Đề xuất bổ sung AI, xe điện vào kiểm soát tiêu thụ năng lượng

(Banker.vn) Đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung nhóm AI, xe điện, trung tâm dữ liệu vào luật để kiểm soát tiêu thụ năng lượng, tránh lãng phí trong thời đại công nghệ cao.
Sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Đại biểu Quốc hội đề xuất gì? Ngày 28/5, Quốc hội thảo luận về Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Ngày 28/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Mở rộng phạm vi, kiểm soát từ đầu vào năng lượng

Đại biểu Lê Minh Nam (Đoàn Hậu Giang) đánh giá cao nỗ lực của cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra do đây là luật rất khó, bởi phạm trù về tiết kiệm, hiệu quả thì có tính linh hoạt và phải xem xét rất đa chiều. Ông cho rằng trong bối cảnh khoa học, công nghệ, trí tuệ nhân tạo đang phát triển rất nhanh, thay đổi hàng ngày, hàng giờ, đối tượng tham gia vào quá trình khai thác, sản xuất, cung ứng, sử dụng năng lượng ngày một đa dạng để thích ứng với yêu cầu điều kiện, hoàn cảnh mới.

Do đó, ông đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc, rà soát để mở rộng phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng để từ đó có những giải pháp thực hành tiết kiệm, nâng cao hiệu quả, sử dụng năng lượng một cách đồng bộ, toàn diện, tổng thể và đạt được kết quả tích cực, bền vững hơn.

Đại biểu Lê Minh Nam - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang
Đại biểu Lê Minh Nam - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang. Ảnh: VPQH

Ông nêu rõ, phạm vi đối tượng tại Điều 1, Điều 2 chỉ quy định về sử dụng năng lượng và tập trung vào việc sử dụng năng lượng trong khi cần thiết phải quy định và kiểm soát sâu thêm từ khâu cung ứng năng lượng, từ đầu vào, đồng thời cũng cần phải quản lý tiết kiệm, hiệu quả gắn với kết quả đầu ra. Theo đó, ở đầu vào cần phải quan tâm kiểm soát việc khai thác sản xuất, đầu tư xây dựng nguồn cung cấp năng lượng sao cho đạt được hiệu quả tối ưu và dài hạn. Ý kiến nội dung về đầu tư nguồn cung năng lượng hiệu quả, ông cũng đã có tham gia ý kiến đối với Luật Điện lực tại Kỳ họp thứ 8.

Ông cho rằng cũng cần có giải pháp điều tiết sản lượng, giá cả đối với một số nguồn năng lượng ngay từ khâu cung ứng hoặc đặt ra các điều kiện cung ứng để từ đó kiểm soát, dẫn dắt việc sử dụng năng lượng hướng đến mục tiêu tiết kiệm và hiệu quả và cũng cần tăng cường quản trị đầu ra theo hướng tận dụng thu hồi theo quy trình tuần hoàn tái tạo để đạt được hiệu quả, hiệu suất tối ưu.

Đại biểu Nam nhận xét rằng luật cũng đã có quy định nhưng cần phải rà soát bổ sung vì có một số nhóm, lĩnh vực cũng chưa được quy định một cách đầy đủ, toàn diện. Hơn nữa, hiện nội dung giải thích từ ngữ tại khoản 5 Điều 3 mới tập trung vào tiết kiệm mà chưa mở rộng khái niệm về hiệu quả, quy định nguyên tắc tại khoản 2 Điều 4 và quy định kiểm soát yếu tố đầu vào, đầu ra đã có nêu ở điểm g khoản 6 Điều 1 của dự thảo nhưng qua rà soát các điều khoản cụ thể cho thấy cũng cần phải rà soát, bổ sung cho đầy đủ, có tính liên kết và bao trùm.

Bên cạnh đó, quy định về chiến lược phát triển năng lượng quốc gia tại khoản 1 Điều 6 luật hiện hành cũng chỉ đặt ra yêu cầu cung cấp năng lượng là ổn định và an toàn. Theo ông, cũng chưa đủ mà cần phải bổ sung thêm yêu cầu hiệu quả tối ưu và dài hạn để qua đó xây dựng chiến lược, kế hoạch thực hiện nhằm đảm bảo mục tiêu ban hành luật.

Đại biểu Nam nhận xét rằng, quy định sử dụng năng lượng từ Chương II đến Chương VII và Chương IX khá toàn diện theo lĩnh vực nhưng cần rà soát, bổ sung nhóm đối tượng hoặc vấn đề mới. Thực tế hiện nay, một số lĩnh vực cho dù là ứng dụng khoa học, công nghệ rất hiện đại nhưng cũng vẫn rất cần các giải pháp để quản lý, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Dẫn chứng, ông Nam cho biết như mức độ tiêu tốn năng lượng của các trung tâm dữ liệu, phục vụ cung cấp dịch vụ công, dịch vụ điện tử, công nghệ số, phục vụ cho trí tuệ AI là rất lớn. Cần phải kiểm soát vấn đề nguồn cung năng lượng ổn định cho hệ thống này và đồng thời cần có những giải pháp rà soát, đánh giá nhu cầu khai thác, sử dụng sao cho hợp lý, cân đối với mức độ tiêu hao năng lượng. Ngoài ra, theo ông, không nên yêu cầu hệ thống cung cấp cả những thông tin không cần thiết hoặc nếu yêu cầu AI trả lời những công việc không thiết thực thì cũng tạo nên tác động lãng phí về năng lượng.

Ông cũng cho rằng hiện nay, xu thế sử dụng ô tô, xe máy điện nhằm bảo vệ môi trường đang ngày càng phổ biến nhưng lại là đối tượng có nhu cầu sạc pin với nguồn năng lượng rất lớn nên cần quan tâm, lựa chọn phương thức sạc nhanh, sạc chậm thích hợp giúp tiêu tốn ít năng lượng. Vì vậy, cần rà soát, bổ sung đối tượng sử dụng năng lượng phù hợp với tình hình mới và quy định giải pháp để thực hành tiết kiệm, hiệu quả đối với nhóm đối tượng mới này.

Quy định rõ hơn về mô hình kinh doanh của công ty dịch vụ năng lượng

Góp ý về Công ty Dịch vụ năng lượng và hợp đồng hiệu quả năng lượng được bổ sung tại khoản 1 Điều 1, đại biểu Trần Văn Tuấn (Đoàn Bắc Giang) nhất trí cần thiết bổ sung quy định, đây là mô hình kinh doanh mới, hiệu quả tại nhiều nước phát triển. Song ở Việt Nam, mô hình công ty này chưa phổ biến, hoạt động mang tính tự phát đang gặp nhiều khó khăn, ông cho rằng, dự thảo luật quy định về mô hình kinh doanh của Công ty dịch vụ năng lượng và hợp đồng hiệu quả, năng lượng như dự thảo luật còn chưa rõ, chưa phù hợp.

Đại biểu Trần Văn Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang
Đại biểu Trần Văn Tuấn - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang. Ảnh: VPQH

Dẫn chứng cụ thể, ông Tuấn cho biết, khi nói đến mô hình hoạt động của một công ty nào đó là nói đến cách thức tổ chức vận hành và quản lý các nguồn lực của công ty như nhân lực, tài chính, vật chất để tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ nhằm đạt được mục tiêu kinh doanh. Mỗi công ty có thể lựa chọn mô hình hoạt động khác nhau tùy theo lĩnh vực kinh doanh, quy mô và chiến lược phát triển như mô hình công ty mẹ, công ty con, mô hình bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng, mô hình cung cấp sản phẩm dịch vụ cho doanh nghiệp khác, mô hình nghiên cứu phát triển sản xuất - marketing, phân phối,... hợp đồng hiệu quả, năng lượng chỉ là công cụ pháp lý trong hoạt động kinh doanh, không nên coi đó là mô hình kinh doanh của công ty.

Vì vậy, ông đề nghị cần nghiên cứu quy định rõ hơn trong dự thảo luật về mô hình kinh doanh của công ty dịch vụ năng lượng hoặc giao cho Chính phủ quy định cụ thể.

Đại biểu Nam cho biết như mức độ tiêu tốn năng lượng của các trung tâm dữ liệu, phục vụ cung cấp dịch vụ công, dịch vụ điện tử, công nghệ số, phục vụ cho trí tuệ AI là rất lớn. Cần phải kiểm soát vấn đề nguồn cung năng lượng ổn định cho hệ thống này.

Hoàng Nhưỡng

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục