Đại biểu Quốc hội lắng nghe, góp ý sửa đổi Luật Việc làm Đại biểu Quốc hội đánh giá cao các quy định mới về Mặt trận Tổ quốc |
Làm rõ khái niệm biệt phái, chống lạm dụng
Chiều 7/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở Tổ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).
![]() |
Đại biểu Hà Đức Minh (Đoàn Lào Cai) |
Tại phiên thảo luận về Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), Đại biểu Hà Đức Minh (Đoàn Lào Cai) nêu rõ: Cần làm rõ khái niệm “biệt phái” để không bị hiểu sai hoặc vận dụng tuỳ tiện. Theo ông, quy định hiện hành về biệt phái cán bộ chưa đủ chặt chẽ, dễ dẫn tới việc điều động không đúng bản chất nhiệm vụ.
Đại biểu Hà Đức Minh đề xuất bổ sung cụm từ “trong khoảng thời gian nhất định” để phù hợp với thực tiễn và Luật Cán bộ, Công chức năm 2008, đồng thời xác định thời hạn biệt phái không quá 3 năm, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định. Cụ thể, Đại biểu Quốc hội Hà Đức Minh đề nghị sửa quy định thành: “Biệt phái là việc công chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị này đến làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị khác trong khoảng thời gian nhất định theo yêu cầu nhiệm vụ”.
Sự rõ ràng này, theo Đại biểu Hà Đức Minh, sẽ giúp tránh tình trạng biệt phái kéo dài, thiếu kiểm soát, dễ dẫn đến lạm dụng quyền lực hoặc né tránh luân chuyển theo quy trình bình thường.
Siết kỷ luật cán bộ bị kết án, chống bao che nội bộ
Đề cập đến việc xử lý cán bộ, công chức bị kết án, Đại biểu Hà Đức Minh thẳng thắn: “Cán bộ, công chức bị Tòa án kết án phạt tù không hưởng án treo hoặc phạm tội tham nhũng sẽ bị bãi nhiệm hoặc buộc thôi việc là đúng. Tuy nhiên, cần mở rộng áp dụng cả cho các trường hợp bị kết án phạt tù hưởng án treo”.
Đại biểu Hà Đức Minh lý giải, theo quy định của Đảng, cán bộ bị kết án dù hưởng án treo cũng thường bị khai trừ. Do đó, việc để họ tiếp tục công tác sẽ gây khó khăn trong quản lý, làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức. Quy định sửa đổi cần đảm bảo tính nghiêm minh, đồng thời gửi thông điệp rõ ràng rằng: “Không khoan nhượng với hành vi vi phạm pháp luật, dù ở mức độ nào”.
Bên cạnh đó, ông Minh cũng đề xuất hoàn thiện quy định về xếp loại đánh giá công chức. Với trường hợp công chức không hoàn thành nhiệm vụ 2 năm liên tiếp, cần xem xét bố trí lại vị trí thấp hơn hoặc cho thôi việc, đảm bảo không có “vùng an toàn” cho sự trì trệ trong hệ thống công vụ.
Cần giữ nguyên quyền chất vấn Chánh án, Viện trưởng như Hiến pháp 2013
Góp ý tại phiên thảo luận về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Đại biểu Thái Thu Xương (Đoàn Hậu Giang) tập trung vào hai vấn đề lớn. Trước hết, tại khoản 2 Điều 9 của dự thảo, bà đề nghị bổ sung đầy đủ thành phần “đoàn viên” trong nhóm các đối tượng đại diện của năm tổ chức chính trị – xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Theo bà, đây là điểm cần thiết nhằm bảo đảm tính đại diện trọn vẹn, phản ánh đúng bản chất chính trị của các tổ chức như: Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Công đoàn Việt Nam.
![]() |
Đại biểu Thái Thu Xương (Đoàn Hậu Giang) |
Đại biểu Thái Thu Xương nhấn mạnh: Những tổ chức này không chỉ là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, mà còn là lực lượng nòng cốt trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, đại diện và bảo vệ quyền lợi chính đáng của Nhân dân. Các tổ chức này còn có trách nhiệm tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, làm công tác tuyên truyền, vận động quần chúng thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Với Điều 10 của dự thảo, quy định về tổ chức Công đoàn, đại biểu đề nghị bỏ cụm từ “được thành lập trên cơ sở tự nguyện, trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” do nội dung này đã được nêu rõ ở Điều 9, tránh trùng lặp và đảm bảo tính cô đọng của văn bản pháp luật.
“Quy định đã khẳng định rõ vị trí, vai trò của năm tổ chức chính trị – xã hội trực thuộc Mặt trận. Tôi thống nhất cao với nội dung sửa đổi, để phù hợp với tinh thần Nghị quyết 60 của Trung ương”, bà nói.
Không nên cắt bỏ quyền chất vấn đối với Tòa án và Viện Kiểm sát
Vấn đề thứ hai được đại biểu Thái Thu Xương nêu ra là tại khoản 2 Điều 115 liên quan đến quyền chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Hội đồng nhân dân. Dự thảo lần này đề xuất không đưa Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) vào nhóm đối tượng bị chất vấn. Đại biểu kiên quyết đề nghị giữ nguyên quy định như trong Hiến pháp năm 2013.
Theo đại biểu, Chánh án và Viện trưởng là người đứng đầu cơ quan thực thi pháp luật, phải chịu trách nhiệm giải trình trước Nhân dân. Việc giữ nguyên quy định chất vấn là bảo đảm nguyên tắc giám sát quyền lực trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. “Đó là trọng trách chính trị cần được tiếp tục khẳng định”, bà nhấn mạnh.
Về lý do đưa ra đề xuất điều chỉnh, Tờ trình cho biết sắp tới theo chủ trương của Đảng sẽ kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện, đồng thời tổ chức TAND và VKSND khu vực thay thế. Vì không còn HĐND cấp huyện nên không có cơ quan giám sát trực tiếp. Tuy nhiên, bà Thái Thu Xương cho rằng: Dù thay đổi mô hình thì TAND và VKSND khu vực vẫn trực thuộc TAND, VKSND cấp tỉnh. Do đó, trách nhiệm giải trình và quyền giám sát cần tiếp tục được giữ tại cấp tỉnh như hiện nay.