Chuyển đổi số: Bước chuyển mình đột phá du lịch Hà Giang

(Banker.vn) Việc tạo làn gió mới từ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh với nhiều giải pháp đồng bộ là cơ hội để du lịch Hà Giang tiếp tục phát triển bứt phá.
Bắc Mê - sức hút mới của du lịch Hà Giang Du lịch Hà Giang: Nói không với rác thải, giảm sức ép cho môi trường Người tiên phong, góp công làm nên du lịch Hà Giang

Chuyển đổi số, phát triển xanh là những trụ cột chiến lược

Chia sẻ về tiềm năng và những kết quả đã đạt được của du lịch Hà Giang thời gian qua tại toạ đàm "Du lịch Hà Giang bước vào kỷ nguyên số và hành trình đến tương lai xanh" do Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh Hà Giang tổ chức vừa qua, ông Nguyễn Trung Ngọc - Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch Hà Giang cho biết, Hà Giang là mảnh đất địa đầu Tổ quốc, nơi hội tụ vẻ đẹp hùng vĩ của cao nguyên đá Đồng Văn. Nơi đây cũng mang sắc màu văn hóa của 19 dân tộc anh em, cùng những giá trị di sản độc đáo đang từng ngày được bảo tồn và phát huy.

Chuyển đổi số: Bước chuyển mình đột phá du lịch Hà Giang
Ông Nguyễn Trung Ngọc - Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch Hà Giang chia sẻ tại toạ đàm "Du lịch Hà Giang bước vào kỷ nguyên số và hành trình đến tương lai xanh". Ảnh: Đ.N

Năm 2024, tỉnh Hà Giang đã thu hút được 3,286 triệu lượt khách, trong đó có 380 nghìn lượt khách quốc tế và 2,906 triệu lượt khách nội địa, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2023, vượt 102,6% kế hoạch năm. Tổng thu từ du lịch ước đạt 8,149,2 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, năm 2024, Hà Giang vinh dự được Tổ chức Du lịch Thế giới (WTA) vinh danh là “Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á”. Đặc biệt, năm 2025, tạp chí Time Out (Anh) cũng đã bình chọn Hà Giang là một trong 44 điểm đến tuyệt vời nhất thế giới - một minh chứng cho sức hút ngày càng lan tỏa mạnh mẽ của vùng đất này.

Trước những kết quả ấn tượng từ du lịch Hà Giang đã đạt được, ông Ngọc nhấn mạnh: "Trong bối cảnh du lịch toàn cầu đang phục hồi mạnh mẽ, Hà Giang xác định chuyển đổi số, phát triển xanh và bền vững là những trụ cột chiến lược để nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế".

Chuyển đổi số: Bước chuyển mình đột phá du lịch Hà Giang
Năm 2024, Hà Giang vinh dự được Tổ chức Du lịch Thế giới (WTA) vinh danh là “Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á”

Thực tế cho thấy, những năm gần đây, Hà Giang đã và đang tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để thu hút du khách trong và ngoài nước. Nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyển đổi số trong phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch, ông Đặng Quốc Sử - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Hà Giang cho hay, chuyển đổi số là yếu tố then chốt để du lịch Hà Giang bứt phá. Công nghệ thông tin giúp chúng tôi quảng bá hiệu quả các điểm đến, dịch vụ đến du khách trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, các hãng lữ hành, nhà cung cấp dịch vụ cũng đã tích cực sử dụng nền tảng số để giới thiệu sản phẩm, giúp khách hàng tiếp cận thông tin nhanh chóng và chính xác. Trong các buổi tọa đàm, các đơn vị liên quan luôn thảo luận để tìm giải pháp đưa chuyển đổi số đến gần hơn với doanh nghiệp, từ đó nâng cao trải nghiệm cho du khách.

Cũng theo ông Sử, thời gian qua, với sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương, các doanh nghiệp, Công ty lữ hành, du lịch, dịch vụ tại Hà Giang đã có sự chuyển biến rõ rệt về chuyển đổi số. Nắm bắt xu thế phát triển chung, mỗi đơn vị đã tự xây dựng định hướng chiến lược phát triển trên nền tảng số, thích ứng linh hoạt với sự thay đổi của thị trường.

Đẩy mạnh tiếp thị số – Giải pháp bứt phá cho du lịch Hà Giang

Để du lịch Hà Giang thay đổi với một diện mạo mới, góp ý tại toạ đàm "Du lịch Hà Giang bước vào kỷ nguyên số và hành trình đến tương lai xanh", ông Lương Đăng Doanh - Trưởng Ban Phát triển khu vực Đông Tây Bắc của Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội - Giám đốc Fivestar Travel cho biết, Hà Giang đã có những bước đi khá sớm và tích cực trong chuyển đổi số du lịch. Tuy nhiên, để thúc đẩy du lịch Hà Giang phát triển nhờ trợ lực từ chuyển đổi số, ông Doanh đã kiến nghị một số giải pháp.

Chuyển đổi số: Bước chuyển mình đột phá du lịch Hà Giang
Công nghệ số đã giúp Hà Giang quảng bá hiệu quả các điểm đến, dịch vụ đến du khách trong và ngoài nước. Ảnh: Đ.N

Một là, đẩy mạnh tiếp thị số: Trong xu thế chuyển đổi số mạnh mẽ của ngành du lịch, Hà Giang cần nỗ lực hơn nữa nhằm nâng cao hiệu quả quảng bá và xúc tiến thông qua việc đẩy mạnh tiếp thị số (Digital Marketing). Việc triển khai hiệu quả giải pháp này sẽ đưa hình ảnh Hà Giang đến gần hơn với du khách trong và ngoài nước.

Hai là, tập trung quảng bá trên nền tảng mạng xã hội. Việc xây dựng các kênh truyền thông chính thức trên Facebook, Instagram, YouTube và TikTok là bước đi đầu tiên giúp định vị thương hiệu du lịch Hà Giang một cách chuyên nghiệp. Các nội dung được đầu tư bài bản, chất lượng cao như video khám phá phong cảnh, ẩm thực, lễ hội và văn hóa địa phương sẽ là "cần câu" thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng.

Đặc biệt, cần tiếp tục chú trọng phối hợp hợp tác với các KOLs, travel blogger, influencer nổi tiếng. Thông qua trải nghiệm thực tế và chia sẻ trên các nền tảng cá nhân, hình ảnh Hà Giang sẽ được lan tỏa rộng rãi, tạo hiệu ứng truyền thông tích cực.

Ba là, tăng cường SEO và quảng cáo trực tuyến: Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO) giúp các trang thông tin chính thống về du lịch Hà Giang luôn xuất hiện ở vị trí ưu tiên trên Google khi người dùng tra cứu. Cùng với đó, việc sử dụng Google Ads và Facebook Ads giúp nhắm trúng đối tượng khách hàng tiềm năng, đặc biệt là giới trẻ và du khách quốc tế có nhu cầu khám phá các điểm đến mới lạ, độc đáo.

Bốn là, sáng tạo nội dung đặc sắc, bắt trend: Hà Giang hướng tới sản xuất các video quảng bá theo phong cách hiện đại, sinh động, tập trung vào những trải nghiệm đặc trưng như cung đường Mã Pí Lèng, mùa hoa tam giác mạch, các hoạt động sinh hoạt truyền thống của đồng bào dân tộc. Phương pháp “kể chuyện bằng hình ảnh” (visual storytelling) thông qua các bộ ảnh nghệ thuật được chia sẻ trên mạng xã hội cũng góp phần lan tỏa vẻ đẹp con người và văn hóa bản địa.

Bên cạnh đó, việc bắt kịp các xu hướng nội dung đang thịnh hành trên TikTok, Instagram (như âm nhạc, hiệu ứng, trào lưu) cũng sẽ giúp thu hút lượng lớn người dùng trẻ tuổi và tạo tính lan truyền mạnh mẽ.

Năm là, liên kết với các nền tảng số và doanh nghiệp công nghệ: Hà Giang tích cực hợp tác với các nền tảng đặt phòng và vé trực tuyến như Booking.com, Agoda, Traveloka, Airbnb… để mở rộng khả năng tiếp cận du khách. Đồng thời, các sản phẩm đặc sản địa phương và hàng thủ công mỹ nghệ cũng được đưa lên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Amazon… Qua đó, vừa góp phần quảng bá văn hóa, vừa mở ra kênh tiêu thụ mới cho người dân.

Chuyển đổi số: Bước chuyển mình đột phá du lịch Hà Giang
Từ ngày 12-15/5, Trung tâm Xúc tiến Du lịch Hà Giang đã tổ chức đoàn Famtrip với sự tham gia của 60 đơn vị lữ hành, khảo sát tại các huyện Vị Xuyên, Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc. Ảnh: Đ.N

Sáu là, đào tạo và nâng cao năng lực truyền thông số: Song song với hoạt động tiếp thị, việc đào tạo kỹ năng số cho cán bộ quản lý du lịch và doanh nghiệp địa phương cũng được chú trọng. Các khóa tập huấn về quản lý mạng xã hội, sản xuất nội dung, sử dụng công cụ kỹ thuật số… đang giúp các đơn vị chủ động hơn trong công tác truyền thông và tương tác với du khách.

Đồng thời, hỗ trợ người dân, đặc biệt ở các làng du lịch cộng đồng, tiếp cận công nghệ, tham gia trực tiếp vào hoạt động quảng bá văn hóa và dịch vụ qua nền tảng số là bước đi quan trọng nhằm tạo ra mô hình du lịch cộng đồng hiện đại, hiệu quả và bền vững.

Chia sẻ về định hướng trọng tâm vào chuyển đổi số trong thúc đẩy phát triển du lịch tỉnh nhà, ông Nguyễn Trung Ngọc - Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch Hà Giang nhấn mạnh, chúng tôi sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số để quảng bá và cung cấp dịch vụ tốt hơn, đồng thời tiếp tục phát triển du lịch bền vững, bảo tồn văn hóa và môi trường. Việc mở rộng điểm đến, phát triển sản phẩm đặc trưng và tăng cường hợp tác với doanh nghiệp, truyền thông sẽ là trọng tâm để Hà Giang duy trì vị thế điểm đến hấp dẫn.

"Việc tiếp cận nhanh chóng với công nghệ để phát triển du lịch số, du lịch thông minh, góp phần tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, nâng cao hiệu quả quảng bá, từng bước hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh đã, đang và sẽ “chắp cánh” cho du lịch Hà Giang phát triển bền vững trong thời gian tới" - ông Ngọc nói.

Nhằm tiếp tục quảng bá cho danh hiệu Hà Giang - Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á năm 2024 và những năm tiếp theo để đưa ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, từ ngày 12-15/5 vừa qua, Trung tâm Xúc tiến Du lịch Hà Giang đã tổ chức đoàn Famtrip với sự tham gia của gần 60 đơn vị lữ hành, khảo sát tại các huyện Vị Xuyên, Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc.

Chương trình với mục tiêu kết hợp công nghệ số và chuyển đổi xanh giúp ngành du lịch Hà Giang phát triển hài hòa giữa kinh tế - xã hội – môi trường, đảm bảo lợi ích lâu dài cho cộng đồng địa phương, doanh nghiệp và du khách. Thông qua chương trình để kết nối các nhà cung cấp dịch vụ du lịch giữa địa phương và các công ty lữ hành trong và ngoài nước đưa khách đến Hà Giang. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu của thị trường khách du lịch cũng như mục tiêu xây dựng, phát triển du lịch bền vững.

Đỗ Nga - Bình Nguyên

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục