Chuyên gia lý giải nguyên nhân thúc đẩy giá vàng tăng cao kỷ lục

(Banker.vn) Quý I/2024, nhu cầu đầu tư vàng miếng tăng mạnh đã thúc đẩy đà tăng của giá vàng trong nước. Giá vàng SJC đang ở mức cao kỷ lục 87,5 triệu đồng/lượng bán ra.
Giá vàng lập đỉnh mới, vàng SJC sắp chạm mốc 86 triệu đồng/lượng Giá vàng SJC tăng lập đỉnh 86 triệu đồng/lượng, nhà đầu tư vội bán vàng chốt lời Nhu cầu đầu tư vàng miếng, vàng xu của Việt Nam tăng trưởng mạnh Giá vàng miếng tăng dữ dội lên mức cao nhất lịch sử, nhà đầu tư thận trọng khi mua vàng

Thời điểm 15h ngày 8/5/2024, giá vàng SJC trong nước giảm nhẹ ở chiều mua vào và giữ ổn định chiều bán ra so với rạng sáng cùng ngày.

Công ty TNHH MTV Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn - SJC niêm yết giá vàng SJC chiều mua vào ở mức 85,2 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 87,5 triệu đồng/lượng. So với rạng sáng cùng ngày, giá vàng SJC tại đơn vị này được điều chỉnh giảm nhẹ 100.000 đồng/lượng chiều mua vào và giữ nguyên giá chiều bán ra.

Sau khi điều chỉnh giảm giá chiều mua, khoảng cách chênh lệch giá mua - bán vàng tại đơn vị này nới rộng lên mức 2,3 triệu đồng/lượng.

Chuyên gia lý giải nguyên nhân thúc đẩy giá vàng tăng cao kỷ lục
Giá vàng niêm yết tại Công ty TNHH MTV Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn - SJC. Ảnh chụp màn hình lúc 15h ngày 8/5/2024

Cùng thời điểm, giá vàng SJC được thương hiệu Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức 85,55 triệu đồng/lượng mua vào và 87,5 triệu đồng/lượng bán ra. So với rạng sáng cùng ngày, giá vàng SJC tại đơn vị này được điều chỉnh tăng nhẹ 50.000 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra.

Chuyên gia lý giải nguyên nhân thúc đẩy giá vàng tăng cao kỷ lục
Giá vàng niêm yết tại Bảo Tín Minh Châu. Ảnh chụp màn hình lúc 15h ngày 8/5/2024

Giá vàng SJC tăng dù Nhà nước có nhiều biện pháp ổn định thị trường vàng, từ đấu thầu tăng cung, tăng cường kiểm tra giá…

Cụ thể, sáng nay (8/5), Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tổ chức đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC. Đây là lần đấu thầu thứ hai thành công sau 5 lần tổ chức. Ở phiên đấu thầu này, Ngân hàng Nhà nước cho biết có 3 đơn vị trúng thầu 3.400 lượng, tức chiếm 20% so với quy mô 16.800 lượng chào thầu. Giá trúng thầu là 86,05 triệu đồng.

Trước đó, tại phiên đấu thầu vàng miếng diễn ra vào ngày 23/4, có 1 doanh nghiệp trúng thầu với giá cao nhất là 81,33 triệu đồng, thấp nhất 81,32 triệu đồng. Như vậy, trong phiên đấu thầu sáng nay, các doanh nghiệp đã phải trả giá cao hơn để trúng thầu.

Theo các chuyên gia kinh tế trong nước, động thái can thiệp của Ngân hàng Nhà nước được kỳ vọng sẽ giúp tăng nguồn cung vàng trên thị trường và hạ nhiệt giá vàng trong nước. Tuy nhiên, sau một loạt phiên đấu thầu thất bại, giá vàng SJC đã tăng mạnh và liên tiếp thiết lập mức kỷ lục mới.

Trong bối cảnh này, nhiều nhà đầu tư và người dân đã tranh thủ bán vàng sau nhiều phiên tăng giá. Chị Thu Thủy (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ, tranh thủ khi giá vàng đang trên đỉnh cao, đã mang vàng đi bán chốt lời. "Tôi mua vàng miếng từ ngày Thần Tài năm 2024 với giá 78 triệu đồng/lượng. Chiều nay, giá vàng SJC trong nước chiều mua vào của Bảo Tín Minh Châu ở mức 85,55 triệu đồng/lượng. Tính ra, tôi đã lời hơn 7 triệu đồng/lượng" - chị Thu Thủy chia sẻ.

Trong khi đó, theo thống kê của Bảo Tín Minh Châu, ngày hôm nay tại các cơ sở kinh doanh, lượng khách có tỷ lệ 55% mua vào và 45% khách bán ra. Đây cũng là tình trạng chung được biết đến ở nhiều cửa hàng tại Hà Nội.

Chuyên gia lý giải nguyên nhân thúc đẩy giá vàng tăng cao kỷ lục
Các nhà đầu tư trong nước bị thu hút bởi diễn biến tăng vọt của giá vàng trong Quý I/2024. Ảnh: Minh Hiền

Phân tích nguyên nhân đẩy giá vàng miếng SJC trong nước tăng cao kỷ lục, nhiều chuyên gia cho rằng, ngoài việc tổ chức các phiên đấu thầu vàng miếng chưa thành công thì hiện nay, các nhà đầu tư trong nước bị thu hút bởi diễn biến tăng vọt của giá vàng trong Quý I/2024, đặc biệt khi đối mặt với tình trạng giá năng lượng tăng cao, được dự báo sẽ thúc đẩy lạm phát và đồng nội tệ mất giá so với đồng USD. Mức chênh lệch giá đối với vàng miếng đã đạt mức kỷ lục là 650 USD/ounce.

Cụ thể, trong Quý I/2024, tổng nhu cầu vàng toàn cầu (bao gồm lượng mua vào của thị trường phi tập trung OTC) tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái lên 1.238 tấn, đánh dấu quý tăng mạnh nhất kể từ năm 2016. Với thị trường Việt Nam ghi nhận nhu cầu đầu tư vàng miếng và vàng xu tăng 12%, với tổng nhu cầu tiêu dùng tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Hội đồng Vàng thế giới (WGC) , sức mua liên tục của các ngân hàng trung ương trên thế giới và sự gia tăng mua vàng từ các khách hàng châu Á đã đẩy giá vàng trung bình hàng quý lên mức cao kỷ lục là 2.070 USD/ounce, cao hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn 5% so với cùng kỳ quý trước. Giá vàng trong nước vẫn đang chịu ảnh hưởng từ giá vàng thế giới, vì vậy, đây cũng là một trong nhiều nguyên nhân đẩy giá vàng SJC trong nước tăng lên mức kỷ lục.

Chiều nay, giá vàng SJC giữ ổn định và ở mức cao kỷ lục thì giá vàng nhẫn 999.9 giảm nhẹ với các mức giá tùy từng doanh nghiệp. Cụ thể, giá vàng nhẫn (24k) 999.9, giá vàng miếng vàng rồng Thăng Long, nhẫn tròn trơn tại Công ty Bảo Tín Minh Châu giao dịch ở mức 73,87 - 75,37 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.

Trên thị trường quốc tế, hiện giá vàng niêm yết ở mức 2.318 USD/ounce trong bối cảnh dự báo lãi suất USD có thể giữ nguyên trong thời gian dài. Theo quy đổi, mỗi lượng vàng miếng SJC cao hơn thế giới 15,7 triệu đồng.

Hoàng Giang

Theo: Báo Công Thương