu vụ giá cao, người dân ‘đau ví’ vẫn tìm mua

Đa dạng kênh tiêu thụ

Thông tin tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phạm Văn Thịnh cho biết, năm 2025, toàn tỉnh Bắc Giang có 29,7 nghìn ha vải thiều, chiếm trên 60% diện tích cây ăn quả của tỉnh Bắc Giang. Diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 16 nghìn ha, Global GAP là 204 ha, hữu cơ là 10 ha. Sản lượng vải ước đạt 165 nghìn tấn, trong đó có 60 nghìn tấn vải sớm, 105 nghìn tấn chính vụ.

Bắc Giang là tỉnh có tiềm năng rất lớn về nông nghiệp với gần 300 nghìn ha đất nông nghiệp, điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng thuận lợi, hệ sinh thái cây trồng phong phú. Trong đó, vải thiều là sản phẩm nông sản đặc sản, nổi bật nhất, được trồng trên 29,7 ha, chiếm trên 60% diện tích cây ăn quả toàn tỉnh Bắc Giang.

Bắc Giang: Xúc tiến tiêu thụ vải thiều và sản phẩm OCOP
Các đại biểu đến dự Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các nông sản chủ lực, đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh Bắc Giang năm 2025. Ảnh: Thảo My

Vải thiều Bắc Giang được canh tác theo quy trình VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ; được bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý tại các thị trường lớn như: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Singapore… Không chỉ là loại quả đặc sản chất lượng cao, vải thiều còn chứa đựng giá trị văn hóa, lịch sử và là biểu tượng của nông nghiệp Bắc Giang.

Dự kiến vải sớm Bắc Giang thu hoạch từ ngày 20/5 - 15/6, vải chính vụ thu hoạch từ ngày 10/6 - 30/7/2025.

Đến nay, sản phẩm đã có mặt tại hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, vượt qua những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về kỹ thuật và an toàn thực phẩm. Tỉnh Bắc Giang đã cấp mã số vùng trồng cho gần 300 vùng với tổng diện tích trên 21 nghìn ha; hệ thống sơ chế, đóng gói và logistics được đầu tư hiện đại, đồng bộ.

Bắc Giang: Xúc tiến tiêu thụ vải thiều và sản phẩm OCOP
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phạm Văn Thịnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thảo My

Ngoài ra, Bắc Giang hiện có 419 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên; 56 sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng có tiềm năng thương mại lớn. Bắc Giang cũng đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trọng tâm để nâng cao chất lượng và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản...

Bắc Giang: Xúc tiến tiêu thụ vải thiều và sản phẩm OCOP
Năm 2025, vải thiều sớm tỉnh Bắc Giang có 16 nghìn ha. Ảnh: H.S

Năm 2025, tỉnh Bắc Giang tăng cường tiêu thụ nội địa qua hệ thống siêu thị, chợ đầu mối lớn tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, các vùng du lịch trọng điểm. Đồng thời, mở rộng xuất khẩu, trong đó Trung Quốc vẫn là thị trường chủ lực. Cùng đó, đẩy mạnh vào các thị trường tiềm năng như: Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc…

Ngoài ra, tỉnh Bắc Giang phát triển các kênh bán hàng trực tuyến, hợp tác với các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Alibaba, TikTok Shop cũng như kết nối với các đơn vị logistics như Viettel Post, VNPost, Grab… để đảm bảo sản phẩm tươi ngon đến tay người tiêu dùng.

Đảm bảo minh bạch, chất lượng hàng hóa

Để tiếp tục phát huy thành công và bảo đảm việc sản xuất, tiêu thụ vải thiều Bắc Giang năm 2025 và các năm tiếp theo diễn ra thuận lợi, hiệu quả hơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phạm Văn Thịnh mong muốn Bộ Nông nghiệp và Môi trường tiếp tục hỗ trợ tỉnh trong việc cấp mới, rà soát và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu.

Đồng thời, hướng dẫn áp dụng các biện pháp canh tác bền vững, kiểm soát chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, phối hợp nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật, giống cây trồng chất lượng cao và các công nghệ bảo quản sau thu hoạch hiệu quả.

Bắc Giang: Xúc tiến tiêu thụ vải thiều và sản phẩm OCOP
Các đại biểu cắt băng xuất hành tiêu thụ vải thiều Bắc Giang trong nước và xuất khẩu. Ảnh: H.S

Tỉnh Bắc Giang cũng đề nghị Bộ Công Thương hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời, hướng dẫn triển khai hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại trên nền tảng số, thương mại điện tử; phát triển hệ thống logistics phục vụ tiêu thụ nông sản…

Ông Phạm Văn Thịnh đề nghị chính quyền và doanh nghiệp Trung Quốc tiếp tục phối hợp thuận lợi trong khâu thông quan, đặc biệt là hình thành “luồng xanh” cho nông sản tươi, nhất là vải thiều, qua các cửa khẩu như Bằng Tường, Hà Khẩu…

Bắc Giang: Xúc tiến tiêu thụ vải thiều và sản phẩm OCOP
Đoàn xe chở vải thiều đi tiêu thụ. Ảnh:. H.S

Cùng đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cũng đề nghị các tỉnh, thành phố trong cả nước kết nối tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông sản chủ lực tại các chợ đầu mối, hệ thống phân phối, trung tâm thương mại lớn. Tạo điều kiện giới thiệu, quảng bá nông sản Bắc Giang trong các sự kiện xúc tiến thương mại, hội chợ và tuần lễ nông sản tại địa phương.

“Tỉnh Bắc Giang cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp trong quá trình khảo sát, ký kết, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, đảm bảo minh bạch về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng hàng hóa và sẵn sàng phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong suốt chuỗi giá trị từ thu mua, chế biến đến xuất khẩu”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phạm Văn Thịnh khẳng định.

Bộ Công Thương cam kết tạo cơ chế thuận lợi cho nông sản xuất khẩu

Phát biểu tại hội nghị, ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) - cho biết, trong nhiều năm qua, Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, đã và đang triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu và hỗ trợ các chủ thể OCOP đưa sản phẩm vào các hệ thống phân phối lớn như Central Retail, MM Mega Market, Co.opmart, WinMart... cũng như trên các nền tảng thương mại điện tử.

Đồng thời, hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đang tích cực làm việc để tháo gỡ rào cản kỹ thuật, mở rộng thị trường và xây dựng các “luồng xanh” cho xuất khẩu nông sản.

Tại hội nghị này, ông Hoàng Minh Chiến cũng mong muốn các doanh nghiệp, các đối tác trong và ngoài nước sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với tỉnh Bắc Giang để ký kết các hợp đồng tiêu thụ, xây dựng chuỗi liên kết bền vững từ sản xuất đến phân phối.

“Bộ Công Thương cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất, từ việc hỗ trợ thông tin thị trường, tạo các nền tảng kết nối khách hàng như Hội chợ OCOPEX, hội nghị giao thương,... đến việc thiết lập những cơ chế thuận lợi hơn cho nông sản xuất khẩu, đặc biệt là sản phẩm vải thiều cũng như các sản phẩm OCOP của tỉnh Bắc Giang”, ông Hoàng Minh Chiến khẳng định.

Hải Sơn

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục