Tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam - Áo tiếp cận thị trường của nhau Tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư Việt Nam - Áo Việt Nam - Áo: ‘Bắt mạch’ dòng chảy thương mại mới thời EVFTA |
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng và ông Florian Frauscher - Tổng Vụ trưởng, Bộ Kinh tế, Năng lượng và Du lịch Áo đã gửi bài phát biểu trực tuyến chào mừng diễn đàn.
Tham dự trực tuyến còn có bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công - Bộ Công Thương. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức quốc tế, tập đoàn, công nghệ hàng đầu của Áo và Việt Nam đã tham dự trực tiếp như Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), Viện Phân tích hệ thống ứng dụng quốc tế (IIASA), Viện Công nghệ Áo (AIT).
Diễn đàn cũng có sự tham gia của các tập đoàn: AVL, EVG, Infineon, Platrform Industrie 4.0, Sillicon Austria Labs (SAL), Spin Tech, Trung tâm Đổi mới sáng tạo (NIC) thuộc Bộ Tài chính Việt Nam, Tập đoàn Viễn Thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn FPT, Sovico, NTQ, Genetica...
Thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Áo về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo
Trong bài phát biểu, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những đột phá của Việt Nam để nâng cao năng suất lao động, tăng trưởng nhanh và bền vững của Việt Nam trong kỷ nguyên mới. Phó Thủ tướng đánh giá cao tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), điện tử, bán dẫn, công nghệ lượng tử, công nghệ sinh học.
![]() |
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng phát biểu trực tuyến tại diễn đàn (Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Áo) |
Phó Thủ tướng đã đề xuất các trọng tâm hợp tác của Việt Nam và Áo để khai thác thế mạnh về công nghệ nguồn, công nghệ lõi của Áo và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia. Đồng thời, đề xuất chính phủ Áo và các tổ chức, doanh nghiệp Áo cung cấp, hỗ trợ học bổng cho sinh viên Việt Nam, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam trong việc xây dựng các mạng lưới chuyên gia, nhà khoa học.
Từ đó cùng nghiên cứu, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), đào tạo nguồn nhân lực, triển khai chương trình nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hợp tác phát triển năng lượng xanh, thử nghiệm chuỗi hydro xanh, công nghệ mới cho nhà máy điện quy mô nhỏ và vừa.
Thay mặt cho Phòng Kinh tế liên bang Áo, ông Michael Otter, Giám đốc điều hành của Tổ chức xúc tiến Thương mại trực thuộc Phòng Kinh tế liên bang Áo phát biểu tại diễn đàn. Ông đánh giá, Việt Nam và Áo chia sẻ mối quan hệ đối tác kinh tế chặt chẽ. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Áo tại Đông Nam Á, với khối lượng thương mại song phương đạt gần 2 tỷ EUR vào năm 2024, theo số liệu thống kê của Áo.
Xuất khẩu của Áo sang Việt Nam đã tăng 25% vào năm ngoái, vì phạm vi các sản phẩm xuất khẩu đang mở rộng do thu nhập ở Việt Nam tăng và Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại theo cả hai hướng. Ngoài ra, các công ty Áo đã đầu tư vào khoảng 20 cơ sở sản xuất tại Việt Nam, tận dụng môi trường kinh doanh thuận lợi tại đây để sản xuất.
![]() |
Quang cảnh diễn đàn (Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Áo) |
Nhiều nhà sản xuất theo hợp đồng tại Việt Nam sử dụng nguồn cung cấp thiết bị điện tử và sản phẩm tiêu dùng. Các tập đoàn nổi tiếng của Áo như AVL và Magna đã hỗ trợ cho việc phát triển công nghệ của công ty ô tô đầu tiên của Việt Nam, VinFast. Trong khi AVL chịu trách nhiệm về việc tái thiết kế, điều chỉnh và thử nghiệm khí thải của động cơ VinFast, Magna đã phát triển một số mẫu xe của mình để đáp ứng hoặc thậm chí vượt quá các tiêu chuẩn toàn cầu.
Đại sứ Áo tại Việt Nam, ông Phillip Agathonos tham dự trực tuyến cũng cho biết, Hiệp định tín dụng ưu đãi Việt Nam và Áo, hết hạn vào 1/8/2023, đã được hai bên hoàn tất và chuẩn bị ký kết, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hai bên đầu tư, hợp tác, kinh doanh.
Về phía Việt Nam, ông Vũ Lê Thái Hoàng - Đại sứ Việt Nam tại Áo đánh giá, đây là thời điểm thuận lợi để hai nền kinh tế năng động Áo và Việt Nam tăng cường hợp tác về công nghệ cao, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 57/NQ-TW về đổi mới sáng tạo của Việt Nam cũng như mở cánh cửa cho các tập đoàn, công ty công nghệ Áo vào thị trường 100 triệu dân của Việt Nam.
Kết nối doanh nghiệp Việt Nam và Áo
Cũng nhân dịp này, Thương vụ Việt Nam tại Áo đã kết nối thành công cho doanh nghiệp Việt Nam với tổ chức nghiên cứu tại Áo.
![]() |
Ký kết hợp tác giữa IIASA và VNPT (Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Áo) |
Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cùng IIASA đã ký một MOU hợp tác. VNPT và IIASA cùng mong muốn kết hợp thế mạnh của mình nhằm thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng thực tiễn của AI, tạo ra môi trường học tập khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới và sử dụng AI một cách có trách nhiệm vì lợi ích của mỗi bên.
Trong thời gian tới, Thương vụ Việt Nam tại Áo sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương và Đại sứ quán Việt Nam tại Áo hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ cao và đổi mới của hai bên tích cực đẩy mạnh hợp tác trong nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ cũng như kết nối với các dự án hợp tác quốc tế.
Cơ chế hợp tác Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Áo về kinh tế và thương mại được thành lập năm tháng 12 năm 2010 đã họp khoá 10 vào năm 2022. Dự kiến khoá họp lần thứ 11 sẽ do Việt Nam tổ chức tại Việt Nam. |