Việt Nam hướng đến tự chủ sản xuất thuốc điều trị bệnh mạn tính

(Banker.vn) Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, mục tiêu của ngành dược trong thời gian tới là chủ động sản xuất thuốc sinh học, đặc biệt là các thuốc điều trị bệnh mạn tính.
Việt Nam sẽ thử nghiệm lâm sàng thuốc điều trị ung thư mới Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu 15.000 lọ thuốc điều trị tay chân miệng Kiểm soát chặt giá thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ

Phát biểu tại hội thảo phát triển ngành Dược sinh học Việt Nam ngày 28/5, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, thời gian qua, ngành công nghiệp dược trong nước đã đạt được nhiều tiến bộ, góp phần quan trọng vào việc đảm bảo cung ứng thuốc phục vụ công tác phòng, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại hội nghị
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Trần Minh

Theo đó, số lượng nhà máy sản xuất thuốc trong nước đã tăng lên 242, trong đó có 21 nhà máy đạt tiêu chuẩn EU-GMP. Các doanh nghiệp dược trong nước hiện sản xuất hơn 800 hoạt chất thuộc đủ 13 nhóm thuốc thiết yếu theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới, khoảng 60% về số lượng và 46% về giá trị sử dụng tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, số lượng thuốc biệt dược gốc được chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn đa quốc gia tăng từ 9 lên gần 30 sản phẩm. Việt Nam cũng đã sản xuất được 14 loại vaccine phục vụ phòng 10 bệnh trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, cùng một số sản phẩm công nghệ sinh học như Interferon, Insulin, Darbepoetin alfa và Etanercept.

Tuy vậy, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng chỉ ra những hạn chế còn tồn tại của ngành dược Việt Nam. Phần lớn thuốc sản xuất trong nước vẫn là thuốc generic. Cả nước hiện có sáu nhà máy sản xuất vaccine, một cơ sở sản xuất thuốc công nghệ sinh học và hai cơ sở đang trong quá trình nghiên cứu triển khai.

Các sản phẩm sinh học chủ yếu vẫn sử dụng công nghệ cổ điển, chưa có nhiều sản phẩm sinh học hiệu quả cao phục vụ điều trị các bệnh chuyên khoa, bệnh hiểm nghèo hoặc các dịch bệnh mới nổi.

Các đại biểu tham dự hội nghị
Các đại biểu tham dự hội nghị - Ảnh: Trần Minh

"Việt Nam hiện chỉ dừng ở mức phối hợp thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối, chưa thể chủ động nghiên cứu, phát triển từ bước đầu tiên. Trong khi đó, nhiều quốc gia đã xây dựng được quy trình sản xuất khép kín, liên tục, giúp giảm đáng kể chi phí nhờ loại bỏ các khâu trung gian không mang lại giá trị", Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.

Ông nhấn mạnh, mục tiêu của ngành trong thời gian tới là chủ động sản xuất các thuốc sinh học, đặc biệt là các thuốc điều trị bệnh mạn tính như ung thư, giúp người dân tiếp cận thuốc nhanh hơn, giá phù hợp hơn và giảm chi phí điều trị.

Để đạt mục tiêu này, theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách và quy định quan trọng. Trong đó, tập trung hoàn thiện hệ thống pháp lý, triển khai các khu công nghiệp chuyên ngành như khu công nghiệp dược sinh học tại Thái Bình và khu công nghệ cao y dược tại TP. Hồ Chí Minh. Đồng thời, Nhà nước cũng ưu tiên đầu tư vào các sản phẩm sinh học, vaccine, biệt dược và các công nghệ cao.

Thứ trưởng cho biết thêm, Cục Quản lý Dược đang tham mưu các chính sách nhằm thu hút đầu tư, đơn giản hóa thủ tục, tăng cường bảo hộ sở hữu trí tuệ và xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ nghiên cứu, sản xuất trong lĩnh vực dược sinh học.

Ông Tạ Mạnh Hùng - Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho rằng, việc chuyển từ sản xuất thuốc generic sang thuốc sinh học sẽ mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp trong nước. "Nếu làm chủ được công nghệ và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành trung tâm sản xuất thuốc sinh học trong khu vực", ông Hùng kỳ vọng.

Nguyên Thảo

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục