Chiến sự Israel-Hamas hôm nay ngày 2/5/2024: Hamas đề xuất đình chiến; Mỹ nói đàm phán là giải pháp tối ưu

(Banker.vn) Thông tin chiến sự Israel-Hamas hôm nay ngày 2/5/2024: Hamas đề xuất đình chiến; Mỹ nói đàm phán là giải pháp tối ưu.
Chiến sự Israel-Hamas hôm nay ngày 30/4/2024: Một số nước phương Tây đề xuất ngừng bán vũ khí cho Israel Chiến sự Israel-Hamas hôm nay ngày 1/5/2024: Lầu Năm Góc “cho phép” quân đội Mỹ “tham gia giao tranh” ở Dải Gaza Chiến sự Israel-Hamas ngày 1/5/2024: Israel nêu lý do phải tấn công Rafah; ICC ra lệnh bắt lãnh đạo Israel?

Thông tin chiến sự

Israel pháo kích đáp trả Lebanon. Quân đội Israel ghi nhận một số vụ pháo kích mới vào các khu vực phía bắc nước nước. Cụ thể, hai tên lửa chống tăng đã được phóng từ lãnh thổ Lebanon theo hướng làng biên giới Shtula. Vụ pháo kích gây thiệt hại tài sản trong khu vực và không có báo cáo về thương vong. Đáp trả, quân đội Israel đã tấn công vào các nguồn phát ra hỏa lực từ Lebanon.

Đồng thời, các máy bay chiến đấu của Không quân Israel đã tấn công các cơ sở quân sự của Hezbollah ở khu vực lân cận các khu định cư Ait al-Shaab và Marwahin của Lebanon.

Israel-Hamas
Israel tuyên bố chuẩn bị các hoạt động tấn công ở phía Bắc. Ảnh: AP

Israel chuẩn bị các hoạt động tấn công ở phía Bắc. Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel, Trung tướng Herzi Halevi cho biết, quân đội nước này đang chuẩn bị cho các hoạt động tấn công ở biên giới phía Bắc.

"Chiến dịch tấn công ở Dải Gaza sẽ tiếp tục với toàn bộ lực lượng. Mục tiêu là khôi phục an ninh cho các cộng đồng gần Dải Gaza và đưa các con tin về nhà an toàn”, ông Halevi nói.

Tổng tham mưu trưởng nhấn mạnh, Israel đã phục hồi sau sự kiện ngày 7/10/2023, đang tiến về phía trước và khẳng định vững chắc sự hiện diện trong khu vực.

Một số diễn biến liên quan

Hamas đề xuất đình chiến hơn 120 ngày. Theo thỏa thuận khung cho ngừng bắn giữa Hamas và Israel, Hamas kêu gọi trở lại nền hòa bình bền vững và cung cấp các biện pháp cần thiết để ngừng bắn.

Cu thể, Hamas đề xuất thỏa thuận 3 giai đoạn để thực thi ngừng bắn. Trong giai đoạn đầu - kéo dài 40 ngày, Hamas yêu cầu quân đội Israel rút về biên giới phía đông Dải Gaza và chấm dứt mọi hoạt động quân sự gần khu vực đông dân cư.

Giai đoạn hai - kéo dài 42 ngày, Hamas yêu cầu Israel thực thi các biện pháp tái lập hòa bình lâu dài, đánh giá và khởi công tái thiết toàn diện nhà cửa, cơ sở cùng hạ tầng dân sự.

Giai đoạn thứ ba, các bên sẽ xác định danh tính người thiệt mạng trong xung đột, trao trả thi thể và hài cốt cho phía còn lại. Đồng thời, Hamas đề xuất Ai Cập, Qatar và Mỹ sẽ là 3 nước giám sát thực thi thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 120 ngày này.

Đàm phán là giải pháp tối ưu. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho hay, ông đã nói với các nhà lãnh đạo Israel rằng Mỹ phản đối kế hoạch tấn công vào thành phố Rafah ở Dải Gaza, đồng thời đưa ra giải pháp tốt hơn chính là đàm phán với Hamas.

Quan điểm của Mỹ rất rõ ràng, không thay đổi và sẽ không thay đổi”, ông Blinken nói. Theo ông, Mỹ không ủng hộ chiến dịch quân sự lớn vào Rafah nếu thiếu một kế hoạch hiệu quả trong đó đảm bảo dân thường không bị ảnh hưởng, nhấn mạnh hiện chưa có kế hoạch nào đáp ứng được điều kiện trên.

Hàng viện trợ ồ ạt vào Dải Gaza. Văn phòng truyền thông của Dải Gaza thông báo, số lượng xe tải chở hàng viện trợ vào dải đất này trong tháng 4 đã tăng nhẹ, đạt 164 xe/ngày.

Được biết, trong tháng 4 đã có tổng cộng 4.887 xe tải chở hàng vào Dải Gaza, bao gồm 1.166 xe đi qua cửa khẩu Rafah nối với Ai Cập, phần còn lại đi qua cửa khẩu Kerem Abu nối với Israel. Trong số trên, chỉ có 419 xe (chiếm 8%) tới được miền Bắc Gaza, nơi cuộc khủng hoảng nhân đạo đang cấp bách với khoảng 700.000 người cần cứu trợ khẩn cấp.

Trước đây, Israel cam kết với Mỹ sẽ cho từ 300-500 xe chở hàng viện trợ vào Dải Gaza mỗi ngày, trong khi cần khoảng 1.000 xe mới đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân.

WHO cảnh báo nguy cơ thảm họa nhân đạo tại Dải Gaza. Tổng giám đốc Tổ chức y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng, Israel sẽ gây ra một thảm họa nhân đạo nếu tiếp tục chiến dịch quân sự ở thành phố Rafah.

Một chiến dịch toàn diện vào Rafah sẽ là một thảm họa nhân đạo. Chúng tôi kêu gọi Israel không tiến hành chiến dịch này và tất cả các bên nỗ lực để đạt được lệnh ngừng bắn và hòa bình lâu dài”, ông Tedros nói.

Theo giới chức y tế tại Dải Gaza, cuộc xung đột giữa Hamas và Israel tính đến hết tháng 4 vừa qua đã khiến hơn 34.000 người Palestine thiệt mạng và hơn 77.000 người khác bị thương. Trong khi đó, phía Israel ghi nhận hơn 1.200 người thiệt mạng kể từ khi căng thẳng với Phong trào Hồi giáo Hamas leo thang trở lại.

Thanh Bình

Theo: Báo Công Thương