Tinh gọn bộ máy là đòi hỏi cấp thiết
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013 và các luật liên quan như Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ công chức là chủ trương lớn đã được Đảng, Nhà nước thống nhất thực hiện từ nhiều năm qua.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: “Sửa Hiến pháp lần này là hợp ý Đảng, lòng dân. Muốn tinh gọn bộ máy, hiệu năng, hiệu lực thì phải sửa Hiến pháp. Đây là yêu cầu khó, nhưng không thể chần chừ”.
![]() |
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn góp ý tại phiên thảo luận tổ |
Theo lộ trình, Quốc hội đã thành lập Ủy ban sửa đổi Hiến pháp, tổ chức lấy ý kiến nhân dân từ ngày 6/5 đến 5/6, tổng hợp trong vòng 5 ngày. Nội dung sửa đổi tập trung vào khoảng 8 Điều trong tổng số 120 Điều, chủ yếu liên quan đến việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy nhà nước. “Chúng ta không mở rộng phạm vi sửa đổi. Nếu mở rộng, sẽ phải đợi Đại hội XIV và sửa cả cương lĩnh chính trị”, ông khẳng định.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh vai trò chủ động của các đại biểu Quốc hội trong việc góp ý sửa từng điều, từng dấu phẩy: “Chúng ta không thể làm qua loa. Mỗi đại biểu có trách nhiệm nhấn nút thông qua một văn bản mang tính lịch sử với tinh thần trách nhiệm cao nhất trước nhân dân”.
Phân quyền mạnh mẽ để địa phương quyết, địa phương làm
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đặc biệt nhấn mạnh tinh thần phân cấp mạnh mẽ cho địa phương: “Địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, các luật sửa đổi phải đi liền với phân bổ nguồn lực và cải cách thủ tục hành chính.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ thực tế hiện nay: “Tiền đã giao, dự án đã phê duyệt nhưng nhiều nơi vẫn giải ngân chậm. Nguyên nhân không phải thiếu tiền mà do thủ tục rườm rà, quy định chồng chéo. Luật lần này phải tháo gỡ vướng mắc để trao quyền thực chất cho địa phương”.
Với các luật sẽ được sửa tại kỳ họp lần này, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải tập trung rà lại toàn bộ hệ thống phân cấp hiện hành để tạo ra bước đột phá thực sự, đặc biệt là sửa Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các luật về đầu tư, tài chính công.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đồng thời nêu, nếu tiếp tục duy trì mô hình “xin - cho” từ Trung ương xuống, bộ máy địa phương sẽ bị tê liệt, chậm trễ và không thể chịu trách nhiệm.
Đổi mới tư duy lập pháp, chuyển động mạnh về thể chế
Một trong những điểm nhấn mới được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhắc đến là việc đổi mới tư duy lập pháp: "Chúng ta có luật hàng trăm trang, tích hợp cả nghị định, thông tư. Vướng ở đâu là phải đợi họp Quốc hội mới sửa được”.
Điều này cho thấy, Việt Nam cần chuyển mạnh từ tư duy quản lý chặt sang quản lý hiệu quả, giao quyền nhiều hơn cho Chính phủ và các bộ, ngành qua cơ chế ủy quyền linh hoạt. Chủ tịch Quốc hội đề xuất: “Vấn đề nào ủy quyền được thì ủy quyền, tránh dồn tất cả lên Quốc hội. Càng ôm đồm, càng chậm đổi mới”.
![]() |
Phiên thảo luận tổ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) |
Từ góc nhìn đổi mới kỹ thuật, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Quốc hội đã chính thức triển khai trợ lý ảo ChatGPT có bản quyền, bước đầu được cài đặt cho mỗi đại biểu Quốc hội. “Nếu một cá nhân phải đọc 3.000 trang luật thì mất cả tuần. Trợ lý ảo AI có thể phân tích trong vài phút, chỉ rõ chỗ nào chồng chéo, thiếu sót. Đây là cuộc cách mạng trong công tác lập pháp” - ông đánh giá.
Tạo nguồn lực để chăm lo an sinh cho người dân
Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, nguồn lực tiết kiệm từ việc sắp xếp lại bộ máy sẽ được chuyển hóa thành phúc lợi trực tiếp cho người dân. Chính phủ đang đề xuất miễn học phí từ mầm non đến phổ thông với tổng chi phí 30.000 tỷ đồng, đồng thời đặt mục tiêu mỗi người dân được khám sức khỏe miễn phí một lần mỗi năm, cần khoảng 25.000 tỷ đồng.
“Một số quốc gia thu nhập thấp hơn ta nhưng họ miễn học phí, lo nhà ở, chăm sóc sức khỏe toàn dân. Việt Nam có hơn 106 triệu dân, nếu bộ máy không tinh gọn, khó có thể chăm lo toàn diện được”, Chủ tịch Quốc hội nói rõ.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng lưu ý về việc tận dụng hiệu quả cơ sở vật chất sau sáp nhập hành chính. Những trụ sở không còn sử dụng, cần được chuyển đổi công năng để phục vụ cộng đồng như: Trường học, trạm y tế, trung tâm sinh hoạt cộng đồng, không để lãng phí tài sản nhà nước.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: “Giảm số xã, huyện là phần dễ. Khó là bố trí lại cán bộ, chức năng nhiệm vụ, xây dựng văn kiện Đại hội Đảng các cấp phù hợp với thực tế mới. Phải đi từng bước chắc chắn, không được chủ quan, nóng vội”. |