Cơ chế đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng, thực thi pháp luật

(Banker.vn) Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Trình Quốc hội Luật tham gia gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc Đại biểu Quốc hội kiến nghị miễn thuế thu nhập doanh nghiệp lên 5 năm Quốc hội bàn cơ chế đặc thù phát triển kinh tế tư nhân

Sáng 16/5/2025, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Phiên thảo luận thu hút nhiều ý kiến tâm huyết, tập trung vào các nội dung then chốt như thành lập và quản lý quỹ, cơ chế giám sát, kiểm soát trục lợi chính sách và đầu tư cho nhân lực làm luật.

Sáng 16/6/2025: Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Sáng 16/6/2025, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Ảnh: VPQH

Kỳ vọng lớn, nhưng cần rào chắn cho Quỹ chính sách

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Đoàn TP. Hà Nội) bày tỏ sự kỳ vọng lớn vào dự thảo nghị quyết: “Có thể nói, chưa bao giờ mà chúng tôi nhận được một dự thảo nghị quyết với một tâm thế hết sức mong chờ”.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai cho biết, trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật thời gian qua, nhiều nội dung chưa phù hợp với thực tiễn giao công tác xây dựng thể chế. Khi Nghị quyết 66 và Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị được ban hành, tâm thế chung là rất phấn khởi, nhưng tại Điều 6 về thành lập và quản lý quỹ, đại biểu nêu rõ vẫn còn băn khoăn. Bà nhấn mạnh: “Chúng ta đánh giá qua nhiều lần, nhận thấy rất nhiều luật ban hành quỹ, nhưng công tác sử dụng hiệu quả quỹ cũng cần phải đặt ra”.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai dẫn chứng từ các báo cáo giám sát của Quốc hội về hoạt động quỹ tài chính ngoài ngân sách cho thấy, nhiều quỹ chưa phát huy hiệu quả, phụ thuộc vào vốn điều lệ do ngân sách cấp, khó huy động nguồn lực xã hội. Trong bối cảnh công tác xây dựng pháp luật cần phát huy trí tuệ chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức tư vấn, bà đặt vấn đề về bộ lọc thông tin: “Bộ lọc thế nào để phân định được xây dựng thể chế để kiến tạo phát triển đúng tinh thần nghị quyết và nhận diện rõ ràng các hành vi lợi ích nhóm trong xây dựng thể chế?”.

Đại biểu nhấn mạnh đến yêu cầu phải chống lãng phí, chống lợi ích nhóm không chỉ trong xây dựng mà cả trong tổ chức thi hành pháp luật. Bà đề nghị cần có cơ chế nhận diện rõ ràng để quỹ được thực hiện đúng mục tiêu, tránh vết xe đổ của nhiều quỹ hiện hành.

Lo ngại xung đột khái niệm và rủi ro hướng lái chính sách

Đại biểu Nguyễn Minh Đức (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) đồng tình với việc thành lập quỹ nhưng chỉ rõ sự mâu thuẫn trong quy định tại Điều 6: “Tại khoản 1 quy định là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhưng khoản 3 lại quy định được Nhà nước bảo đảm vốn điều lệ từ ngân sách. Vậy quỹ này thuộc loại nào, có mâu thuẫn không?”. Đại biểu Nguyễn Minh Đức đề nghị cần làm rõ giữa khoản 1 và khoản 3 để tránh hiểu nhầm.

Về nguồn lực hình thành quỹ, đại biểu Đức nhấn mạnh cần xác định rõ yếu tố nước ngoài: “Chúng tôi cho rằng quỹ này không nên có yếu tố nước ngoài, mặc dù ở trong nước, vì nếu liên quan đến các dự án luật thì nguy cơ hướng lái chính sách rất khó kiểm soát”. Đại biểu Nguyễn Minh Đức đồng tình với đại biểu Mai rằng, nếu không kiểm soát kỹ, sẽ rất khó nhận diện sự trục lợi.

Liên quan đến chính sách nhân lực, tại Điều 8, đại biểu Đức tiếp tục nêu quan điểm: “Quy định sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và có chứng chỉ đào tạo chuyên sâu để được ưu tiên xét tuyển là chưa hợp lý. Liệu có trở thành giấy phép con không?”. Ông cho rằng cần căn cứ vào năng lực thực tế, quá trình làm việc và đào tạo bồi dưỡng sau khi tuyển dụng. Ngoài ra, đại biểu cảnh báo nếu không quy định rõ tiêu chí chuyên gia pháp luật, có thể gây lỗ hổng trong tuyển dụng và áp dụng ưu đãi.

Bộ Tư pháp tiếp thu toàn diện, cam kết giám sát chặt chẽ

Tiếp thu các ý kiến thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết đã có 89 ý kiến tại tổ và 17 ý kiến tại hội trường, hầu hết bày tỏ sự đồng thuận cao với việc ban hành nghị quyết để thể chế hóa Nghị quyết 66 của Bộ Chính trị. Bộ trưởng khẳng định: “Muốn khắc phục hạn chế trong xây dựng và thi hành pháp luật, cần có con người chất lượng cao, quy trình hiện đại và điều kiện bảo đảm tương xứng”.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh. Ảnh: VPQH

Về mức khoán chi trong Phụ lục 2, Bộ Tư pháp tiếp thu và sẽ rà soát để điều chỉnh phù hợp, tránh vượt mặt bằng chung. Về vấn đề kiểm soát quyền lực và phòng chống lợi ích nhóm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, dự thảo sẽ tiếp thu quy định 178 của Đảng, bổ sung vào các nguyên tắc của nghị quyết. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh: “Cơ chế đặc biệt phải gắn với đối tượng cụ thể, hiệu quả rõ ràng và kiểm soát chặt chẽ để tránh bị lạm dụng”.

Riêng với Quỹ hỗ trợ chính sách pháp luật, Bộ trưởng Ninh cho biết sẽ thiết kế Hội đồng quản lý quỹ có đại diện Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, như trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, để đảm bảo không có lợi ích nhóm, hướng lái chính sách. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh nói: “Quỹ nhằm nghiên cứu chính sách từ sớm, từ xa là nền tảng để hoàn thiện pháp luật, không phải chỉ đến khi xây dựng luật mới bắt đầu nghĩ đến chính sách”.

Về chế độ hỗ trợ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh làm rõ: Hỗ trợ hàng tháng và thù lao khoán chi là hai cơ chế tách biệt một hỗ trợ con người, một hỗ trợ công việc. Việc mở rộng đối tượng sẽ được rà soát chặt chẽ, không mở rộng tràn lan để tránh lạm dụng chính sách.

Sáng 16/5, tiếp tục Kỳ họp thứ 9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Các đại biểu cơ bản đồng tình với sự cần thiết ban hành Nghị quyết để thể chế hóa Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; qua đó khẳng định, các cơ chế, chính sách sẽ tạo động lực để nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật.

Hoàng Nhưỡng

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục