Chi tiết giá điện kinh doanh, sinh hoạt sau điều chỉnh

(Banker.vn) Chiều 9/5, EVN đã có buổi trao đổi thông tin với các cơ quan báo chí về công tác điều hành đảm bảo điện và điều chỉnh giá bán lẻ điện lên 4,8%.
Giá điện điều chỉnh tăng: Doanh nghiệp triệt để tiết kiệm điện Giá điện châu Âu bất ngờ tăng vọt gấp ba mức trung bình hàng ngày Giá bán lẻ điện tăng 4,8% tác động thế nào đến các nhóm khách hàng?

Theo đó, mức giá bán lẻ điện bình quân được quyết định điều chỉnh tăng thêm 4,8% (là mức điều chỉnh tăng thuộc thẩm quyền của EVN). Như vậy, giá điện tăng từ mức hiện nay là 2.103,11 đồng/kWh lên mức 2.204,06 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT).

EVN nói gì về tác động của điều chỉnh giá điện tăng?

Cơ sở tăng giá điện, theo ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), việc tăng giá điện hiện nay dựa trên cơ sở của các quy định tại Nghị định 72 của Chính phủ ban hành tháng 3/2025, quy định phương pháp tính, thời gian điều chỉnh, biên độ dựa trên chi phí đầu vào cho phép EVN được tăng giá điện 3 tháng/ lần dựa trên sự thay đổi của các yếu tố đầu vào của nguồn điện.

Ông Võ quang Lâm
Ông Võ Quang Lâm chia sẻ về điều chỉnh giá điện tăng

Lãnh đạo EVN nhấn mạnh, dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 và những năm tiếp theo lên cao từ 8% năm 2025 và hai con số trong những năm tiếp theo. Ngay từ cuối năm 2024, EVN đã xây dựng các kịch bản tăng trưởng giá điện đáp ứng yêu cầu của tăng trưởng kinh tế.

Mục tiêu tăng trưởng sản lượng điện thương phẩm năm 2025 EVN đặt ra là 12%, tương đương khoảng 33,6 tỷ kWh điện/năm.

Theo ông Lâm, dư địa tăng trưởng chủ yếu của điện thương phẩm năm nay dựa vào điện than và điện khí và điện chạy dầu có giá thành cao hơn.

Liên quan đến điều chỉnh giá điện tăng tác động đến CPI, ông Võ Quang Lâm cho biết, sẽ có tác động nhất định. EVN đã phối hợp chặt chẽ với Cục Thống kê (Bộ Tài chính) để giám sát diễn biến chỉ số CPI và chỉ số diễn biến đầu vào cho sản xuất, kinh doanh điện cũng như các chỉ số tác động đến GDP của toàn quốc. Riêng phần giá điện điều chỉnh tăng 4,8 % theo số liệu đánh giá của Cục thống kê, dự kiến làm chỉ số giá tiêu dùng CPI năm 2025 tăng khoảng 0,09%.

Năm 2025, chúng ta dự báo tăng trưởng GDP là 2 con số. Do vậy, từ cuối năm 2024, EVN đã xây dựng kịch bản điều hành để đáp ứng được tăng trưởng GDP 8% với mục tiêu tăng trưởng điện thương phẩm của năm 2025 khoảng 12%, phần tăng trưởng này tương đương 33,6 tỷ kWh.

Bám sát tình hình diễn biến thủy văn 2025, 33,6 tỷ kWh này sẽ nằm cơ bản ở các nguồn điện được sản xuất ở các nhà máy điện có giá thành cao.

Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) khẳng định đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ 30/4 và 1/5 sắp tới cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên
EVN đảm bảo nhiệm vụ cấp điện ổn định cho nền kinh tế

Năm 2025, do biến động của thời tiết, EVN dự báo suy giảm của thủy điện so với năm 2024; nhiệt điện than sẽ tăng trưởng nhiều phân khúc các nhà máy dùng than nhập khẩu ở phía Nam.

Theo ông Lâm, giá thành than trong giai đoạn 2021 - 2023 biến động tăng theo biến động địa chính trị của thế giới. Trong 4 tháng đầu năm 2025, chi phí cho than, khí, dầu nhập khẩu tiếp tục tăng.

"EVN đã thường xuyên rà soát tính toán để có thể báo cáo với các cơ quan điều chỉnh giá điện. Việc điều chỉnh vào ngày 10/5/2025 chúng tôi đã nghiên cứu và xem xét rất kỹ trên cơ sở các chi phí đầu vào, chi phí biến động, sự chi trả của người dân và doanh nghiệp để tìm thấy điểm trung hòa giữa các nhu cầu" - ông Lâm nhấn mạnh.

Với trách nhiệm đảm bảo cung ứng điện, EVN còn phải đảm bảo công tác để nền kinh tế đảm bảo cạnh tranh, đảm bảo an sinh xã hội. Đây là vấn đề rất quan trọng” - ông Lâm khẳng định.

Bổ sung khách hàng sinh hoạt vào thực hiện giá điện 2 thành phần

Liên quan đến giá điện 2 thành phần, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, EVN đã phối hợp với đơn vị tư vấn gồm các chuyên gia đầu ngành để xây dựng. Bởi, đây là nội dung khá phức tạp, giá điện là tổng hòa các diễn biến chi phí đầu vào như diễn biến thời tiết, diễn biến tăng trưởng cũng như hành vi sử dụng của khách hàng là doanh nghiệp và người dân.

Tiết kiệm điện QUảng Ninh
Dự kiến, nhóm khách hàng sinh hoạt sẽ được tính theo giá điện 2 thành phần

Đối với giá điện 2 thành phần, EVN đã có tính toán báo cáo với Bộ Công Thương. Theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương, EVN đang tiếp tục bổ sung thêm đối tượng khách hàng sinh hoạt để thực hiện giá điện hai thành phần. EVN sẽ hoàn thiện đề án giá điện 2 thành phần sớm nhất để trình Bộ Công Thương và Chính phủ trong thời gian tới.

Chúng ta sẽ chuyển toàn bộ các biểu giá điện theo Quyết định số 599/QĐ-EVN và với Quyết định số 1279/QĐ-BCT ngày 9/5/2025 của Bộ Công Thương, sẽ thêm một gói nữa cho nhóm khách có nhu cầu vào trong phạm vi điều chỉnh” - ông Lâm cho hay.

Chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các hộ nghèo, hộ chính sách về tiền điện hiện nay thế nào?

Chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các hộ nghèo và hộ chính sách xã hội về vấn đề tiền điện hiện nay được thực hiện theo Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, các hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện hàng tháng tương đương với lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng.

Đối với các hộ chính sách xã hội có mức sử dụng điện không quá 50 kWh/tháng, mức hỗ trợ cũng tương đương với số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng.

Mức hỗ trợ hộ nghèo hộ chính sách (áp dụng theo quyết định 2699/QĐ-BCT ngày 11/10/2024 của Bộ Công Thương) là 56.790 đồng/hộ/tháng (chưa tính thuế giá trị gia tăng). Nếu áp dụng theo giá mới (theo Quyết định 1279/QĐ-BCT ngày 9/5/2025), mỗi hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện khoảng 59.520 đồng/hộ/tháng (chưa tính thuế giá trị gia tăng).

Ông Lâm cho hay, chính sách này nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí điện cho các hộ nghèo và hộ chính sách xã hội, giúp đảm bảo an sinh xã hội và thực hiện chủ trương của Chính phủ về hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn.

Theo số liệu thống kê, năm 2024, cả nước có 599.608 hộ nghèo chung và các hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện theo chủ trương của Chính phủ. Về cơ bản, việc điều chỉnh giá điện lần này sẽ bảo đảm các hộ nghèo, gia đình chính sách bị ảnh hưởng ở mức không đáng kể.

Chi tiết giá điện kinh doanh, sinh hoạt sau điều chỉnh
Theo tính toán, giá điện tăng 4,8% tác động đến CPI cả năm 2025 khoảng 0,09%

Theo tính toán, đối với các hộ sử dụng điện dưới 50 kWh (chiếm 10,55% số hộ sinh hoạt), mức tiền điện tăng khoảng 4.550 đồng/hộ/tháng.

Đối với nhóm khách hàng sử dụng từ 51 kWh - 100 kWh (chiếm 13,98% số hộ sinh hoạt), mức tăng tiền điện tăng khoảng 9.250 đồng/hộ/tháng.

Đối với nhóm khách hàng sử dụng từ 101 kWh - 200 kWh (chiếm 32,79% số hộ sinh hoạt, đang là nhóm khách hàng lớn nhất), mức tăng tiền điện tăng khoảng 20.150 đồng/hộ/tháng.

Đối với nhóm khách hàng sử dụng điện từ 201 kWh - 300 kWh (chiếm 19,33% khách hàng sử dụng điện), mức tăng tiền điện khoảng 33.950 đồng/hộ/tháng.

Đối với khách hàng sử dụng điện từ 301- 400 kWh (chiếm khoảng 9,89% khách hàng sử dụng điện), mức tăng tiền điện khoảng 49.250 đồng/hộ/tháng.

Đối với khách hàng sử dụng điện từ 400 kWh trở lên (chiếm khoảng 13,45% khách hàng sử dụng điện), mức tăng tiền điện khoảng 65.050 đồng/hộ/tháng.

Cụ thể giá bán lẻ điện cho các khách hàng hành chính sự nghiệp, sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt xem tại đây.

Thu Hường - Đình Dũng

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục