Cho phép chuyển đổi linh hoạt giữa học phổ thông và nghề

(Banker.vn) Học sinh có thể chuyển đổi linh hoạt giữa học phổ thông và học nghề ngay trong quá trình học, mở ra cơ hội định hướng tương lai sớm và phù hợp năng lực.
Thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025: Gấp đôi mã đề Phó Thủ tướng lưu ý gì về kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông? Thủ tướng yêu cầu '6 rõ' trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông

Trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, việc phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh từ sớm trở thành một yêu cầu cấp thiết.

Nhằm đáp ứng yêu cầu này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục, với nhiều điểm mới đáng chú ý như cho phép học sinh chuyển đổi linh hoạt giữa giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp, mở ra cơ hội học tập đa dạng và phù hợp hơn với năng lực, sở thích của từng cá nhân.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề cập đến việc tăng cường liên kết giữa các trường phổ thông với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cũng như đẩy mạnh hợp tác giữa doanh nghiệp và các trường cao đẳng, trung cấp, đại học nhằm xây dựng mô hình kết hợp học văn hóa với học nghề.

Học sinh Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội
Sinh viên Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội được thực hành tại doanh nghiệp. Ảnh: NTCC.

Cần gắn kết giữa các hệ thống giáo dục

Về đề xuất này, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Sang, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Y dược Hà Nội cho biết, việc phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế xã hội đã được Đảng, Nhà nước quan tâm từ nhiều năm nay. Trong đó, đã được thể hiện rõ qua Luật Giáo dục cũng như Luật giáo dục Đại học, Luật Giáo dục Nghề nghiệp.

Tuy nhiên, theo ông Sang trong quá trình thực hiện đã cho thấy nhiều quy định trong Luật hiện hành bộc lộ điểm không còn phù hợp với xu thế cũng như thông lệ giáo dục quốc tế.

Ông nhấn mạnh: “Đào tạo nhân lực tay nghề sớm là điều cần thiết nhằm phát huy hiệu quả nguồn lao động trẻ”.

Hiện nay, không chỉ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông mới được định hướng học nghề mà việc phân luồng học sinh sau trung học cơ sở vào học nghề cũng đã được triển khai. Điều này cho phép người học sở hữu bằng trung cấp và tham gia thị trường lao động ngay từ tuổi 18, tiết kiệm một đến hai năm so với con đường học truyền thống từ trung học phổ thông.

Tuy nhiên, ông Sang cho rằng việc chuyển đổi giữa giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp vẫn còn nhiều rào cản, đặc biệt là khi học sinh muốn chuyển từ giáo dục nghề nghiệp trở lại giáo dục phổ thông.

Việc tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh được chuyển đổi giữa hai hệ thống là điều cần thiết giúp cho công tác phân luồng được thuận lợi hơn, đồng thời cũng tạo ra sự gắn kết hơn giữa hệ thống giáo dục nghề nghiệpgiáo dục phổ thông”, ông Sang nói.

Theo ông Sang, hệ thống giáo dục phổ thông nên tích hợp các nội dung hướng nghiệp và một phần chương trình đào tạo nghề vào giảng dạy nhằm giúp học sinh định hướng sớm. Đồng thời, giáo dục nghề nghiệp cũng cần xây dựng chương trình linh hoạt để tiếp nhận học sinh từ phổ thông một cách thuận lợi nhất.

Học phổ thông hay học nghề không nên là khoảng cách, mà là sự lựa chọn phù hợp với nhu cầu của người học”, ông khẳng định.

Hướng nghiệp cần bắt đầu từ sớm

Cũng trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội khẳng định, dự thảo là một trong những chỉ đạo đầu tiên của Bộ Giáo dục Đào tạo khi được Chính phủ giao quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.

Theo ông, việc đề xuất cơ chế chuyển đổi linh hoạt giữa giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp là một bước tiến lớn.

Việc cho phép chuyển đổi từ giáo dục nghề nghiệp sang giáo dục phổ thông và ngược lại tạo tính linh hoạt, hiện đại và tính mở trong hệ thống giáo dục. Điều này phù hợp với nhu cầu của người học, không gò ép học sinh một lựa chọn và cho phép người học nếu thấy lựa chọn giáo dục phổ thông là chưa phù hợp có thể sang học giáo dục nghề nghiệp và ngược lại”, ông Ngọc nói.

Đáng chú ý, ông Ngọc đề xuất việc hướng nghiệp cần đưa vào sớm hơn, thậm chí hướng nghiệp từ bậc mầm non.

Theo ông, những hoạt động đơn giản như trẻ chơi trò “bác sĩ”, “kỹ sư”, hay tham gia vẽ tranh, làm thí nghiệm trong các hoạt động giáo dục STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) chính là những bước đầu tiên của hướng nghiệp.

Về việc liên kết đào tạo với doanh nghiệp, ông Ngọc cho rằng, giáo dục nghề nghiệp bắt buộc gắn liền cũng như hợp tác hiệu quả với doanh nghiệp để đáp ứng đúng nhu cầu thực tiễn.

Hiện Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội đã xây dựng hệ sinh thái giáo dục nghề nghiệp, kết nối với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm đa dạng hóa cơ hội việc làm cho sinh viên.

Chúng tôi đang hợp tác với các doanh nghiệp và tổ chức quốc tế đến từ Đức, Đài Loan, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác. Sự hợp tác này không chỉ nâng cao chất lượng đào tạo mà còn tạo điều kiện cho sinh viên được thực hành, tiếp cận công nghệ hiện đại và có cơ hội việc làm sau tốt nghiệp với mức thu nhập tốt”, ông Ngọc cho biết.

Có thể thấy, việc cho phép học sinh chuyển đổi linh hoạt giữa giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp không chỉ mở rộng cơ hội học tập mà còn góp phần xây dựng một hệ thống giáo dục linh hoạt, hiện đại và phù hợp với nhu cầu thực tiễn.

Việc định hướng nghề nghiệp sớm, kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp, cùng với sự liên thông giữa các bậc học sẽ là nền tảng quan trọng để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn mới.

Trước đó, cuối tháng 4/2025 Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch (Bộ Công Thương) cũng đã tổ chức Hội nghị Công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở năm 2025.

Tại hội nghị, tiến sĩ Nguyễn Đức Trung – Hiệu trưởng Nhà trường nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác hướng nghiệp trong việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời cam kết đồng hành cùng các trường trung học cơ sở trong công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh.

Cùng với đó là các phương án phối hợp cụ thể giữa nhà trường với các trường trung học cơ sở trong việc tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp, tổ chức hoạt động trải nghiệm thực tế cho học sinh nhằm nâng cao hiệu quả phân luồng sau trung học cơ sở.

Ông Trung cũng kỳ vọng công tác phân luồng góp phần giúp học sinh có định hướng nghề nghiệp đúng đắn, phù hợp với năng lực bản thân và nhu cầu xã hội.

Hội nghị không chỉ là dịp để các bên liên quan cùng nhìn nhận lại vai trò then chốt của công tác hướng nghiệp, mà còn mở ra cơ hội tăng cường hợp tác giữa nhà trường và các cơ sở giáo dục phổ thông. Qua đó, từng bước hiện thực hóa mục tiêu phân luồng hiệu quả, góp phần phát triển nguồn nhân lực vững mạnh, đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập của đất nước trong giai đoạn mới.

Minh Khánh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục