Bộ Công Thương tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu gạo

(Banker.vn) Ngày 20/5/2025, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cùng Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị về công tác điều hành xuất khẩu gạo năm 2025.
Danh sách thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo tính đến 28/4/2025 Bộ Công Thương sửa đổi Thông tư số 30 về kinh doanh xuất khẩu gạo Bộ Công Thương lấy ý kiến sửa đổi Nghị định kinh doanh xuất khẩu gạo

4 tháng, xuất khẩu gạo vượt 1,77 tỷ USD

Thông tin từ hội nghị cho thấy, những tháng đầu năm 2025, tình hình thương mại gạo toàn cầu diễn biến phức tạp. Nhưng với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự chỉ đạo kịp thời của Bộ Công Thương và các bộ, ngành cùng với nỗ lực của các thương nhân xuất khẩu gạo, hoạt động xuất khẩu gạo trong 4 tháng đầu năm 2025 của nước ta tiếp tục đạt được một số kết quả tích cực.

Bộ Công Thương tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu gạo
Ông Nguyễn Anh Sơn - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - phát biểu tại hội nghị

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt trên 3,43 triệu tấn, tương đương gần 1,77 tỷ USD, tăng 8,1% về lượng nhưng giảm 13,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024. Giá trung bình đạt 515 USD/tấn, giảm 19,8% so với cùng kỳ năm 2024.

Về thị trường, Philippines vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 43,3% trong tổng lượng và chiếm 45,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước, đạt gần 1,49 triệu tấn, tương đương với cùng kỳ năm 2024. Bờ Biển Ngà đứng thứ 2 thị trường, tăng 270,4% về lượng so với cùng kỳ năm 2024, đạt gần 441 nghìn tấn, chiếm tỷ trọng 12,8%.

Xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc tăng 113,8% về lượng so với cùng kỳ năm 2024, đạt gần 362 nghìn tấn, chiếm trên 10,5% trong tổng lượng và tổng kim ngạch. Thị trường Ghana cũng ghi nhận mức tăng lớn với 85% so với cùng kỳ năm 2024, đạt 304 nghìn tấn, chiếm tỷ trọng 8,8%.

Là mặt hàng quan trọng, hoạt động xuất khẩu gạo nhận được sự quan tâm lớn của Chính phủ. Ngày 4/3/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 21/CĐ-TTg về việc điều hành đảm bảo cân đối cung - cầu lúa gạo trước diễn biến thị trường thế giới và trong nước. Theo đó, bên cạnh các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy xuất khẩu gạo, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương triển khai tổng kết, đánh giá và rà soát, đề xuất Chính phủ sửa đổi Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo và Nghị định số 01/2025/NĐ-CP ngày 1/1/2025 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 99/TB-VPCP ngày 11/3/2025 thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Hội nghị về sản xuất, thị trường lúa gạo; phòng, chống hạn mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Bộ Công Thương lắng nghe ý kiến, tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu gạo

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, hôm nay, ngày 20/5/2025, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cùng Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị về công tác điều hành xuất khẩu gạo năm 2025.

Bộ Công Thương tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu gạo
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Cục Xuất nhập khẩu

Hội nghị cũng nhằm lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP và Nghị định số 01/2025/NĐ-CP. Hội nghị có mặt của các đại biểu đến từ bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo. Hội nghị đã tập trung vào hai nội dung.

Phần thứ nhất, đánh giá kết quả xuất khẩu gạo trong thời gian qua, những khó khăn, vướng mắc. Từ đó, đưa ra định hướng, giải pháp thúc đẩy xuất khẩu gạo trong thời gian tới, nâng cao tiêu thụ lúa gạo hàng hóa cho người dân với giá có lợi nhất. Đồng thời, bình ổn giá thóc, gạo trong nước và bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia.

Phần thứ hai, lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP và Nghị định số 01/2025/NĐ-CP. Đây là nội dung quan trọng nhằm cập nhật, điều chỉnh các quy định để phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo hành lang pháp lý thuận lợi và phù hợp hơn với thực tiễn kinh doanh xuất khẩu gạo hiện nay.

Thông qua hội nghị, cơ quan quản lý đã lắng nghe, tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp thiết thực của các tổ chức, cá nhân và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo. Trên cơ sở đó, các đơn vị quản lý sẽ tiến hành rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện các quy định hiện hành theo hướng minh bạch, hiệu quả và phù hợp thực tiễn.

Hội nghị cũng là dịp để các bên liên quan cùng trao đổi, thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Từ đó, đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu gạo phát triển ổn định, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và nâng cao giá trị gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Bảo Ngọc

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục