Luật Doanh nghiệp sửa đổi: Minh bạch để Việt Nam không lọt ‘sách Đen FATF’ Sửa Luật Quy hoạch: Cấp tỉnh sẽ làm quy hoạch thế nào? Rượu, bia, thuốc lá được đề xuất tăng thuế từ năm 2027 |
Trong phiên thảo luận về chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường đang diễn ra tại nghị trường Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV sáng 9/5, Đại biểu Lê Hoàng Anh (Đoàn Gia Lai) đã có phát biểu sắc sảo, cảnh tỉnh sâu sắc về trách nhiệm trong việc hành động sớm để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và tương lai đất nước.
Nước ngọt thủ phạm ngọt ngào nhưng sát thương thầm lặng
Đại biểu khẳng định phương án áp dụng mức thuế suất 8 đến 10% từ năm 2027–2028 là quá chậm, quá thấp và chưa phù hợp với quan điểm, mục tiêu của dự thảo Luật. Việc lùi thời điểm áp dụng hay giữ mức thuế quá nhẹ không phản ánh đúng tinh thần Kết luận của Tổng Bí thư trong Thông báo số 176 của Văn phòng Trung ương Đảng, nơi nhấn mạnh: Đặt công tác chăm sóc sức khỏe lên vị trí chiến lược trong mọi chính sách phát triển.
![]() |
Đại biểu Lê Hoàng Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai. Ảnh: VPQH |
“Lập luận rằng thuế 10% sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng hay cần cân bằng giữa tăng trưởng và sức khỏe, chỉ đúng khi Việt Nam không phải đang đối mặt với một đại dịch thầm lặng mang tên bệnh không lây nhiễm, thứ đang tàn phá từng gia đình”, đại biểu nhấn mạnh.
Thống kê cho thấy hiện có hơn 21 triệu người trưởng thành ở Việt Nam mắc bệnh tim mạch, gần 1/4 dân số. Mỗi năm có tới 200 nghìn người tử vong vì các bệnh không lây nhiễm, tương đương toàn bộ dân số quận Ba Đình, Hà Nội. Trong khi đó, hơn 5 triệu người đang sống chung với tiểu đường, 40% trẻ em ở thành thị thừa cân hoặc béo phì. Đáng báo động, nước giải khát có đường vốn không có giá trị dinh dưỡng là một trong những thủ phạm chính nhưng chưa được kiểm soát.
Đại biểu cũng dẫn chứng việc tiêu thụ đồ uống có đường gia tăng đang kéo theo nguy cơ ung thư. Năm 2024, cả nước có trên 360 nghìn người mắc ung thư, với 180 nghìn ca mới và hơn 120 nghìn ca tử vong. Tỷ lệ tử vong do ung thư tại Việt Nam đạt 73,5%, vượt xa mức trung bình toàn cầu. Song song, lượng tiêu thụ nước ngọt có đường tăng phi mã từ 1,59 tỷ lít (2009) lên 6,67 tỷ lít (2023), tăng gần 420%. Bình quân mỗi người Việt đang tiêu thụ hơn 70 lít mỗi năm, gấp đôi khuyến nghị an toàn của Tổ chức Y tế Thế giới.
Không chỉ sản xuất nội địa, giá trị nhập khẩu loại đồ uống này cũng liên tục tăng, đặt ra mối lo cả về sức khỏe lẫn cân đối thương mại.
“Đây không chỉ là chính sách thuế, mà là một lựa chọn chiến lược của một quốc gia có trách nhiệm”, đại biểu nói và viện dẫn nhiều quốc gia như Thái Lan đã áp thuế từ 2017, Philippines, Malaysia thu hàng tỷ đô la mỗi năm, quan trọng hơn là giúp giảm tỷ lệ bệnh tật. Brunei, Timor Leste những quốc gia nhỏ vẫn hành động quyết liệt, trong khi Việt Nam lại đang tìm cách để trở thành quốc gia có mức thuế thấp nhất, ảnh hưởng ít nhất đến giá bán, và giảm ít nhất số người sử dụng. “Nếu hôm nay chúng ta không hành động, ngày mai chúng ta sẽ phải trả giá bằng sinh mệnh, chi phí y tế và năng suất lao động”, ông nhấn mạnh.
Việc áp thuế đủ mạnh còn là sự thực thi cam kết phát triển bền vững mà Việt Nam đã tuyên bố với cộng đồng quốc tế. “Doanh nghiệp có quyền bảo vệ lợi ích, nhưng Quốc hội đại diện cho nhân dân có trách nhiệm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và định hướng sản xuất có trách nhiệm”, đại biểu nói. Ông kiến nghị giữ nguyên phương án áp thuế 10% từ năm 2026, tiến tới 20% từ năm 2030. Đồng thời bổ sung thêm thuế tuyệt đối tính theo hàm lượng đường như Thái Lan đã triển khai.
Không chỉ là câu chuyện về đường
Đại biểu Lê Hoàng Anh cũng cảnh báo: “Đây không chỉ là câu chuyện về đường, mà còn là câu chuyện về đạo đức”. Đằng sau mỗi sản phẩm hấp dẫn vị giác là hệ lụy về sức khỏe, môi trường, động vật và con người. Một xã hội văn minh là xã hội biết chọn điều đúng dù điều đó không dễ dàng. Đây không còn là việc của riêng ngành y tế hay tài chính, mà là bài kiểm tra về đạo đức chính sách của toàn hệ thống.
Chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt, theo đại biểu, không phải để cấm đoán mà nhằm tạo động lực để thay đổi hành vi tiêu dùng, phân bổ lại trách nhiệm tài chính, tiến tới mục tiêu sức khỏe toàn dân đến năm 2030–2035 như chỉ đạo của Tổng Bí thư trong Thông báo số 176. “Chúng ta không để trẻ em trở thành bệnh nhân trước khi kịp trưởng thành”, ông nói.
Không dừng lại ở nước ngọt, đại biểu cho rằng cần mở rộng cách tiếp cận đối với tất cả sản phẩm có hại cho sức khỏe được quy định tại dự luật, đặc biệt là rượu bia. Ông đề xuất giữ nguyên phương án 2 như Chính phủ đã trình. “Những sản phẩm gây hại không thể nhận được chính sách thuế mang tính động viên, chia sẻ, đồng hành trong khi hậu quả là người dân phải gánh chịu”, ông cảnh báo.
“Khi Quốc hội hành động, đó không chỉ là con số trong một biểu thuế, mà là lời tuyên bố mạnh mẽ: Việt Nam không đánh đổi sức khỏe nhân dân để đổi lấy tăng trưởng tạm thời. Đã đến lúc chúng ta không thể tiếp tục chờ đợi”, đại biểu Lê Hoàng Anh kết luận.