Ra mắt mạng Blockchain ‘Make in Việt Nam’ đầu tiên

(Banker.vn) Việt Nam ghi dấu trên bản đồ blockchain thế giới với 1Matrix - nền tảng công nghệ lõi do chính người Việt phát triển, vận hành và sở hữu.
Công nghệ Blockchain đã thay đổi TCBS thế nào? Tài sản số bùng nổ: Khung pháp lý nào để kiểm soát rủi ro? 'Cách mạng' logistics: AI, IoT, blockchain đang 'viết' lại chuỗi cung ứng

Blockchain Việt đầu tiên do người Việt làm chủ

Ngày 6/5/2025 đánh dấu một bước ngoặt đặc biệt trong lộ trình phát triển công nghệ số tại Việt Nam khi Công ty Cổ phần 1Matrix chính thức ra mắt Mạng Blockchain Layer 1 do chính người Việt xây dựng và làm chủ. Không chỉ đơn thuần là sự ra đời của một công nghệ, đây là bước đi chiến lược nhằm hiện thực hóa mục tiêu tự chủ hạ tầng số quốc gia và đưa Việt Nam vào nhóm dẫn đầu khu vực trong lĩnh vực blockchain.

Là thành viên của hệ sinh thái gồm: Techcombank, One Mount Group, Masterise Group và Techcom Securities, đồng thời là hội viên Hiệp hội Blockchain Việt Nam, 1Matrix ra đời không chỉ với vai trò là doanh nghiệp công nghệ, mà còn là kiến trúc sư trưởng của một hệ thống hạ tầng số chiến lược: Mạng Blockchain “Make in Việt Nam”. Đây là lời cam kết mạnh mẽ được phát đi từ Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI.

Ra mắt mạng Blockchain ‘Make in Việt Nam’ đầu tiên

Ông Phan Đức Trung HĐQT 1Matrix phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Thúy Duyên

Ông Phan Đức Trung, Chủ tịch HĐQT 1Matrix, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, khẳng định: “Việc làm chủ hoàn toàn về công nghệ và sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực blockchain không chỉ giúp Việt Nam chủ động ứng dụng công nghệ vào tiến trình phát triển nền kinh tế số, xã hội số, tương lai số mà còn củng cố chủ quyền quốc gia về dữ liệu, an ninh thông tin và nâng tầm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế”.

Mạng Blockchain do 1Matrix phát triển không dừng lại ở việc tái tạo những thành tựu sẵn có của thế giới, mà được định hình như một hạ tầng số phi tập trung phục vụ dữ liệu công, dịch vụ công, tài chính số và ứng dụng sổ cái phân tán (DLT) cho toàn bộ nền kinh tế số Việt Nam. Theo ông Trung, 1Matrix hướng tới việc xây dựng từ gốc: Từ thuật toán đồng thuận, cơ chế dữ liệu, bảo mật mạng lưới đến trải nghiệm người dùng. Mục tiêu là hình thành một mạng blockchain đầu tiên do chính người Việt thiết kế, vận hành, nhưng vẫn bảo đảm khả năng kết nối và liên thông với chuẩn quốc tế.

Sự kiện ra mắt 1Matrix không chỉ là một cột mốc doanh nghiệp, mà còn nằm trong lộ trình thực hiện những định hướng lớn của Đảng và Chính phủ. Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã xác định blockchain là một trong những công nghệ chiến lược. Cùng với đó, Quyết định số 1236/QĐ-TTg ban hành Chiến lược Blockchain Quốc gia đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ thuộc nhóm quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực này.

Theo đó, Hiệp hội Blockchain Việt Nam được giao trọng trách phối hợp với doanh nghiệp trong nước xây dựng các nền tảng “Make in Vietnam”, thiết lập cơ chế khai thác, vận hành, tương tác giữa các loại hình chuỗi khối trên hạ tầng blockchain Việt Nam. Đây không chỉ là mục tiêu công nghệ mà còn là bài toán về chủ quyền dữ liệu, sự cạnh tranh và khẳng định vị thế trong cuộc đua toàn cầu về công nghệ số.

Ra mắt mạng Blockchain ‘Make in Việt Nam’ đầu tiên
Lễ công bố hợp tác chiến lược giữa Công ty 1Matrix và Hiệp hội Blockchain Việt Nam, hướng tới phát triển mạng blockchain “Make in Vietnam” và thúc đẩy hệ sinh thái công nghệ số quốc gia. Ảnh: Thúy Duyên

Hạt giống cho một hệ sinh thái bền vững

Không có hạ tầng công nghệ nào có thể vững chắc nếu thiếu nền tảng con người. Với triết lý đó, tại sự kiện ra mắt, Công ty 1Matrix cũng chính thức công bố cuộc thi “Tìm kiếm Tài năng Blockchain Việt Nam - VietChain Talents”. Đây là sáng kiến nhằm phát hiện và nuôi dưỡng những tài năng trẻ có khát vọng theo đuổi lĩnh vực blockchain, lĩnh vực đòi hỏi cả chiều sâu công nghệ lẫn tư duy đổi mới sáng tạo.

“Chúng ta cần nhiều hơn những con người đổi mới sáng tạo, cần những doanh nghiệp dám nghĩ lớn, làm thật như 1Matrix, và cần một hệ sinh thái công nghệ có chiều sâu, có bản sắc”, Trung tướng Đặng Vũ Sơn, nguyên Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ chia sẻ tại buổi lễ. Ông bày tỏ kỳ vọng rằng với sự vào cuộc đồng bộ từ các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, viện nghiên cứu và trường đại học, những sáng kiến như VietChain Talents sẽ đóng vai trò như chiếc nôi ươm mầm cho một cộng đồng công nghệ mới, từ đó lan tỏa tinh thần tự cường số.

Ra mắt mạng Blockchain ‘Make in Việt Nam’ đầu tiên
Đại diện Ban Tổ chức công bố thể lệ và cơ cấu giải thưởng Cuộc thi Tìm kiếm Tài năng Blockchain Việt Nam - VietChain Talents 2025. Ảnh: Thúy Duyên

Khác với nhiều dự án công nghệ thiên về nghiên cứu, 1Matrix ngay từ đầu đã định vị mình là đơn vị cung cấp giải pháp blockchain toàn diện cho cả khu vực doanh nghiệp lẫn tổ chức dịch vụ công. Cùng lúc xây dựng nền tảng công nghệ và phát triển thị trường ứng dụng, công ty đặt mục tiêu vừa là nhà thiết kế hạ tầng, vừa là nhà cung cấp dịch vụ, đồng hành với các cơ quan nhà nước trong tiến trình số hóa hoạt động công.

Thông qua việc vận hành Mạng Blockchain “Make in Việt Nam”, 1Matrix không chỉ hướng tới cung cấp một sản phẩm công nghệ, mà đang góp phần thiết lập nền móng hạ tầng số quốc gia: một hệ sinh thái blockchain mở, minh bạch, an toàn, bảo mật cao, và mang tính ứng dụng rộng rãi trong quản trị, thương mại, tài chính, y tế, giáo dục…

Ra mắt trong bối cảnh chuyển đổi số đang là xu thế toàn cầu, mạng blockchain do người Việt phát triển không chỉ giải một bài toán công nghệ. Đó là thông điệp của một quốc gia đang chuyển dịch vai trò từ người tiêu dùng sang người làm chủ công nghệ. Không chỉ là sự kiện của một doanh nghiệp, 1Matrix là biểu tượng của một tầm nhìn: Việt Nam không đứng ngoài cuộc chơi blockchain toàn cầu, mà đã sẵn sàng định hình một vị trí mới vị trí của người kiến tạo.

Cuộc thi Tìm kiếm Tài năng Blockchain Việt Nam - VietChain Talents 2025 chính thức khởi động từ ngày 6/5/2025 và đóng cổng nhận bài dự thi vào ngày 20/6/2025. VietChain Talents 2025 có tổng giải thưởng lên tới 3,5 tỷ đồng tiền mặt, tập trung vào 4 chủ đề. Trong đó, Giải nhất chủ đề Blockchain Layer 1 có giá trị 1 tỷ đồng. Giải Nhất của 3 chủ đề còn lại: (1) Sàn giao dịch Tập trung và Phi tập trung, (2) Truy vết Blockchain, (3) Cầu nối Blockchain có trị giá 500 triệu đồng/giải. Đặc biệt, các trường đại học, tổ chức giáo dục có cơ hội nhận giải thưởng trị giá 200 triệu đồng/trường khi cử các đội thi và đạt giải Nhất ở bất kỳ chủ đề nào.

Hoàng Lan

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục