Sửa Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa: Tăng hiệu lực, thống nhất trong quản lý Giao thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo cho ngành Giáo dục, vì sao? |
Không để giáo viên vùng khó bị thiệt thòi
Tại phiên thảo luận về Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã trực tiếp tiếp thu và phản hồi 26 ý kiến góp ý từ các đại biểu Quốc hội. Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, không thể để giáo viên vùng khó thiệt thòi, luật phải sửa từ thực tiễn.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: VPQH |
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, các ý kiến đều có tính chất xây dựng, thể hiện sự chia sẻ, đồng hành và mong muốn hoàn thiện dự thảo Luật theo hướng cụ thể hơn, chi tiết hơn, khả thi hơn và công bằng hơn. Đây là sự đồng thuận cao, nhưng đồng thời cũng là áp lực lớn đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc đảm bảo tính đầy đủ, hợp lý, thực tiễn trong các quy định pháp lý về giáo dục.
Ông nhấn mạnh tinh thần cầu thị, quyết tâm sửa luật bám sát thực tế, trong đó đặc biệt lưu tâm đến chính sách cho giáo viên vùng sâu, vùng xa, những người không thể tiếp tục bị “cào bằng” trong bất cập chế độ.
Theo Bộ trưởng, những góp ý từ Quốc hội đều thể hiện sự quan tâm, chia sẻ và mong muốn hoàn thiện chính sách giáo dục theo hướng cụ thể, khả thi và công bằng hơn. Đó là sự đồng thuận quý báu nhưng cũng là thách thức lớn đặt ra cho bộ trong việc hoàn thiện các điều khoản luật, vừa phù hợp thực tiễn, vừa bảo đảm quyền lợi hợp lý cho giáo viên và người học.
Tạo công bằng, cùng nhau phát triển
Một trong những vấn đề nổi bật được các đại biểu nêu là chính sách thu hút, giữ chân giáo viên ở các địa phương khó khăn. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đồng tình với quan điểm: “Công bằng không có nghĩa là ai cũng khổ như nhau, mà là cùng nhau phát triển”.
Ông dẫn chứng từ Thành phố Hồ Chí Minh, địa phương chủ động dành ngân sách để hỗ trợ thêm đời sống giáo viên và khẳng định những nơi có điều kiện nên được khuyến khích bổ sung chính sách tốt hơn cho nhà giáo. Ngược lại, những vùng khó khăn cần được Nhà nước ưu tiên, hỗ trợ để thu hút giáo viên. Không thể “cào bằng” thiệt thòi cho tất cả.
Đây là sự thay đổi quan điểm đáng chú ý trong quản lý giáo dục, nhấn mạnh tinh thần linh hoạt, theo sát thực tế từng vùng. Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đây không chỉ là công bằng mà còn là động lực để giáo viên yên tâm công tác lâu dài, tạo ra sự ổn định và phát triển chất lượng nguồn nhân lực tại địa phương.
Hướng tới sửa luật đồng bộ và thực chất
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, dự thảo luật ban đầu có 96 điểm, sau nhiều vòng góp ý và chỉnh sửa, đã rút xuống còn 46 điểm. Tuy nhiên, trước Quốc hội, ông cam kết tiếp tục rà soát kỹ từng nhóm ý kiến.
Riêng với vấn đề tuyển dụng giáo viên, một nội dung được góp ý nhiều dự thảo hiện giao thẩm quyền cho cơ quan giáo dục cấp tỉnh thay vì từng trường. Việc này nhằm bảo đảm chất lượng, tính khách quan và sử dụng hiệu quả biên chế. Tuy nhiên, Bộ cũng mở hướng phân cấp cho các trường phổ thông đủ điều kiện được tự tổ chức tuyển dụng, thể hiện tinh thần phân quyền linh hoạt, sát thực tế.
![]() |
Sáng 6/5, Quốc hội thảo luận về Luật Nhà giáo. Ảnh: VPQH |
Một điểm nóng khác là định danh nhà giáo có ý kiến đề nghị mở rộng thêm đối tượng như nhân viên trường học, người hướng dẫn thực hành trong doanh nghiệp, xưởng nghề… Tuy vậy, ông Nguyễn Kim Sơn khẳng định định danh trong luật vẫn giữ nguyên tính chất chuyên nghiệp, bảo đảm chất lượng. Các nhóm đối tượng khác sẽ được khuyến khích tham gia hoạt động giáo dục nhưng không thuộc phạm vi định danh nhà giáo trong luật.
Ngoài ra, các góp ý kỹ thuật, chi tiết về ngôn từ, cấu trúc điều khoản… cũng được Bộ trưởng cam kết tiếp thu, điều chỉnh cùng Ủy ban Văn hóa - Xã hội Quốc hội trước khi trình thông qua chính thức.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng thông báo, hiện Bộ đang đồng thời chủ trì sửa đổi 3 luật quan trọng: Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học và Luật Giáo dục Nghề nghiệp. Cả ba đều đã được đưa vào chương trình xây dựng luật cho kỳ họp tới. Việc sửa đổi đồng bộ nhằm tạo hệ thống pháp lý chặt chẽ, thống nhất và đồng thời thúc đẩy đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam.
Thay mặt ngành giáo dục, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các đại biểu và cử tri cả nước. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tiết lộ, riêng tại một tỉnh, bộ đã nhận được hàng nghìn ý kiến góp ý. Đó là dấu hiệu đáng mừng, thể hiện xã hội đang quan tâm sâu sắc và muốn cùng nhau xây dựng nền giáo dục tiến bộ, nhân văn và phù hợp thực tiễn.
Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao tinh thần góp ý đầy trách nhiệm và chia sẻ sâu sắc của các đại biểu. Hầu hết các ý kiến đều thể hiện mong muốn điều chỉnh các nội dung theo hướng cụ thể hơn, chi tiết hơn, thực tế hơn và đặc biệt là công bằng hơn. |