Ngân hàng nội tìm vốn ngoại giá rẻ cho nền kinh tế

(Banker.vn) Bên cạnh việc đẩy mạnh thu hút tiền gửi để đảm bảo đủ nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế, một số ngân hàng còn tìm nguốn vốn từ các định chế tài chính quốc tế.
Nâng hạng thị trường chứng khoán: Cơ hội để Việt Nam hút vốn ngoại Giải pháp để Việt Nam 'ghi điểm' với nhà đầu tư nước ngoài Báo cáo FDI: Gợi ý quan trọng để 'nâng chất' vốn ngoại

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối quý 1/2025, tổng tiền gửi khách hàng tại 27 ngân hàng khảo sát đạt 11,407.434 tỷ đồng, tăng thêm hơn 272.000 tỷ đồng so với đầu năm, tương ứng mức tăng 2,4%. So với cùng kỳ năm 2024, con số này tăng mạnh 15,3%. Điều đó cho thấy, mặc dù lãi suất huy động giảm nhưng các ngân hàng vẫn tập trung thu hút được nguồn tiền nhàn rỗi trong dân để đảm bảo thanh khoản.

Bên cạnh việc đẩy mạnh thu hút tiền gửi để đảm bảo đủ nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế, một số ngân hàng còn tìm nguốn vốn từ các định chế tài chính quốc tế. Đơn cử như Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa công bố thực hiện thành công thương vụ vay hợp vốn quốc tế với giá trị ban đầu 1 tỷ USD, có kèm tùy chọn mở rộng giá trị khoản vay tùy thuộc theo nhu cầu sử dụng vốn của VPBank.

Theo đó, khoản vay hợp vốn được thu xếp, bảo lãnh phát hành, dựng sổ và đồng cho vay bởi các định chế tài chính lớn và có danh tiếng trên thị trường quốc tế bao gồm Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), Standard Chartered Bank, MUFG, ANZ, Cathay, Commerzbank AG, CTBC Bank và Mashreq Bank, State Bank of India.

Ngân hàng nội tìm vốn ngoại giá rẻ cho nền kinh tế
Tính đến cuối quý 1/2025, tổng tiền gửi khách hàng tại 27 ngân hàng đạt 11,407.434 tỷ đồng. Ảnh: Duy Minh

Thương vụ này không chỉ ghi nhận là khoản vay hợp vốn nước ngoài lớn nhất từ ​​trước đến nay về mặt quy mô, mà đồng thời còn là một khoản vay quốc tế lớn nhất hỗ trợ cho mục tiêu thúc đẩy “tài chính bền vững” mà một ngân hàng Việt Nam từng triển khai. Được biết, từ năm 2020 đến nay, tổng giá trị các khoản huy động vốn vay bền vững của VPBank đạt gần 2,8 tỷ USD. Các khoản huy động vốn này đã được sử dụng hiệu quả để hỗ trợ sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, dự án xanh và các hoạt động tài chính có trách nhiệm với xã hội.

Theo đại diện VPBank, khoản vay bền vững này không chỉ đạt giá trị kỷ lục, mà còn thể hiện cam kết mạnh mẽ của ngân hàng trong việc đồng hành cùng các doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam trên hành trình phát triển bền vững.

Hiện tín dụng cho nền kinh tế nói chung vẫn đang trong xu hướng tăng trưởng tốt, các ngân hàng thương mại tiếp tục tập trung nguồn vốn huy động để có lãi suất cho vay hợp lý tới các doanh nghiệp. Trong báo cáo tình hình phát triển kinh tế, xã hội những tháng đầu năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khóa XV sáng nay, cho thấy: Tính đến ngày 10/4/2025, lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại ở mức 6,34%/năm, giảm 0,6 điểm phần trăm so với cuối năm 2024. Đến ngày 23/4, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 16,23 triệu tỷ đồng, tăng 18,44% so với cùng kỳ 2024. Chương trình tín dụng ưu đãi cho lâm sản, thủy sản đã giải ngân 60 nghìn tỷ đồng, và đang mở rộng quy mô lên 100 nghìn tỷ đồng.

Thuỳ Linh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục