Ngày 28/5, Cục Hải quan (Bộ Tài chính) có công văn số 6491/CHQ-GSQL gửi Chi cục Hải quan các khu vực về việc xuất khẩu nông, lâm, thủy sản và sầu riêng.
![]() |
Xuất nhập khẩu hàng hóa tại khu vực cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) |
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 59/CĐ-TTg ngày 8/5/2025 về việc tập trung chỉ đạo bảo đảm sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong bối cảnh biến động thương mại toàn cầu và Công điện số 71/CĐ-TTg ngày 23/5/2025 về một số nhiệm vụ thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu sầu riêng bền vững, Cục Hải quan yêu cầu Chi cục Hải quan các khu vực chỉ đạo các đơn vị trực thuộc:
Thứ nhất, tạo điều kiện và ưu tiên thực hiện thông quan ngay đối với hàng hóa xuất khẩu là nông, lâm, thủy sản, đặc biệt là sầu riêng và các hàng hóa dễ hư hỏng, hàng hóa đến thời điểm thu hoạch chính vụ; giải quyết ngay các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan xuất khẩu hàng hóa.
Thứ hai, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, thường xuyên cập nhật tình hình, cung cấp kịp thời các thông tin về chính sách nhập khẩu, chính sách thuế quan của các nước tới doanh nghiệp xuất khẩu nông lâm thủy sản qua các cửa khẩu trên địa bàn.
Thứ ba, xử lý nghiêm các trường hợp gây phiên hà cho doanh nghiệp.
Trước đó, tại Công điện số 59/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Để chủ động ứng phó với các tác động từ bất ổn thương mại, bảo đảm ổn định sản xuất, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân, yêu cầu Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Môi trường, Công Thương, Tài chính, Ngoại giao, Khoa học và Công nghệ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục theo dõi sát tình hình, diễn biến thương mại toàn cầu, chủ động chỉ đạo, triển khai kịp thời, linh hoạt các giải pháp phù hợp, hiệu quả để chủ động ứng phó với những thách thức do bất ổn thương mại.
Đồng thời, cung cấp thông tin kịp thời để các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản chủ động có các giải pháp chủ động thích ứng linh hoạt, hiệu quả với chính sách nhập khẩu, chính sách thuế quan của các nước nhập khẩu nhằm ổn định sản xuất, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.
Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản theo dõi sát thông tin diễn biến thương mại toàn cầu để điều chỉnh linh hoạt kế hoạch sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết, đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, hệ thống kho lạnh, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, chế biến sâu, bảo quản nông sản, xây dựng thương hiệu.
Bên cạnh đó, thường xuyên nắm bắt chủ trương nhập khẩu nông sản của các nước, tránh để bị động, bất ngờ trước các biến động chính sách của quốc gia nhập khẩu; tăng cường mua dự trữ nông sản, thủy sản, nhất là trong thời điểm thu hoạch rộ để hỗ trợ tiêu thụ cho người dân và phục vụ chế biến sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Những năm qua, sản xuất nông, lâm, thủy sản, nhất là lương thực nước ta luôn ổn định, duy trì được đà tăng trưởng khá, năm sau cao hơn năm trước, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2024 đạt 62,5 tỷ USD (là mức cao kỷ lục). Trong đó, sầu riêng là một trong những mặt hàng nông sản có tốc độ tăng trưởng nhanh và giá trị xuất khẩu cao của Việt Nam, đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước. Theo báo cáo, năm 2024, diện tích sầu riêng đã đạt gần 180.000 ha, sản lượng ước đạt 1,5 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt xấp xỉ 3,2 tỷ USD, chiếm 47% tổng giá trị xuất khẩu rau quả. |