Yếu tố nào khiến bất động sản Hà Nam hấp dẫn? Làn sóng dịch chuyển khi giá bất động sản nội đô ‘tăng nóng’ Quý 1/2025: Phân khúc bất động sản nào giữ 'ngôi vương' tăng giá? |
Cuộc đua hồi sinh dự án
Sau thời gian dài rơi vào trạng thái “đóng băng” vì vướng mắc pháp lý, nhiều dự án bất động sản trên khắp cả nước đang chứng kiến sự hồi sinh mạnh mẽ. Từ TP. Hồ Chí Minh đến Bình Dương, Hà Nội, làn sóng tái khởi động đã lan rộng với kỳ vọng mở ra một chương mới tích cực hơn cho thị trường vốn đầy biến động thời gian qua.
Ngày 9/4 vừa qua, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (DXG) đã chính thức ký kết hợp tác với các ngân hàng và đơn vị phân phối cho dự án The Privé - khu căn hộ cao cấp nằm tại trung tâm TP. Hồ Chí Minh. Dự án có diện tích 4,2 ha với 12 tòa tháp cao từ 32 đến 34 tầng, cung cấp hơn 3.100 căn hộ. Điều đáng chú ý, The Privé chính là “hồi sinh” từ dự án Gem Riverside trước đây, từng gặp nhiều lùm xùm pháp lý và phản ứng từ khách hàng. Dự án được kỳ vọng sẽ ra mắt thị trường vào tháng 5/2025.
![]() |
Dự án The Privé - khu căn hộ cao cấp nằm tại trung tâm TP. Hồ Chí Minh. |
Không chỉ tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương cũng ghi nhận tín hiệu tương tự. Dự án La Pura - trước kia là Astral City do Phát Đạt làm chủ đầu tư - đã được chuyển nhượng cho Realty Holdings và chính thức tái khởi động từ tháng 4 năm nay. Dự kiến, La Pura sẽ mở bán chính thức vào năm 2025, mang theo kỳ vọng góp phần làm “nóng” thị trường căn hộ tại địa phương này.
Cùng với Đất Xanh và Realty Holdings, hàng loạt tập đoàn lớn cũng đang tích cực tái kích hoạt các dự án từng đình trệ như The Park Avenue hay New Galaxy. Cuộc đua khôi phục này không chỉ là nỗ lực vực dậy dự án, mà còn là lời cam kết của doanh nghiệp với thị trường và người mua nhà, trong bối cảnh niềm tin từng bị suy giảm nghiêm trọng.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, việc “hồi sinh” này không đơn giản chỉ dựa vào tháo gỡ pháp lý. Rất nhiều dự án, dù đã có tiến triển thủ tục, vẫn chưa thể “vào guồng” vì thiếu vốn và đối mặt chi phí phục hồi lớn.
Tái khởi động dự án: Bài toán tài chính và chất lượng
Bên cạnh sự hỗ trợ tích cực từ chính sách nhà nước, các doanh nghiệp bất động sản hiện vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức nội tại. Trong đó, khó khăn tài chính và chất lượng sản phẩm là hai rào cản lớn nhất trong hành trình đưa dự án trở lại quỹ đạo phát triển.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), nhận định: "Việc tháo gỡ pháp lý có thể là điều kiện cần, nhưng không phải là điều kiện đủ. Sau thời gian đình trệ, nhiều dự án đã xuống cấp về hạ tầng, thiết bị, chi phí tái triển khai tăng cao. Điều này gây áp lực không nhỏ lên các chủ đầu tư, đặc biệt là những đơn vị đang có tình hình tài chính thiếu ổn định".
Thực tế, nhiều chủ đầu tư buộc phải điều chỉnh giá bán để bù đắp chi phí phục hồi. Tuy nhiên, mức giá mới cao hơn lại không đi kèm với nâng cấp chất lượng sản phẩm, khiến người mua vẫn chần chừ. Áp lực kép từ chi phí thi công, lãi suất tín dụng và yêu cầu về tiến độ khiến các doanh nghiệp khó có thể giữ được mức giá hợp lý mà vẫn đảm bảo lợi nhuận.
Một số nhà đầu tư nước ngoài hiện đã bắt đầu bày tỏ sự quan tâm trở lại thị trường Việt Nam thông qua các thương vụ M&A. Tuy nhiên, họ chỉ cam kết rót vốn vào những dự án đã hoàn chỉnh pháp lý, đầy đủ hồ sơ chứng nhận quyền sử dụng đất, quy hoạch và giấy phép xây dựng. Những dự án còn “vướng mắc” dù có tiềm năng, vẫn khó thu hút dòng vốn quốc tế.
Trong bối cảnh đó, chất lượng sản phẩm được xem là yếu tố "sống còn" để thu hút khách hàng thực. Nếu trước đây, các dự án tập trung nhiều vào đầu tư hình thức và tiện ích để bán hàng nhanh, thì nay yêu cầu về chất lượng công trình, tiến độ bàn giao, tính minh bạch và sự đồng bộ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Người mua nhà ngày càng tỉnh táo và đòi hỏi cao hơn, buộc các chủ đầu tư phải có chiến lược phát triển bền vững, thay vì chỉ dựa vào xu hướng ngắn hạn.
Nhìn một cách tổng thể, việc nhiều dự án bất động sản được tái khởi động là tín hiệu tích cực cho thị trường sau thời gian dài trầm lắng. Đây cũng là kết quả của loạt điều chỉnh chính sách mạnh mẽ từ Chính phủ nhằm gỡ vướng pháp lý, giảm thiểu rào cản hành chính và mở đường cho dòng vốn trở lại.
Trong thời gian tới, thị trường bất động sản được dự báo sẽ phân hóa rõ rệt. Các dự án có pháp lý hoàn chỉnh, vị trí thuận lợi và chủ đầu tư uy tín sẽ tiếp tục thu hút người mua, trong khi những dự án yếu về năng lực triển khai và thiếu minh bạch sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường. Đó là thực tế khắc nghiệt nhưng cũng là cơ hội để thanh lọc và định hình lại thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững hơn. |