Xuất khẩu rau quả giảm tốc trong tháng đầu năm 2025 Định vị lại ngành hàng rau quả xuất khẩu Sầu riêng Việt thêm đối thủ cạnh tranh tại thị trường tỷ dân |
Ông Huỳnh Tấn Đạt - Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.
Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực vẫn đang cho thấy tín hiệu khả quan
- Ông có thể chia sẻ về tình hình xuất khẩu rau quả từ đầu năm đến nay cũng như dự báo trong thời gian tới ra sao?
Ông Huỳnh Tấn Đạt: Từ đầu năm đến nay ghi nhận một số điều chỉnh trong xuất khẩu rau quả chủ yếu do biến động tạm thời ở một vài mặt hàng chủ lực nhưng xu hướng chung của ngành vẫn đang phát triển tích cực và theo hướng bền vững hơn.
![]() |
Thanh long là một trong những mặt hàng xuất khẩu có tín hiệu khả quan. Ảnh: Minh họa |
Nhiều loại trái cây khác đã có sự phục hồi mạnh mẽ, góp phần bù đắp đáng kể cho phần sụt giảm, qua đó thể hiện rõ nội lực và khả năng thích ứng cao của ngành nông sản Việt Nam.
Hiện nay, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực vẫn đang cho thấy tín hiệu khả quan như thanh long, mít, xoài. Bên cạnh đó, nhóm sản phẩm mới mở cửa chính ngạch sang Trung Quốc như dừa tươi và chanh leo cũng đang phát huy hiệu quả tích cực khi giá thu mua trong nước ở mức ổn định, tạo động lực cho người dân và doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất.
Đặc biệt, nhãn và vải đang vào vụ thu hoạch tại các tỉnh phía Bắc, dự kiến sản lượng tăng sẽ góp phần nâng giá trị xuất khẩu trong quý II và quý III năm nay. Chuối cũng là mặt hàng rất tiềm năng với sản lượng khoảng 2,7 triệu tấn, trong bối cảnh nhiều quốc gia trong khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Panama, dẫn đến nguồn cung giảm.
Trong các tháng tới, chúng tôi đánh giá triển vọng xuất khẩu rau quả sẽ tiếp tục khởi sắc nhờ nhiều yếu tố thuận lợi như sản lượng dồi dào, mùa vụ ổn định, chất lượng sản phẩm được nâng cao, cùng với việc mở rộng thị trường và cải thiện năng lực đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật từ đối tác nhập khẩu - đặc biệt là về kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm.
Đáng chú ý là sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan quản lý, từ hướng dẫn kỹ thuật sản xuất tại vùng trồng đến hỗ trợ thông quan tại cửa khẩu, đang tiếp thêm sự tự tin cho doanh nghiệp và nông dân trong hoạt động xuất khẩu. Bên cạnh các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ, các thị trường tiềm năng ở Trung Đông, châu Âu và Nam Á cũng đang mở ra nhiều cơ hội mới cho trái cây Việt Nam.
- Xu hướng các thị trường hiện nay đang đặt ra những yêu cầu nào về rào cản kỹ thuật và các doanh nghiệp, người sản xuất cần lưu ý gì, thưa ông?
Ông Huỳnh Tấn Đạt: Hiện nay, không chỉ thị trường Trung Quốc mà hầu hết các thị trường nhập khẩu nông sản trên thế giới, từ truyền thống đến cao cấp, đều đang siết chặt hơn các yêu cầu kỹ thuật nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
![]() |
Ông Huỳnh Tấn Đạt - Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường). Ảnh: Phan Hậu |
Đặc biệt đối với mặt hàng trái cây tươi - vốn là sản phẩm dể hư hỏng, khó bảo quản - các nước nhập khẩu thường đặt ra những tiêu chuẩn rất cao, cả về chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất, kiểm dịch thực vật và tính minh bạch về nguồn gốc.
Cụ thể, về an toàn thực phẩm, yêu cầu kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng và các chất cấm nghiêm ngặt, theo tiêu chuẩn riêng của từng nước. Về kiểm dịch thực vật, đặc biệt chú trọng đến việc xử lý các sinh vật gây hại nằm trong danh mục cấm. Nhiều thị trường yêu cầu trái cây tươi phải được xử lý sinh vật gây hại (như hơi nước nóng, chiếu xạ, xử lý lạnh...) trước khi xuất khẩu.
Về truy xuất nguồn gốc, các sản phẩm phải đi kèm mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói đã được cấp và duy trì đúng quy định. Thị trường có khả năng yêu cầu truy xuất đến từng lô hàng, từng địa điểm sản xuất cụ thể.
Về yêu cầu phát triển bền vững, các thị trường cao cấp như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... đang gia tăng yêu cầu về quy trình sản xuất thân thiện với môi trường, tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ đa dạng sinh học và tiêu chuẩn xã hội trong lao động.
Trước xu thế này, các doanh nghiệp và người sản xuất cần chủ động điều chỉnh và nâng cao năng lực đáp ứng. Việc tuân thủ nghiêm túc và chủ động thích ứng với các tiêu chuẩn kỹ thuật không chỉ giúp duy trì thị trường xuất khẩu bền vững mà còn góp phần nâng cao hình ảnh và thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Chuẩn hóa quy trình sản xuất sầu riêng an toàn
- Trung Quốc là thị trường trọng điểm xuất khẩu trái cây của Việt Nam, nhưng xuất khẩu sầu riêng vào thị trường này lại giảm trong đầu năm nay. Ông có nhận định như thế nào và có khuyến cáo gì cho các địa phương và vùng trồng?
Ông Huỳnh Tấn Đạt: Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu sầu riêng lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới khoảng 91% trong tổng kim ngạch sầu riêng xuất khẩu năm 2024, tương đương gần 3 tỷ USD. Đây tiếp tục là thị trường chiến lược, đóng vai trò quyết định đến đà tăng trưởng của ngành sầu riêng Việt Nam trong trung và dài hạn.
Trong những tháng đầu năm 2025, hoạt động xuất khẩu sầu riêng có phần chững lại, chủ yếu do phía Trung Quốc tăng cường các biện pháp kiểm soát chất lượng, đặc biệt là các chỉ tiêu về dư lượng kim loại nặng như cadimi và việc phát hiện tồn dư chất vàng O, đây là một chất bị cấm tuyệt đối trong nông nghiệp. Tín hiệu cho thấy yêu cầu của thị trường ngày càng cao, ngành sầu riêng Việt Nam cần phải nhanh chóng điều chỉnh để thích ứng.
Để giải quyết căn cơ những vướng mắc này, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, phối hợp với cơ quan công an để xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, buôn bán và sử dụng chất vàng O nhằm bảo vệ uy tín chung của ngành. Chuẩn hóa quy trình sản xuất sầu riêng an toàn, chú trọng đến yếu tố đất, nước, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, từ đó giảm nguy cơ tồn dư cadimi trong sản phẩm. Quy trình này đang được hoàn thiện và sẽ chuyển giao cho các địa phương ngay trong tháng 5 này.
Bên cạnh đó, sẽ siết chặt việc cấp và giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói; tổ chức nhiều đoàn kiểm tra liên ngành nhằm rà soát, chấn chỉnh việc tuân thủ quy định trong toàn chuỗi. Đồng thời, phối hợp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc đề xử lý các lô hàng không đạt, truy xuất nguồn gốc rõ ràng và đề xuất tạm ngưng hoặc rút mã số đối với các đơn vị vi phạm nhiều lần.
Đối với các địa phương sản xuất sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, chúng tôi đưa ra một số khuyến cáo quan trọng. Theo đó, phải đảm bảo tất cả các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói được cấp đều hoạt động đúng quy định, có hồ sơ kỹ thuật đầy đủ và thường xuyên được kiểm tra, giám sát.
Tuyệt đối không sử dụng các chất cấm, bởi việc này sẽ gây hậu quả nghiêm trọng, nếu sử dụng chất cấm thì không chỉ mất thị trường mà còn ảnh hưởng đến cả ngành. Tuân thủ các hướng dẫn kỹ thuật của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, kiểm soát đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nguồn nước đồng thời ghi chép, lưu trữ nhật ký sản xuất đầy đủ để phục vụ truy xuất nguồn gốc.
Tăng cường liên kết sản xuất tiêu thụ, hình thành vùng nguyên liệu ổn định và có cơ chế phối hợp ba bên để kịp thời xử lý các cảnh báo từ phía thị trường nhập khẩu. Chủ động phối hợp với các đơn vị chuyên môn của Bộ để cập nhật quy định mới, hướng dẫn thực hành nông nghiệp tốt và kiểm soát an toàn thực phẩm ngay từ đầu vụ.
Với sự điều chỉnh kịp thời và sự vào cuộc đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là việc nâng cao chất lượng vùng trồng, kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất và siết chặt truy xuất nguồn gốc, ngành sầu riêng Việt Nam sẽ sớm khôi phục đà tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm 2025, tận dụng tốt cơ hội khi vụ chính bắt đầu từ tháng 7 tới đây.
Xin cảm ơn ông!
Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, tháng 5, xuất khẩu rau quả ước đạt 496 triệu USD, giảm 35,5% so với cùng kỳ năm 2024. Đây cũng là tháng thứ 5 liên tiếp ngành hàng rau quả xuất khẩu sụt giảm. Lũy kế 5 tháng ước đạt 2,1 tỷ USD, giảm 17,8% so với cùng kỳ năm 2024. |