Ngân hàng nào được cấp thêm “room” tín dụng nhiều nhất trong năm nay?

(Banker.vn) Ngân hàng Nhà nước đã chính thức nới room tín dụng cho loạt ngân hàng, mức nới room cao nhất lên tới 4% dành cho một ngân hàng tư nhân.
Ngân hàng nào được cấp thêm “room” tín dụng nhiều nhất trong năm nay?
Ngân hàng nào được cấp thêm “room” tín dụng nhiều nhất trong năm nay?

Nhiều nguồn tin cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã gửi thông báo tới các ngân hàng thương mại về việc điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng mới của cả năm 2022, trong đó có khoảng 15 ngân hàng được nới room tăng trưởng tín dụng lần này với các hạn mức khác nhau.

Theo TTXVN, bốn "ông lớn" ngân hàng và một số ngân hàng thương mại tư nhân có điểm chấm tốt hoặc tham gia tái cơ cấu đã được Ngân hàng Nhà nước cấp thêm hạn mức tín dụng từ 1 - 4%.

Trong đó, Sacombank (STB) là ngân hàng được cấp thêm room tín dụng nhiều nhất trong năm nay với 4%. Room tín dụng được cấp cho Agribank là 3,5%; HDBank (HDB) 3,4%; MBBank (3,2%); OCB (3,1%); VIB (3%). Vietcombank và Techcombank cùng được cấp thêm 2,7%. TPBank được bổ sung thêm 1,2%. Một số ngân hàng khác cũng được nới room nhưng ở mức khiêm tốn hơn.

Trong thông tin báo chí sáng 7/9, Ngân hàng Thương mại không nêu rõ những ngân hàng nào được nới room tín dụng. Tuy nhiên, việc điều chỉnh room tín dụng đợt này của ngân hàng vẫn dựa trên đơn đề nghị của các Ngân hàng Thương mại và căn cứ điểm xếp hạng của Ngân hàng Nhà nước như: Kết quả xếp hạng từng tổ chức tín dụng theo Thông tư 52 (đã được sửa đổi, bổ sung); xem xét một số yếu tố cụ thể hóa chủ trương, định hướng điều hành của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước như: Tổ chức tín dụng tham gia hỗ trợ xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém; giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Nhìn chung, dư địa cho vay còn lại trong 4 tháng cuối năm rất hạn chế, một phần do các ngân hàng đã tăng trưởng tín dụng mạnh từ nửa đầu năm.

Tính đến hết tháng 8, mức tăng trưởng tín dụng đạt 9,91%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ hai năm trước. Các ngân hàng gần đây cũng đã chạm trần tăng trưởng tín dụng được cấp từ đầu năm khiến người dân và doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay.

Mặc dù nhu cầu tín dụng của nền kinh tế rất cao sau dịch, Ngân hàng Nhà nước buộc phải thận trọng khi cấp hạn mức tín dụng. Việc kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá trong bối cảnh kinh tế thế giới khó lường khiến cơ quan này rơi vào thế khó.

Với ưu tiên kiểm soát lạm phát, Ngân hàng Nhà nước vẫn kiên định mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm quanh mức 14%. Dư địa tăng trưởng tín dụng của cả hệ thống còn lại hơn 4%, có thể phần nào giải toả cơn khát tín dụng nhưng khó lòng đáp ứng được hết nhu cầu vào mùa kinh doanh cao điểm cuối năm.

Trong bối cảnh phải co kéo nguồn tín dụng, chủ trương của Ngân hàng Nhà nước từ trước đến nay là ưu tiên phân bổ cho các nhà băng có chỉ số hoạt động tốt, lành mạnh và hệ số an toàn cao.

Bên cạnh đó, những ngân hàng đi đầu trong việc thực thi các chính sách Chính phủ như nhóm ngân hàng có vốn nhà nước, hoặc tham gia vào việc tái cơ cấu nhà băng yếu kém cũng là những đơn vị được ưu tiên khi phân bổ tín dụng.

Hoàng Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán