Siết chặt giám sát chất lượng trái cây gắn tem nhập khẩu
Thời gian gần đây, tình trạng buôn bán hàng hóa kém chất lượng đang diễn biến phức tạp, tại TP. Hải Phòng nhiều người dân cũng bày tỏ sự lo lắng về chất lượng và nguồn gốc của các loại trái cây gắn tem nhập khẩu được bày bán tại các chợ dân sinh và trên mạng xã hội.
![]() |
Trái cây gắn tem nhập khẩu được bày bán tràn lan tại các chợ dân sinh, cửa hàng, vỉa hè khiến không ít người dân băn khoăn về chất lượng và nguồn gốc, xuất xứ |
Điều không ít người dân băn khoăn về sự chênh lệch giá cả giữa trái cây ngoài chợ và tại siêu thị, cửa hàng, cũng như sự mập mờ về tem nhãn của mặt hàng này. Vài năm trước đây, trái cây nhập khẩu chủ yếu được bày bán tại các siêu thị lớn, cửa hàng chuyên kinh doanh, nay trở nên phổ biến hơn, xuất hiện nhiều tại các chợ dân sinh, thậm chí tràn lan trên mạng xã hội.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, nhiều loại trái cây gắn tem nhãn nước ngoài như táo, cam, cherry, lê, nho đen, nho sữa… được các tiểu thương bày bán la liệt trên các mẹt nhựa, thùng xốp, đặt ngay trên vỉa hè, thậm chí lòng đường. Người bán đon đả giới thiệu đây là trái cây nhập khẩu từ Mỹ, Chile, New Zealand, Hàn Quốc... Tuy nhiên, ngoài chiếc tem giấy mỏng dán lên quả (có quả có, có quả không), khi được hỏi về giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, người bán thường tìm cách né tránh.
Chị Nguyễn Thị Hòa, ở phố Núi Voi, phường Trại Chuối, quận Hồng Bàng, TP. Hải Phòng chia sẻ: Bản thân tôi khá băn khoăn về chất lượng cũng như độ “thật” của trái cây gắn mác nhập khẩu ngoài chợ, bởi giá chỉ bằng 2/3 so với tại siêu thị hoặc cửa hàng chuyên bán trái cây nhập khẩu, trong khi vẫn có tem nhãn tương tự. Ví dụ: táo Envy giá chỉ từ 100.000 - 120.000 đồng/kg; nho Mỹ từ 90.000 - 120.000 đồng/kg… Trong khi đó, giá tại siêu thị hoặc cửa hàng thường cao hơn khoảng 30%.
![]() |
Lãnh đạo Sở Công Thương Hải Phòng kiểm tra nguồn gốc xuất xứ trái cây tại siêu thị |
Không chỉ xuất hiện ở chợ, cửa hàng, vỉa hè mà trên các trang bán hàng online, hình ảnh trái cây nhập khẩu cũng được quảng bá rầm rộ. Nhiều người bán trên các nền tảng như Facebook, TikTok, Zalo còn “khoe” hình ảnh, video quay vườn cây để tăng niềm tin nơi người tiêu dùng. Tuy nhiên, tính xác thực của các hình ảnh này vẫn là dấu hỏi lớn.
Theo Chủ tịch Hội Đo lường và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP. Hải Phòng Nguyễn Bình Minh, thu nhập của người dân ngày càng tăng, kéo theo nhu cầu tiêu thụ trái cây, nhất là trái cây nhập khẩu tăng. Năm 2024, riêng trái cây tươi chưa qua chế biến, nước ta nhập khẩu tới 1,4 tỷ USD. Tuy nhiên, thị trường trái cây nhập khẩu còn nhiều phức tạp. Trái cây nhập khẩu chính ngạch được kiểm định chất lượng, nhưng hàng tiểu ngạch thì gần như không thể kiểm soát về số lượng và chất lượng. Không ít người bán còn thay tem, đổi thùng, giả nhãn hàng Mỹ, Hàn, New Zealand để bán giá cao. Người tiêu dùng rất khó phân biệt và thường buộc phải “tin người bán”.
Hướng đến thị trường minh bạch và bền vững
Theo quy định, trái cây nhập khẩu phải có thông tin rõ ràng về xuất xứ, giấy chứng nhận kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, hóa đơn - chứng từ mua bán để phục vụ truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, vì lợi nhuận cao, trong khi cơ quan quản lý kiểm soát chưa thật chặt, nhiều người bán vẫn phớt lờ quy định. Bên cạnh đó, tâm lý sính hàng ngoại giá rẻ của một bộ phận người tiêu dùng cũng là nguyên nhân khiến trái cây nhập khẩu không rõ nguồn gốc vẫn tồn tại phổ biến.
![]() |
Người tiêu dùng nên lựa mua trái cây đầy đủ tem nhãn và xuất xứ tại các trung tâm thương mại, siêu thị để bảo đảm sức khỏe. |
Phó Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công Thương Hải Phòng) Nguyễn Bá Lộc cho biết: Do nhu cầu tăng cao, một số người bán hàng lợi dụng uy tín của trái cây nhập khẩu để trà trộn các loại trái cây cùng tên, giống hình thức để bán. Thời gian tới, Chi cục Quản lý thị trường thành phố sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra và giám sát việc lưu thông trái cây, bảo đảm về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng và điều kiện an toàn thực phẩm. Đặc biệt, xử lý nghiêm vi phạm nếu có, công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền các quy định pháp luật về kinh doanh thương mại, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và cấp biển nhận diện cho các cửa hàng đạt chuẩn.
Tuy nhiên, ông Lộc cũng lưu ý: Cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các chủ thể kinh doanh và nhận thức tiêu dùng của người dân. Tù đó, tạo thói quen mua sắm tại các cửa hàng được cấp biển nhận diện, tránh mua trái cây tại các điểm kinh doanh không rõ nguồn gốc và không bảo đảm chất lượng, hướng đến thị trường minh bạch và bền vững.
Có thể thấy, tình trạng hoa quả gắn nhãn mác nhập ngoại hiện nay bày bán nhan nhản trên thị trường. Người tiêu dùng khó có thể trở thành người tiêu dùng thông thái vì việc phân biệt thật, giả rất khó khi mà công nghệ phù phép rồi “ngụy trang tem mác” ngày một tinh vi. Do đó, khi mua các loại hoa quả nhập ngoại người tiêu dùng không nên tham giá rẻ mà nên tới các địa chỉ uy tín, biết rõ quy trình trái cây được nhập và phân phối ra sao để tránh mắc lừa người bán hàng.
Theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP, hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc sẽ bị xử phạt tùy theo giá trị vi phạm: thấp nhất là cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 600.000 – 1.000.000 đồng (với hàng dưới 1 triệu đồng), cao nhất đến 100 triệu đồng (với hàng hóa trên 100 triệu đồng). Mức phạt với tổ chức gấp đôi cá nhân. |