Sửa Hiến pháp: Người dân đồng tình với chủ trương lớn Kiến tạo thể chế đột phá từ sửa đổi Hiến pháp năm 2013 Sửa đổi Hiến pháp: Chủ trương đúng đắn, phù hợp khát vọng dân tộc |
Đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng
Mới đây, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 với 452/452 đại biểu Quốc hội tán thành. Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản trong Hiến pháp năm 2013 để thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị. Trong đó, tập trung vào các quy định về việc phân định đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương; quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…
Cá nhân có thể góp ý kiến trực tiếp trên ứng dụng VNeID, Cổng thông tin điện tử Quốc hội, Cổng thông tin điện tử Chính phủ hoặc gửi ý kiến bằng văn bản đến các cơ quan có trách nhiệm.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cho biết, việc sửa đổi Hiến pháp lần này cần dân chủ, khoa học, hiệu quả.
![]() |
Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc sửa đổi Hiến pháp cần tiến hành thận trọng, khách quan, dân chủ, khoa học, hiệu quả. Ảnh minh họa |
“Việc sửa đổi Hiến pháp lần này không chỉ là yêu cầu pháp lý, mà còn thể hiện rõ nét vai trò lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của Đảng. Mọi nội dung sửa đổi đều phải đặt trong định hướng của Đảng, tuân thủ đúng quy trình, đảm bảo chất lượng và xuất phát từ tổng kết thực tiễn thi hành Hiến pháp năm 2013 cùng các luật liên quan”, TS. Nguyễn Minh Phong cho hay.
Cùng với đó, việc sửa đổi Hiến pháp lúc này là kịp thời để thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là chủ trương tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, xây dựng nền hành chính hiện đại.
Theo TS. Nguyễn Minh Phong, việc sửa đổi Hiến pháp cũng nhằm tạo cơ sở hiến định cho việc sắp xếp cơ quan của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, cũng như hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp theo hướng gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn.
TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, nhiều ý kiến của cử tri quan tâm và nhấn mạnh các nội dung sửa đổi Hiến pháp cần chú trọng một số vấn đề then chốt.
Một mặt, cần coi trọng gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, đề cao sức mạnh đoàn kết cộng đồng, cũng như tổng kết, kế thừa các kinh nghiệm thực tiễn đã được minh chứng trong lịch sử nghìn năm dựng nước và giữ nước.
Mặt khác, cần tạo thêm động lực mới cho quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đầy đủ và toàn diện hơn, để Việt Nam tự tin, vững bước đồng hành cùng thời đại. Cũng như chủ động thích ứng trước mọi nguy cơ, thách thức, đồng thời bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia, cả về truyền thống và phi truyền thống.
Thúc đẩy phát triển bền vững, toàn diện
Cũng chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, TS. Nguyễn Thị Thu Hường, Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải cho biết: Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp lần này tập trung vào tổ chức bộ máy nhà nước, được xác định là bước đi chiến lược nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị quốc gia. Đây là nền tảng quan trọng để thúc đẩy phát triển bền vững, toàn diện và lấy người dân làm trung tâm phục vụ một cách thiết thực hơn.
“Việc hoàn thiện Hiến pháp trong bối cảnh hiện nay là yêu cầu cấp thiết nhằm thích ứng với thời cơ mới, tăng cường năng lực phản ứng chính sách và bảo đảm sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật, đáp ứng mục tiêu phát triển nhanh, bền vững và không để ai bị bỏ lại phía sau”, TS. Nguyễn Thị Thu Hường nói.
Đặc biệt, việc tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của người dân, cả trực tiếp lẫn qua nền tảng số như VNeID, thể hiện rõ tinh thần dân chủ, công khai và minh bạch. Đây cũng là cách thiết thực để Hiến pháp sửa đổi phản ánh đúng đắn tâm tư, nguyện vọng và lợi ích chính đáng của các tầng lớp trong xã hội.
Theo TS. Nguyễn Thị Thu Hường, việc bảo đảm sự tham gia đầy đủ, công bằng của mọi người dân trong quá trình góp ý và thụ hưởng thành quả không chỉ là nguyên tắc pháp lý, mà còn là biểu hiện rõ nét của cam kết “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Nếu tinh thần này tiếp tục được giữ vững trong toàn bộ quá trình sửa đổi, bản Hiến pháp mới sẽ trở thành nền tảng pháp lý tiến bộ, vững chắc cho tương lai phát triển của đất nước.
![]() |
Người dân có thể góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 qua ứng dụng VNeID. Ảnh minh họa |
Trong khi đó, TS. Lê Thùy Dương, Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, việc sửa đổi Hiến pháp lần này, có thể nhận thấy nội dung hết sức gọn gàng, đi vào những vấn đề rất trọng tâm, căn cốt và cách làm rất đổi mới.
“Tôi cho rằng, rất cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 vào thời điểm này vì phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới”, TS. Lê Thùy Dương bày tỏ.
Theo TS. Lê Thùy Dương, trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị trong nước và quốc tế biến động nhanh chóng, Hiến pháp cần được cập nhật để đáp ứng yêu cầu hội nhập sâu rộng, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm dân chủ và quyền con người. Đây cũng là yếu tố then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước.
“Việc sửa đổi Hiến pháp lần này là cơ hội quan trọng để tổ chức lại bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phân định rõ trách nhiệm, tăng cường cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp một cách thực chất hơn”, TS. Lê Thùy Dương giải thích.
Bên cạnh đó, sửa Hiến pháp cũng nhằm thể chế hóa kịp thời các chủ trương, đường lối mới của Đảng, qua đó phản ánh rõ nét mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, làm rõ định hướng phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trên nền tảng đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.
Góp ý với việc sửa đổi các quy định về đơn vị hành chính và chính quyền địa phương, TS. Lê Thùy Dương cơ bản tán thành với nội dung sửa đổi để thực hiện yêu cầu tinh gọn tổ chức, khắc phục chồng chéo, trùng lặp trong tổ chức, hoạt động của đơn vị hành chính và chính quyền địa phương, bỏ cấp trung gian.
Từ ngày 6-30/5/2025: Các cơ quan, tổ chức, địa phương, tổ chức lấy ý kiến nhân dân tại cơ quan, tổ chức, địa phương mình theo các hình thức đã được quy định. Các cá nhân có thể trực tiếp đóng góp ý kiến trên ứng dụng VNeID, Cổng thông tin điện tử Quốc hội, Cổng thông tin điện tử Chính phủ hoặc gửi ý kiến góp ý bằng văn bản đến các cơ quan có trách nhiệm tổng hợp ý kiến nhân dân. |