Bộ Công Thương tổ chức hội nghị liên kết vùng phát triển thương mại điện tử

(Banker.vn) Chuỗi sự kiện tại Lai Châu năm 2025 đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ trong liên kết vùng, phát triển thương mại điện tử và chuyển đổi số cho khu vực trung du.
Liên kết vùng để tạo sức mạnh cho phát triển thương mại điện tử Đẩy mạnh liên kết vùng - chìa khóa giúp Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững An Giang: Liên kết vùng để nâng cao năng lực xuất khẩu gạo

Điểm đến khơi thông tiềm năng thương mại điện tử vùng cao

Trong khuôn khổ thực hiện Kế hoạch phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, chuỗi sự kiện với chủ đề “Thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử - Nâng tầm sản phẩm vùng trung du và miền núi phía Bắc” sẽ được tổ chức tại tỉnh Lai Châu từ ngày 24 đến 25/5/2025.

Sự kiện do Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Lai Châu tổ chức, nhằm thúc đẩy ứng dụng thương mại điện tử trong cộng đồng doanh nghiệp địa phương, từng bước rút ngắn khoảng cách số giữa các vùng kinh tế trong cả nước.

Bộ Công Thương tổ chức hội nghị liên kết vùng phát triển thương mại điện tử
Hội nghị thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử nâng tầm sản phẩm vùng trung du và miền núi phía Bắc. Ảnh: BTC

Với mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh tiếp cận hiệu quả hơn với nền kinh tế số, chương trình tập trung triển khai một chuỗi hoạt động chuyên sâu. Trong đó, nổi bật là triển lãm các mô hình công nghệ số và sản phẩm đặc trưng vùng miền; chương trình Mega Livestream quy tụ các KOL, KOC nhằm quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng toàn quốc và lễ ký kết hợp tác giữa các doanh nghiệp thương mại điện tử với các Sở Công Thương, cơ quan quản lý nhằm thiết lập mạng lưới liên kết vùng vững chắc.

Một điểm nhấn đáng chú ý của sự kiện là chuỗi hội thảo chuyên đề và các lớp tập huấn thực tiễn, do chuyên gia đến từ Bộ Khoa học và Công nghệ, doanh nghiệp chuyển đổi số và nền tảng thương mại điện tử trực tiếp tham gia. Nội dung tập trung vào đào tạo kỹ năng bán hàng qua livestream, xây dựng nội dung số, tối ưu hóa vận hành gian hàng và phát triển thị trường trực tuyến, những kỹ năng còn thiếu và yếu tại khu vực này.

Đặc biệt, các chương trình đào tạo được thiết kế sát với điều kiện địa phương, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành. Đối tượng học viên bao gồm doanh nghiệp trẻ, hợp tác xã, hộ kinh doanh và lực lượng thanh niên khởi nghiệp. Việc trang bị kiến thức nền tảng và kỹ năng số không chỉ hỗ trợ phát triển kinh doanh hiện tại, mà còn từng bước hình thành lực lượng lao động số tại chỗ, phục vụ cho sự phát triển bền vững của địa phương trong dài hạn.

Bên cạnh đó, sự kiện còn lồng ghép với các hoạt động văn hóa, du lịch địa phương như Lễ hội trà Tân Uyên lần thứ II, chương trình tham quan vùng chè, các điểm du lịch đặc sắc và cơ sở chế biến nông sản tiêu biểu của Lai Châu. Sự kết hợp hài hòa giữa hoạt động chuyên môn và trải nghiệm thực tiễn mang đến hình ảnh một Lai Châu năng động, giàu bản sắc và đang chuyển mình mạnh mẽ trong kỷ nguyên số.

Động lực chiến lược để bứt phá trong thương mại điện tử quốc gia

Chuỗi sự kiện tổ chức tại Lai Châu không chỉ đơn thuần là hoạt động xúc tiến thương mại địa phương, mà còn nằm trong chiến lược dài hạn của Bộ Công Thương thúc đẩy liên kết vùng, ứng dụng công nghệ số và phát triển thương mại điện tử đồng bộ trên cả nước.

Trong những năm gần đây, nhiều sự kiện tương tự đã được tổ chức tại các khu vực như Điện Biên và Tây Bắc, Cần Thơ và Đồng bằng sông Cửu Long, Gia Lai và Tây Nguyên, Bình Định và Bắc Trung Bộ - Duyên hải miền Trung. Những hoạt động này đã từng bước định hình mạng lưới hợp tác giữa địa phương - doanh nghiệp - nền tảng thương mại điện tử, giúp lan tỏa phương thức kinh doanh hiện đại tới các vùng sâu, vùng xa.

Việc lựa chọn Lai Châu làm điểm tổ chức năm 2025 là bước đi có tính chiến lược. Với lợi thế nổi bật về nông sản, sản phẩm đặc sản và tiềm năng phát triển du lịch, Lai Châu vẫn đang gặp khó khăn trong tiếp cận thị trường số do hạn chế về hạ tầng công nghệ, logistic và kỹ năng quản trị số. Đây cũng là thực trạng phổ biến tại nhiều tỉnh trong Vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử còn thấp, trong khi kỹ năng bán hàng trực tuyến, quảng bá sản phẩm số hay xây dựng thương hiệu còn chưa đồng đều.

Bộ Công Thương tổ chức hội nghị liên kết vùng phát triển thương mại điện tử
Hình ảnh hội nghị thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử vùng Tây Nguyên năm 2024. Ảnh: BTC

Sự kiện lần này không chỉ tập trung giới thiệu mô hình công nghệ số hay hợp tác kết nối cung cầu, mà còn đặt trọng tâm vào giải pháp nâng cao năng lực thực tiễn. Việc các nền tảng lớn như TikTok, Shopee cùng tham gia các buổi tập huấn, đào tạo kỹ năng livestream bán hàng và vận hành gian hàng trực tuyến cho thấy một sự cam kết mạnh mẽ trong việc hình thành hệ sinh thái thương mại điện tử bền vững tại khu vực.

Về lâu dài, đây là tiền đề quan trọng để thiết lập các chuỗi giá trị số khép kín, từ sản xuất đến tiêu thụ, từ địa phương tới thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời, cũng là cơ sở để xây dựng lực lượng lao động số chất lượng cao ngay tại chỗ, một yếu tố then chốt trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia.

Chuỗi sự kiện tại Lai Châu vì vậy được xem như một cú huých để kích hoạt quá trình hội nhập số toàn diện của khu vực miền núi phía Bắc. Sự kiện không chỉ nhằm triển khai chủ trương của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi số, mà còn thể hiện quyết tâm của Bộ Công Thương và các địa phương trong việc phát triển thương mại điện tử như một công cụ xóa nhòa khoảng cách phát triển, thu hẹp chênh lệch số giữa các vùng miền.

Với tầm nhìn chiến lược, nội dung thiết thực và sự tham gia sâu rộng từ các bên liên quan, chuỗi hoạt động năm 2025 tại Lai Châu không chỉ là một sự kiện, mà là một bước chuyển lớn hướng tới mục tiêu xây dựng một nền thương mại điện tử toàn diện, bao trùm và phát triển bền vững cho cả quốc gia.

Chuỗi sự kiện không chỉ là bước khởi đầu quan trọng để tăng tốc phát triển kinh tế số tại vùng Trung du và miền núi phía Bắc, mà còn thể hiện quyết tâm của Bộ Công Thương và các địa phương triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử gắn với phát triển kinh tế bền vững vùng trung du và miền núi phía Bắc. Đây là tiền đề quan trọng để hình thành các chuỗi giá trị số khép kín, góp phần thúc đẩy phát triển đồng đều giữa các vùng, miền trong cả nước.

Lê Trang

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục