FTA Index: Tháo điểm nghẽn hỗ trợ hội nhập cho doanh nghiệp

(Banker.vn) Theo các chuyên gia, Bộ chỉ số FTA Index sẽ là công cụ đốc thúc cải thiện hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Nâng cao năng lực thực thi FTA, để ‘nâng hạng’ FTA Index FTA Index: 'Thước đo' mới trong quyết định đầu tư FTA Index vừa là 'gương soi' vừa là 'roi thúc' để địa phương chuyển mình

Doanh nghiệp cần trợ lực

Trong tiến trình hội nhập ngày càng sâu rộng với kinh tế toàn cầu, Việt Nam đã thể hiện vai trò tích cực, chủ động thông qua việc tham gia ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA).

Tính đến nay, Việt Nam đã ký kết 17 FTA với nhiều đối tác kinh tế hàng đầu thế giới, bao gồm các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP và UKVFTA. Đây không chỉ là cơ hội thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng thị trường mà còn là động lực cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư nước ngoài.

Triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA hết sức quan trọng. Ảnh: TTXVN
Triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA hết sức quan trọng. Ảnh: TTXVN

Theo các chuyên gia, để tận dụng các cơ hội từ FTA, việc xây dựng, triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA là rất cần thiết và cần được đẩy mạnh.

Khảo sát của Bộ Công Thương cũng cho thấy, có đến gần 80% doanh nghiệp được hỏi cho rằng việc xây dựng các chương trình hỗ trợ tận dụng FTA là “rất cần thiết” hoặc “cần thiết”. Nhu cầu này trải đều ở các loại hình doanh nghiệp, gồm doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Tuy nhiên, mức độ tận dụng FTA hiện nay vẫn còn thấp, phân tán và thiếu đồng đều giữa các vùng, ngành và quy mô doanh nghiệp. Trong đó, hiệu quả tận dụng FTA chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, đặc biệt trong khối doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn chiếm tới hơn 97% tổng số doanh nghiệp cả nước.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin cập nhật về các cam kết FTA, chưa đủ nguồn lực và kỹ năng để đáp ứng các tiêu chuẩn về quy tắc xuất xứ, kỹ thuật, môi trường hay lao động. Đồng thời, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương với doanh nghiệp trong việc triển khai FTA chưa đồng bộ, dẫn đến hiệu quả lan tỏa còn hạn chế.

Chia sẻ vấn đề này với Báo Công Thương, ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhấn mạnh, doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn có nguồn lực hạn chế. Hiện, phần lớn doanh nghiệp còn loay hoay ngay cả với khâu xác định sản phẩm mình có được hưởng ưu đãi hay không. "Nếu không có cơ chế hỗ trợ cụ thể, họ sẽ mãi đứng ngoài các cam kết có giá trị rất lớn này"- ông Nam nói.

Chung nhận định, chuyên gia Hoàng Trọng Thuỷ cũng cho rằng, thời gian qua có nhiều doanh nghiệp sớm bắt nhịp với thị trường quốc tế, tăng cường đầu tư sản xuất để đảm bảo hàng hoá đạt giá trị cao hơn; nhưng cũng có những đơn vị còn chần chừ, do dự vì lo sợ chi phí không đảm bảo.

Ngoài ra, sự hỗ trợ, đồng hành từ cơ quan quản lý còn mỏng so với nhu cầu của doanh nghiệp. Điều này xuất phát từ bộ máy hành chính địa phương, năng lực của đội ngũ thực hiện công tác hội nhập, thực thi FTA còn hạn chế cũng như thiếu các chuyên gia hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp trong công tác hội nhập.

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA, theo ông Tô Hoài Nam là cần chuyển hướng từ hỗ trợ chung sang hỗ trợ có chiều sâu, linh hoạt, sát thực tiễn. Đặc biệt tập trung vào việc nâng cao năng lực thích ứng và số hóa trong sản xuất, thương mại quốc tế. "Đây là yếu tố quyết định để doanh nghiệp Việt có thể bước vào “sân chơi lớn” và cạnh tranh trên thị trường toàn cầu"- ông Nam cho hay.

FTA Index đo lường hội nhập

Với mục tiêu nâng cao chất lượng thực thi FTA, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương xây dựng và vận hành Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực thi các Hiệp định Thương mại tự do (FTA Index). Đây là bước đi mang tính đột phá nhằm đo lường hiệu quả triển khai FTA theo cách tiếp cận khoa học, khách quan và thực tiễn hơn.

Ý kiến đánh giá từ các chuyên gia cho rằng, việc tăng cường các chương trình hỗ trợ và ứng dụng công cụ như Bộ chỉ số FTA Index đang là hướng đi có ý nghĩa chiến lược trong nâng cao chất lượng hội nhập và phát triển bền vững. Trong đó, việc công khai, minh bạch kết quả đánh giá từ FTA Index sẽ tạo áp lực tích cực để chính quyền các cấp nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp, xây dựng chiến lược phù hợp với thế mạnh và điều kiện từng địa phương.

Bày tỏ ý kiến với Báo Công Thương, theo ông Nguyễn Cảnh Cường - Cố vấn Công ty KTPC, nguyên Tham tán Thương mại Việt Nam tại Anh, FTA Index không chỉ là công cụ hỗ trợ hoạch định chính sách, mà còn giúp nhận diện rõ những “điểm nghẽn” trong thực thi cam kết FTA. “Bộ chỉ số FTA Index sẽ tạo động lực thúc đẩy các địa phương cải thiện chất lượng điều hành, minh bạch hóa quy trình và nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp trong tận dụng FTA” - ông Cường khẳng định.

Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SB Law nhìn nhận, FTA Index sẽ là công cụ thực tiễn có giá trị cao, giúp doanh nghiệp có thêm căn cứ để đưa ra quyết định đầu tư, lựa chọn thị trường, tối ưu hóa chiến lược xuất khẩu trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt.

Mặt khác, thông qua FTA Index, hệ thống pháp luật, văn bản, chỉ thị, quy định của Chính phủ, địa phương trong vấn đề thực thi FTA sẽ có một thông suốt; hỗ trợ tối đa từ khâu sản xuất đến khi bán hàng, xuất khẩu, tức là duy trì được chuỗi giá trị đối với hoạt động của doanh nghiệp. Đây chính là lợi ích, tác động mà cộng đồng doanh nghiệp mong đợi.

Tuy nhiên, để FTA Index thực sự phát huy hiệu quả, không chỉ phụ thuộc vào năng lực thiết kế của cơ quan nhà nước, mà còn cần sự đồng hành, hợp tác chủ động từ cộng đồng doanh nghiệp. Bởi theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, doanh nghiệp không chỉ là người hưởng lợi, mà còn là mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái thực thi FTA. "Tinh thần trách nhiệm, ý thức học hỏi và sự chủ động chia sẻ thông của họ sẽ quyết định thành công của công cụ này" - ông Hà nhấn mạnh.

Đặc biệt, các chuyên gia cho rằng, các chỉ số đo lường của FTA Index là tự kiểm tra, tự đánh giá, lấy ý kiến để giải quyết các vướng mắc. Do thực hiện đánh giá hàng năm, nên doanh nghiệp, địa phương cần thường xuyên có sự kiểm tra, rà soát các nhiệm vụ; tự “soi mình” về thực hiện, tận dụng FTA từ đó có giải pháp cải thiện đảm bảo thực hiện nhiệm vụ hiệu quả.

Hội nhập ngày càng sâu rộng, nhưng các yếu tố kỹ thuật, môi trường, tiêu chuẩn chất lượng… sẽ đặt ra không ít thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam. Theo đó, việc chủ động nâng cao năng lực nội tại, tăng cường hỗ trợ tận dụng FTA có trọng tâm và ứng dụng các công cụ như FTA Index sẽ là "chìa khóa" giúp doanh nghiệp Việt chuyển từ “tham gia” sang “chủ động dẫn dắt” trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Bộ chỉ số FTA Index được xây dựng dựa trên 4 trụ cột chính: Công tác tuyên truyền, phổ biến FTA; Thực hiện quy định pháp luật về FTA; Chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh; Triển khai các cam kết về phát triển bền vững.

Theo các chuyên gia, việc tổ chức các buổi đối thoại, hội thảo chuyên sâu; chia sẻ thông tin rộng rãi sẽ giúp FTA Index trở nên hữu ích, dễ dàng tiếp cận hơn cho cộng đồng doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách.

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục