Rà soát bất cập quản lý thực phẩm chức năng

(Banker.vn) Hệ thống kiểm tra, cấp phép cho ngành thực phẩm chức năng đang tồn tại nhiều kẽ hở, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế rà soát, báo cáo rõ các bất cập trong quản lý.
Vụ 100 tấn thực phẩm chức năng giả: Bộ Y tế nói gì? Phú Thọ: Triệt phá đường dây kinh doanh thực phẩm chứa chất cấm đặc biệt lớn Thủ tướng biểu dương Bộ Công Thương phát hiện, xử lý nhiều vụ hàng giả Shopee, Lazada bị yêu cầu gỡ loạt thực phẩm chức năng

Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 4704/VPCP-KGVX ngày 28/5/2025 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long về xử lý thông tin phản ánh về việc quản lý thực phẩm chức năng.

Rà soát bất cập quản lý an toàn thực phẩm chức năng
Rà soát bất cập quản lý an toàn thực phẩm chức năng

Công văn nêu: Ngày 15/5/2025, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về thông tin báo chí phản ánh việc quản lý thực phẩm chức năng.

Theo bài báo có tiêu đề "Hệ thống kiểm tra, cấp phép thực phẩm chức năng: Nhiều kẽ hở, dễ bị thao túng" thì từ vụ án phát hiện hàng trăm thực phẩm chức năng giả, cơ quan công an đang tiếp tục mở rộng điều tra các hành vi sai phạm liên quan đến hệ thống "chống lưng" cho thực phẩm chức năng giả, gây nguy hại nghiêm trọng đến cộng đồng, làm gia tăng sự phẫn nộ trong dư luận xã hội.

Từ vụ án này, cơ quan điều tra nhận định rằng hệ thống kiểm tra, cấp phép cho ngành thực phẩm chức năng đang tồn tại nhiều kẽ hở. Cách làm mang tính hình thức, thiếu minh bạch và dễ bị thao túng đã biến một lĩnh vực liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người thành mảnh đất màu mỡ cho lợi ích nhóm và tham nhũng hoạt động.

Trước phản ánh trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long yêu cầu Bộ Y tế rà soát, báo cáo rõ các hạn chế, bất cập trong các quy định hiện hành về quản lý an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thực phẩm chức năng, trong đó lưu ý xác định rõ những vấn đề còn chưa chặt chẽ, sơ hở, dễ bị lợi dụng, thao túng để làm trái quy định, không bảo đảm an toàn thực phẩm.

Trên cơ sở đó, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện ngay các giải pháp để khắc phục theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền đối với trường hợp vượt thẩm quyền; đồng thời rà soát, hoàn thiện, có quy định, chính sách, biện pháp cụ thể nâng cao hiệu quả quản lý loại sản phẩm này khi trình Chính phủ Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật An toàn thực phẩm.

Liên quan đến vụ án triệt phá đường dây sản xuất và buôn bán hàng trăm tấn thực phẩm chức năng giả do Nguyễn Năng Mạnh (36 tuổi, Giám đốc Công ty MegaPhaco, Chủ tịch HĐQT Công ty MediUSA) cầm đầu, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can đối với 5 người về tội Nhận hối lộ.

Các đối tượng gồm: Nguyễn Thanh Phong, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế; Đinh Quang Minh, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và đào tạo an toàn thực phẩm; Nguyễn Thị Minh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và đào tạo an toàn thực phẩm; Lê Thị Hiên, chuyên viên trung tâm và Cao Văn Trung, Phó Trưởng phòng Giám sát ngộ độc. Trong đó, ngoại trừ bà Nguyễn Thị Minh Hải, 4 bị can còn lại đều bị bắt tạm giam.

Quá trình mở rộng điều tra, Bộ Công an đã làm rõ sai phạm của các cán bộ, cựu cán bộ Cục An toàn thực phẩm trong việc thẩm định, hậu kiểm, cấp 4 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (Giấy chứng nhận GMP) cho nhà máy MediPhar và nhà máy MediUSA; cấp 20 giấy tiếp nhận đăng ký công bố sản phẩm cho nhóm 9 công ty của Nguyễn Năng Mạnh.

Cơ quan điều tra đang củng cố tài liệu, chứng cứ làm rõ hành vi phạm tội của các bị can, mở rộng điều tra vụ án để làm rõ sai phạm của các tổ chức và cá nhân liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục