Không để lợi dụng chính sách 'song tịch' nhằm trốn tránh nghĩa vụ công dân

(Banker.vn) Chính sách quốc tịch cần siết chặt để ngăn lợi dụng, bảo vệ an ninh quốc gia, nhưng vẫn bảo đảm nhân đạo, phù hợp thực tiễn và gắn kết cộng đồng người Việt.
Quy định nhập quốc tịch Việt Nam có gì mới? Sửa Luật Quốc tịch Việt Nam: Đề xuất cơ chế đặc biệt thu hút nhân tài kiều bào

Luật hiện hành bộc lộ nhiều bất cập, cần sửa đổi để đáp ứng tình hình mới

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều ngày 17/5, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh, đã nhấn mạnh sự cấp thiết của việc sửa đổi Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008. Sau 17 năm triển khai, nhiều quy định trong luật hiện hành đã cho thấy những hạn chế, không còn phù hợp với bối cảnh thực tế, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến việc giữ hoặc trở lại quốc tịch Việt Nam của kiều bào.

Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh
Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh

Thượng tướng chỉ rõ, trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng, một số quy định hiện tại chưa tạo điều kiện thuận lợi để người Việt Nam ở nước ngoài có thể đồng thời giữ quốc tịch Việt Nam và quốc tịch nước sở tại. Bên cạnh đó, luật pháp hiện hành còn thiếu cơ chế đủ mạnh mẽ để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ cộng đồng người Việt trên toàn cầu đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Dự án Luật sửa đổi lần này được xây dựng trên cơ sở bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, tiếp tục duy trì nguyên tắc một quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên, luật mới cũng mở ra hướng giải quyết những vướng mắc đang tồn tại trong công tác quản lý nhà nước về quốc tịch. Trọng tâm của việc sửa đổi lần này tập trung vào các quy định liên quan đến nhập, thôi, trở lại quốc tịch và những hệ lụy pháp lý phát sinh.

Nguy cơ lợi dụng chính sách song tịch để trốn tránh nghĩa vụ công dân

Về nội dung cụ thể của dự thảo luật, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ đặc biệt lưu ý đến khoản 4 Điều 5. Đây là nội dung luật hóa quy định đã được đề cập tại Nghị định 16/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008.

Thượng tướng Trần Quốc Tỏ đề nghị cần bổ sung các đánh giá chi tiết về tính tương thích, sự đồng bộ của quy định này với các quy định pháp luật khác có liên quan. Điển hình là nguyên tắc nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú được quy định tại khoản 4 Điều 4 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2019; và quy định “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật có quy định khác” tại Điều 4 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008.

Đồng thời, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh cũng đề nghị làm rõ những nội dung cơ bản liên quan đến việc xác định nghĩa vụ của công dân Việt Nam đồng thời mang quốc tịch nước ngoài, cũng như các vấn đề được đề cập tại Thông báo số 53/TB-VPCP ngày 09/4/2025 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về việc trở lại quốc tịch Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Theo Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, nội dung quy định trong dự thảo Luật hiện tại có thể gây ra những khó khăn trong công tác quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài khi nhập cảnh vào Việt Nam. Ông Tỏ dẫn chứng, khi người Việt Nam nhập cảnh bằng hộ chiếu nước ngoài, thông tin nhập cảnh sẽ là thông tin của người nước ngoài. Do đó, họ phải thực hiện khai báo tạm trú theo quy định, thời gian lưu trú tại Việt Nam sẽ theo thời hạn chứng nhận tạm trú và các hoạt động phải tuân theo mục đích nhập cảnh. Nếu những người này vi phạm thời hạn tạm trú, cư trú kéo dài hoặc không thực hiện các trách nhiệm như khai báo tạm trú, hoạt động sai mục đích nhập cảnh..., việc xử lý vi phạm sẽ gặp nhiều vướng mắc, đặc biệt là trong trường hợp áp dụng hình thức xử phạt trục xuất.

Ngoài ra, trong các lĩnh vực như đầu tư, ngân hàng, thuế..., cũng có thể xảy ra tình trạng tương tự nếu công dân Việt Nam sử dụng hộ chiếu nước ngoài để đăng ký thực hiện các thủ tục.

Thượng tướng Trần Quốc Tỏ kiến nghị cần nghiên cứu bổ sung vào dự thảo Luật các quy định về cơ chế giải quyết những vấn đề phát sinh, những tác động tiêu cực đến công tác bảo vệ an ninh quốc gia, quản lý công dân, các vấn đề xung đột pháp lý và xử lý vi phạm đối với công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài (như đã được đánh giá tại mục 2.2 Phần IV Tờ trình số 246/TTr-CP ngày 22/4/2025 của Chính phủ).

Đồng thời, cần đảm bảo yêu cầu không để các đối tượng lợi dụng việc trở lại quốc tịch Việt Nam nhằm mục đích đòi lại tài sản hoặc các quyền lợi khác, lợi dụng vấn đề "song tịch" để trốn tránh nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân Việt Nam cũng như nghĩa vụ ở nước sở tại. Bên cạnh đó, cần ngăn chặn việc các quốc gia khác lợi dụng chủ trương cởi mở của Việt Nam để đẩy những đối tượng bị trục xuất, những người không xác định được quốc tịch hoặc những đối tượng có hoạt động chống phá trong cộng đồng người gốc Việt về Việt Nam, hoặc lợi dụng vấn đề bảo hộ công dân để tạo cớ can thiệp, gây sức ép với Việt Nam.

Kiến nghị chỉnh lý một số điều để đảm bảo chặt chẽ, ngăn ngừa lạm dụng

Liên quan đến khoản 5 Điều 5 của dự thảo, Thượng tướng đề nghị cần làm rõ hơn phạm vi của cụm từ “trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định”. Theo ông, cần cân nhắc việc quy định “trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định” bởi lẽ Chính phủ, theo chức năng và thẩm quyền, không quy định về việc ứng cử, được bầu cử, phê chuẩn các vị trí thuộc thẩm quyền của Quốc hội và Chủ tịch nước. Do đó, Thượng tướng đề nghị thu hẹp phạm vi các vị trí do Chính phủ quy định trong trường hợp đặc biệt. Đồng thời, nên chỉ rõ các quy định cụ thể của “Luật có liên quan” để đảm bảo tính thuận tiện và thống nhất trong quá trình áp dụng.

Đối với khoản 6 Điều 5, Thượng tướng kiến nghị quy định rõ ràng rằng các quyết định liên quan đến quốc tịch Việt Nam không thuộc diện khiếu nại, khiếu kiện hành chính, đặc biệt là các quyết định của Chủ tịch nước về việc nhập, thôi, tước hoặc trở lại quốc tịch Việt Nam.

Theo Tờ trình dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nội dung của 19 trong tổng số 44 điều và bãi bỏ 1 điều trong Luật Quốc tịch Việt Nam hiện hành. Các nội dung sửa đổi tập trung vào nhóm vấn đề như: Điều kiện nhập quốc tịch; điều kiện trở lại quốc tịch; trách nhiệm và thẩm quyền của các cơ quan nhà nước trong việc giải quyết các thủ tục về quốc tịch; tiêu chuẩn quốc tịch đối với một số chức danh, vị trí trong bộ máy nhà nước.

Hoàng Nhưỡng

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục