Bàn giao Thanh tra Bộ Công Thương về Thanh tra Chính phủ Chính quyền địa phương hai cấp: Dấu mốc cải cách thể chế lịch sử |
Cần thể chế hóa chuyển đổi số thành nguyên tắc cốt lõi
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, phát biểu tại phiên thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh (Đoàn Lào Cai) khẳng định sự cần thiết sửa đổi luật để phù hợp với yêu cầu cấp bách của quá trình cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy và chuyển đổi số quốc gia. Theo bà, luật mới cần thể chế hóa đầy đủ các nghị quyết, quan điểm chỉ đạo của Đảng và khắc phục các bất cập trong thực tiễn.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh (Đoàn Lào Cai). Ảnh: VPQH |
Góp ý về Điều 8 liên quan đến thanh tra viên, bà cho rằng quy định trong dự thảo mới chỉ mang tính nguyên tắc, chưa đủ cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm vào các ngạch. Nếu không có quy định rõ ràng hoặc không giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết thì dễ dẫn tới việc mỗi nơi áp dụng một kiểu, làm giảm tính chuyên nghiệp. Bà đề xuất cần giao Chính phủ quy định cụ thể để thống nhất thực hiện trên toàn quốc.
Đối với Điều 20 về thời hạn thanh tra, bà cảnh báo việc nâng thời gian gia hạn từ 30 ngày sang 30 ngày làm việc ở những địa bàn khó khăn có thể khiến thời gian thanh tra bị kéo dài, đi ngược với tinh thần cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư. Đặc biệt, khái niệm “tình huống phức tạp” trong dự thảo vẫn chưa rõ ràng, cần được định nghĩa cụ thể và giao Chính phủ hướng dẫn, nhằm đảm bảo tính minh bạch và hạn chế lạm dụng.
Về Điều 60, đại biểu Lan Anh đánh giá cao việc dự thảo bước đầu xác lập vai trò của công nghệ và dữ liệu trong hoạt động thanh tra, nhưng cho rằng cần làm mạnh hơn. Bà đề nghị xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, liên thông giữa các cơ quan thanh tra; cụ thể hóa quy trình nghiệp vụ thành các tiêu chí chuẩn hóa; xác định danh mục ưu tiên đầu tư các công cụ số, tránh đầu tư dàn trải, gây lãng phí.
Đặc biệt, bà kiến nghị bổ sung rõ trong luật rằng chuyển đổi số không chỉ là nội dung phụ trợ mà phải là nguyên tắc xuyên suốt trong toàn bộ hoạt động thanh tra. Đây là xu hướng toàn cầu và cũng là công cụ quan trọng để nâng cao hiệu quả, minh bạch và tính dự báo trong quản lý nhà nước, đặc biệt trong tài chính công và đầu tư công. Bà dẫn chứng kinh nghiệm của Mỹ, Singapore, Hàn Quốc đã ứng dụng công nghệ, AI, Big Data rất hiệu quả trong hoạt động thanh tra.
Không để chồng chéo giám sát, cần phân quyền rõ ràng
Đại biểu Đoàn Thị Lê An (Đoàn Cao Bằng) tán thành với việc sửa đổi toàn diện Luật Thanh tra năm 2022, ghi nhận dự thảo đã bám sát Kết luận 134 của Bộ Chính trị về xây dựng hệ thống cơ quan thanh tra tinh gọn, hiệu lực. Tuy nhiên, bà cho rằng vẫn còn những điểm cần tiếp tục rà soát để đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ với các quy định hiện hành.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh (Đoàn Lào Cai). Ảnh: VPQH |
Về nguyên tắc không trùng lặp trong hoạt động thanh tra quy định tại Điều 4 khoản 3, bà cho rằng quy định này mới chỉ đề cập đến Kiểm toán Nhà nước. Trên thực tế, còn nhiều cơ quan khác có chức năng giám sát như: Quốc hội, HĐND, Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan kiểm tra. Do đó, cần mở rộng nguyên tắc để tránh tình trạng chồng chéo, đảm bảo hoạt động thanh tra không làm gián đoạn hoặc gây phiền hà cho đối tượng bị thanh tra.
Đối với quyền hạn của Thanh tra tỉnh tại điểm a khoản 1, bà nhận định quy định “phải lấy ý kiến Thanh tra Chính phủ” khi lập kế hoạch thanh tra hàng năm là chưa phù hợp với tinh thần phân cấp, cải cách hành chính. Theo bà, mỗi tỉnh nên được tự chủ trong xây dựng kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế địa phương, tránh phụ thuộc vào cấp Trung ương, nhất là khi Nghị định 109 đã có hướng dẫn cụ thể.
Đáng chú ý, về khoản 6 Điều 17, bà đặt vấn đề liên quan đến thẩm quyền của Chánh thanh tra tỉnh khi được kiến nghị sửa đổi hoặc đình chỉ văn bản trái pháp luật. Bà đặt câu hỏi: “Nếu văn bản đó là của Quốc hội, Chính phủ thì thẩm quyền đó sẽ được thực hiện đến đâu?”, cho rằng cần làm rõ phạm vi áp dụng để tránh lúng túng khi thực hiện.
Cuối cùng, đại biểu Đoàn Thị Lê An kiến nghị bổ sung thẩm quyền xử phạt hành chính cho Chánh thanh tra tỉnh, tương đương với quyền hạn đã được giao cho người ra quyết định thanh tra, trưởng đoàn và các thành viên đoàn. Điều này sẽ tăng tính đồng bộ và hiệu lực của hệ thống thanh tra ở cấp địa phương.
Nhiều ý kiến cho rằng, về cơ bản dự thảo Luật đã bám sát, kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, nhất là Kết luận số 134-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; bảo đảm tính hợp hiến, cơ bản thống nhất với hệ thống pháp luật. |