Không ngừng học hỏi
Ông Vũ Thế Phiệt sinh ngày 20/11/1973, nguyên quán tỉnh Nam Định, vùng đất có truyền thống hiếu học đã tồn tại hơn 760 năm về trước và trở thành một niềm tự hào đối với những người con nơi đây. Phát huy truyền thống của thế hệ ông cha, doanh nhân Vũ Thế Phiệt luôn thể hiện tinh thần không ngừng học hỏi, liên tục cập nhật và trau dồi kiến thức chuyên môn cũng như nâng cao trình độ tiếng Anh, và vinh dự nhận tấm bằng MBA - Thạc sỹ Quản trị kinh doanh chuẩn quốc tế của trường Đại học Nam Columbia (CSU) với thành tích xuất sắc.
![]() |
Ông Vũ Thế Phiệt, Tổng giám đốc ACV |
Với sự nỗ lực, cố gắng của ông Vũ Thế Phiệt, tháng 4/2012, ở ngưỡng tuổi 39, ông được bổ nhiệm từ Trưởng ban Kỹ thuật công nghệ và Môi trường - Tổng công ty Cảng hàng không miền Bắc lên Giám đốc Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài - Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV). Đây là bước tiến lớn, thành công vang dội của ông Vũ Thế Phiệt khi chính thức gia nhập dàn lãnh đạo của ACV, tạo bàn đạp đưa ông ngồi lên vị trí điều hành cao nhất tại ACV từ tháng 8/2018 tới ngày hôm nay.
Ông Vũ Thế Phiệt tiếp quản vai trò Tổng giám đốc ACV từ người tiền nhiệm Lê Mạnh Hùng, và không mất nhiều thời gian để ông có thể bắt nhịp khối lượng công việc to lớn, nắm bắt và tận dụng những cơ hội, lợi thế mà lớp đàn anh đi trước để lại, là cơ sở giúp ACV gặt hái thêm nhiều thành tựu vẻ vang. 2018, năm đầu tiên dưới thời thuyền trưởng Vũ Thế Phiệt, ACV tăng trưởng doanh thu 16,2% so với năm trước lên 16.138 tỷ đồng, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 49,1% lên 6.147 tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử hoạt động.
Các năm kế tiếp, ACV nhiều lần xô đổ chính kỷ lục cũ. Thậm chí, ACV đến nay còn mệnh danh là "đại gia" có "kho tiền" lớn bậc nhất, trên 2.800 tỷ tiền mặt và 26.000 tỷ tiền gửi ngắn hạn, đứng thứ ba trên thị trường chứng khoán Việt Nam, vượt mặt cả những tên tuổi như: Vingroup, Sabeco, Vinamilk, Masan, Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR)... Và, giả sử không tính giai đoạn dịch bệnh "đen tối" 2020 - 2021 cùng những lo ngại về nợ xấu của các hãng bay thời điểm hiện tại, có thể nói ông Vũ Thế Phiệt đã có một thành công trọn vẹn. Ông càng xứng đáng được ca ngợi hơn nữa nếu giải quyết được bài toán chia cổ tức cho cổ đông, sau nhiều khoảng thời gian dài "đứng bánh" từ năm 2019 bất chấp doanh nghiệp đang nắm giữ lượng tiền dồi dào.
Tuy nhiên, ở góc độ khác nếu ông Vũ Thế Phiệt đưa ACV vượt qua khoảng thời gian "u ám" bủa vây bởi Covid-19 và những thách thức hiện hữu, sẽ càng khẳng định thêm tinh thần, bản lĩnh và trí tuệ của vị thủ lĩnh tuổi Quý Sửu xuất thân từ "đất học".
Người vợ tào khang kín tiếng
Để những doanh nhân, lãnh đạo có thể thăng tiến trên thương trường không thể không nhắc đến những người phụ nữ đồng hành cùng họ. Khi công chúng đã quá quen mặt với Tổng giám đốc đương nhiệm ACV, vậy nhưng bà Nguyễn Vĩnh Huyền Vy - người phụ nữ đứng sau thành công của ông Vũ Thế Phiệt lại chưa được nhiều người biết tới. Theo tìm hiểu, bà Huyền Vy sinh tháng 5/1980 tại miền Trung trong một gia đình khá giả và cũng có truyền thống hiếu học lâu đời.
Nữ doanh nhân này đã cùng chồng gây dựng sự nghiệp từ những ngày đầu, bởi tương tự ông Vũ Thế Phiệt, máu kinh doanh của bà Huyền Vy đã chảy trong huyết quản từ sớm. Chẳng hạn, năm 2022, bà cho thành lập thêm Công ty TNHH Kunphen Việt - pháp nhân sở hữu nhà hàng ẩm thực chuyên phục vụ các món chay nằm trên tuyến đường đắc địa ngay trung tâm quận 1, TP. Hồ Chí Minh.
Để quảng bá, lan tỏa thương hiệu nhà hàng tới thực khách, cũng trong ngày khai trương vào tháng 9/2022, bà Huyền Vy đã cho tổ chức buổi thuyết giảng với chủ đề "Vì sao tôi ăn chay" do đích thân Thượng tọa Thích Nhật Từ quang lâm và chia sẻ.
![]() |
Thượng tọa Thích Nhật Từ thuyết giảng với chủ đề: "Vì sao tôi ăn chay" tại nhà hàng của bà Nguyễn Vĩnh Huyền Vy |
Chủ đầu tư những "siêu dự án"
ACV là doanh nghiệp đang quản lý, đầu tư, khai thác 22 cảng hàng không trên cả nước, bao gồm 9 cảng hàng không quốc tế và 13 cảng hàng không nội địa. Vì vậy, hoạt động đầu tư mở rộng các cảng hàng không, đầu tư mua sắm hàng hóa, dịch vụ được ban lãnh đạo tổ chức thường xuyên, diễn ra hết sức sôi động, mạnh mẽ.
Các hợp đồng kinh tế mang giá trị lớn là cơ sở để ACV gây dựng mối quan hệ đối tác thân thiết với những "ông lớn" trên thị trường, bởi chỉ có họ mới đủ uy tín, năng lực và kinh nghiệm để thực hiện những gói thầu mà ACV giao phó.
Hiện, ACV được nhắc đến nhiều hơn với tư cách là chủ đầu tư dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai), một "siêu dự án" nằm cách TP. Hồ Chí Minh khoảng 40 km, kỳ vọng là "cú huých" thúc đẩy đầu tư công, tạo sức bật phát triển cho nền kinh tế Việt Nam. Với công suất lên đến 100 triệu hành khách/năm khi hoàn thành tất cả 3 giai đoạn, đây chắc chắn sẽ là sân bay lớn nhất nước ta trong tương lai.
Hồi tháng 8/2023, ACV đã lựa chọn Liên danh Vietur do Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng IC Ictas (Thổ Nhĩ Kỳ) đứng đầu làm nhà thầu thực hiện gói thầu 5.10: "Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách" của dự án thành phần 3 – Các công trình thiết yếu trong cảng hàng không thuộc dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Đây là gói thầu có quy mô lớn nhất, tính chất kỹ thuật phức tạp nhất và thời gian thi công dài nhất trong các gói thầu của dự án thành phần 3.
![]() |
Cảng hàng không Quốc tế Long Thành là "siêu dự án" nằm cách TP. Hồ Chí Minh khoảng 40 km, kỳ vọng là "cú huých" thúc đẩy đầu tư công, tạo sức bật phát triển cho nền kinh tế Việt Nam. |
Liên danh giành lấy được gói thầu trị giá trên 35.000 tỷ đồng còn có nhiều thành viên là các nhà thầu trong nước, bao gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Ricons, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Newtecons, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng SOL E&C, Tổng công ty Xây dựng Số 1, Công ty Cổ phần Kết cấu Thép ATAD, Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings, Công ty Cổ phần Hawee Cơ điện, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội.
Gói thầu gần 1,5 tỷ USD xây dựng "trái tim" của sân bay Long Thành được dư luận quan tâm hết sức sát sao, cũng bởi không ít những "lùm xùm" xoay quanh câu chuyện chấm thầu này. Trước hết, cuối năm 2022, ACV từng ra quyết định hủy đấu thầu gói thầu 5.10 với lý do hồ sơ dự thầu của nhà thầu không đáp ứng yêu cầu về kinh nghiệm thực hiện hợp đồng.
Khi ấy, liên danh nhà thầu độc chiếm trong cả 3 lần ACV tổ chức mời thầu và gia hạn từ tháng 9 - tháng 11/2022 đều là Vinaconex - Coteccons - Centra - Phục Hưng Holdings - Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh REE - Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình - Hawee. Như vậy, có thể thấy một số nhà thầu may mắn từng góp mặt trong liên danh bị ACV đánh giá không đáp ứng yêu cầu về kinh nghiệm, ít lâu sau lại được chấm thắng thầu, đơn cử là Vinaconex.
Lại nói, liên quan đến chấm thầu tại gói thầu 5.10, đối thủ sừng sỏ của Liên danh Vietur là Liên danh Hoa Lư (dẫn đầu bởi Coteccons) đã có đơn khiếu nại lên nhiều cấp lãnh đạo, quản lý, cơ quan và chủ đầu tư về việc thẩm tra, xác minh lại năng lực các bên tham gia, hoặc mời đơn vị độc lập thứ 3 (tư vấn quốc tế) có đầy đủ năng lực và chuyên môn để đánh giá lại hồ sơ kỹ thuật dự thầu của các bên tham gia, trong đó có Vietur.
Tuy nhiên sau đó, ACV có văn bản trả lời Liên danh nhà thầu Hoa Lư, khẳng định đang đánh giá hồ sơ dự thầu (chấm thầu, xét thầu) đúng quy định. Hy vọng, trong tương lai, gói thầu trên sẽ được thi công đúng tiến độ, đảm bảo các yếu tố về kỹ thuật, chất lượng để chứng minh lựa chọn của ACV là sáng suốt, đúng trách nhiệm.
Mới đây, ngày 15/4, ACV tiếp tục ký ban hành Quyết định lựa chọn nhà thầu Liên danh Vinaconex - Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai thực hiện gói thầu số 12: "Thi công xây dựng, cung cấp và lắp đặt thiết bị công trình mở rộng nhà ga T2" trị giá hơn 4.600 tỷ đồng. Số tiền giảm giá cho gói thầu này chỉ đạt 15 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tiết kiệm 0,3% cho nguồn ngân sách.