Doanh nghiệp là trung tâm của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Doanh nghiệp Việt Nam nổi bật tại Hội nghị AI quốc tế |
Chiều 13/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, có 49 đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu tại hội trường.
Luật hóa cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để tránh lãng phí nguồn lực
Tham gia góp ý kiến, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn Bình Dương) cho biết, tại Điều 23 dự thảo Luật có hướng dẫn triển khai cơ chế thử nghiệm có kiểm soát theo từng loại hình công nghệ và lĩnh vực. Theo đại biểu, đây là cơ chế cho phép thử cái mới có rủi ro thì kiểm soát, có sai thì sửa, không bị phạt ngay.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn Bình Dương). Ảnh: VPQH |
Bà nêu rõ, thực tế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về khoa học và công nghệ tại địa phương, chúng ta đều nhận thấy một thực trạng đáng lo ngại là nhiều đề tài nghiên cứu sau khi nghiệm thu không được ứng dụng vào thực tiễn, gây lãng phí nguồn lực và làm suy giảm niềm tin vào hiệu quả đầu tư cho khoa học.
Lần đầu tiên quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát được đưa vào quy định trong luật, cho phép Chính phủ quy định chi tiết về từng loại hình, lĩnh vực, đối tượng thử nghiệm, tạo khung pháp lý chung áp dụng đa lĩnh vực, đặc biệt trong công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, ứng dụng y tế số, chuyển đổi số.
"Đây là cánh cửa rất quan trọng để các mô hình công nghệ mới ra đời và phát triển", bà Trân nói và cho rằng để thực sự phát huy đúng ý nghĩa đề ra, cần luật hóa cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, thống nhất, tăng cường vai trò điều phối của Chính phủ, có trách nhiệm phối hợp liên ngành, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia thử nghiệm được an toàn, hợp lý.
Mặt khác, dự thảo cũng cần quy định rõ đối tượng được cấp phép thử nghiệm theo đúng quy định của pháp luật thì không bị xử lý nếu có sơ suất trong phạm vi thử nghiệm; trách nhiệm của Chính phủ và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc quy định, ban hành danh mục ngành nghề được phép thử nghiệm, kiểm duyệt; thời gian thử nghiệm và đánh giá kết quả phối hợp triển khai thực hiện chặt chẽ, đồng bộ và công khai để mô hình tốt được nhân rộng.
Phân định rõ trách nhiệm để bảo vệ chủ thể đổi mới sáng tạo
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Danh Tú (Đoàn Kiên Giang) cho biết dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã kịp thời thể chế hóa Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị. Nêu ý kiến về nguyên tắc loại trừ trách nhiệm trong hoạt động thử nghiệm (Điều 21), khoản 1, khoản 2 Điều 21 dự thảo Luật quy định loại trừ trách nhiệm của hai nhóm chủ thể là: cơ quan có thẩm quyền cho phép thử nghiệm, tổ chức, cá nhân trực tiếp thẩm định, cấp phép, kiểm soát, đánh giá, thử nghiệm và tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép thực hiện.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Danh Tú (Đoàn Kiên Giang). Ảnh: VPQH |
Ông Tú cho hay, theo quy định của dự thảo Luật, các chủ thể này không phải chịu trách nhiệm dân sự, không bị xử phạt vi phạm hành chính, không phải chịu trách nhiệm hình sự trong các trường hợp theo quy định. Như vậy, theo dự thảo Luật có 2 loại trách nhiệm được loại trừ là: trách nhiệm dân sự, hành chính và hình sự.
"Tôi nhận thấy, trong pháp lý có 4 loại trách nhiệm, bên cạnh 3 loại trách nhiệm pháp lý nêu trên, còn một loại trách nhiệm pháp lý nữa đó là trách nhiệm kỷ luật", ông Tú phân tích. Việc không quy định xem xét loại trừ trách nhiệm kỷ luật đối với hai nhóm chủ thể nêu trên dẫn đến các chủ thể này thực hiện đúng, đủ các quy định về thử nghiệm theo quy định nhưng khi thiệt hại xảy ra, có thể vẫn bị xem xét xử lý kỷ luật.
Do đó, ông Tú đề nghị cần nghiên cứu bổ sung trong dự thảo Luật việc loại trừ trách nhiệm kỷ luật đối với hai nhóm chủ thể nêu trên khi đã thực hiện đúng, đủ các quy định thử nghiệm, áp dụng đầy đủ các biện pháp phù hợp để ngăn ngừa, hạn chế mức độ thiệt hại có thể xảy ra.
Cùng với đó, Nghị quyết số 57 quy định có chính sách miễn trừ trách nhiệm đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong trường hợp thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới có thiệt hại về kinh tế do nguyên nhân khách quan. Như vậy, Nghị quyết số 57 đặt ra yêu cầu có chính sách miễn trừ trách nhiệm của ba chủ thể là doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân.
Bên cạnh đó, khoản 4 Điều 20 dự thảo Luật quy định trách nhiệm tổ chức, cá nhân tham gia thử nghiệm. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 21 dự thảo Luật mới chỉ quy định loại trừ trách nhiệm đối với tổ chức, doanh nghiệp mà chưa quy định được loại trừ trách nhiệm với cá nhân được cấp phép thử nghiệm.
Do đó, ông đề nghị cần nghiên cứu bổ sung chủ thể được loại trừ trách nhiệm theo quy định đối với cá nhân cấp phép thử nghiệm. Ngoài ra, Điều 21 dự thảo Luật quy định tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép thử nghiệm không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm sau khi thực hiện đầy đủ trách nhiệm dân sự.
Ông Tú cho rằng, theo quy định của dự thảo Luật, dẫn đến tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép thử nghiệm nếu chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm dân sự, có thể chịu trách nhiệm hình sự đối với rủi ro trong nghiên cứu thử nghiệm. "Trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự là hai loại trách nhiệm pháp lý khác nhau, tôi đề nghị cần chỉnh lý lại quy định nêu trên để bảo đảm chính xác, phù hợp", ông Tú nói.
Cần định nghĩa cụ thể
Về chấp nhận rủi ro trong hoạt động khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo được quy định tại Điều 9 của dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Văn Huy (Đoàn Thái Bình) cho biết, khoản 1 Điều 9 dự thảo Luật quy định: "Tổ chức, cá nhân thực hiện nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại gây ra cho Nhà nước nếu đã tuân thủ đầy đủ quy trình, quy định trong quá trình triển khai và không có hành vi gian lận, vi phạm pháp luật hoặc sử dụng sai mục tiêu, phạm vi kinh phí".
![]() |
Đại biểu Nguyễn Văn Huy (Đoàn Thái Bình). Ảnh: VPQH |
Theo ông Huy, đây là điểm mới được kế thừa, có sửa đổi, bổ sung từ quy định của Nghị quyết số 193 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Với quy định này, sẽ tạo môi trường thuận lợi cho nghiên cứu khoa học, khuyến khích sáng tạo, đổi mới, tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hiện các đề tài khoa học có tính đột phá cao, ông cơ bản thống nhất như dự thảo.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi của dự thảo Luật, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung quy định để bảo đảm hài hòa giữa việc khuyến khích sáng tạo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân liên quan.
"Tôi đề nghị cần làm rõ định nghĩa về rủi ro thật cụ thể trong bối cảnh nghiên cứu khoa học - công nghệ, phân biệt rành mạch với lỗi chủ quan hoặc vi phạm đạo đức nghiên cứu. Cũng như cơ chế cho phép tổ chức, cá nhân thực hiện nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo không phải chịu trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại gây ra cho Nhà nước, ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư", ông Huy nói.
Đại biểu cũng đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung các quy định về nguyên tắc nhằm giảm thiểu tối đa rủi ro cũng như quy định thật chặt chẽ, để tránh lạm dụng quy định chấp nhận rủi ro, gây thất thoát, lãng phí trong hoạt động khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Điểm nổi bật trong Điều 9 dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo: Tổ chức, cá nhân nghiên cứu nếu tuân thủ đầy đủ quy trình, không vi phạm pháp luật, không bị truy cứu trách nhiệm dân sự hoặc hình sự với các thiệt hại khách quan phát sinh trong quá trình triển khai. |