Xuất khẩu gạo đạt kỷ lục: Khi hạt giống là chìa khóa

(Banker.vn) Năm 2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt mức kỷ lục 9,18 triệu tấn với kim ngạch 5,75 tỷ USD. Kết quả này có công từ công tác chọn tạo giống.
Xuất khẩu gạo, cơ hội từ thị trường châu Phi Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu: Nghiên cứu chọn tạo giống lạc có hàm lượng dầu cao Bảo hộ bản quyền giống cây trồng: Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng” Nông dân châu Phi mong chờ các giống cây trồng ứng dụng công nghệ sinh học

Thông tin được đưa ra tại Hội thảo khoa học quốc tế chủ đề "Đổi mới công nghệ chọn tạo giống cây trồng trong doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu" được đồng tổ chức bởi Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Tập đoàn PAN và sự tham gia của các đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng ở trong nước và quốc tế diễn ra ngày 9/5 tại Hà Nội.

Công nghệ đóng vai trò quan trọng trong nâng cao năng suất

Theo Hội Giống cây trồng Việt Nam (VSA) trong những năm qua, ngành trồng trọt Việt Nam đã có những thành tựu nổi bật, đặc biệt trong năm 2024 với kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 62,5 tỷ USD, trong đó gạo đạt kỷ lục 9 triệu tấn. Về giống cây trồng, đến năm 2024 có 1.008 giống được công nhận, bao gồm 455 giống lúa và 206 giống ngô, cùng với hàng loạt giống cây ăn quả, cây công nghiệp và giống rau hoa.

Xuất khẩu gạo đạt kỷ lục: Khi hạt giống là chìa khóa
Toàn cảnh Hội thảo khoa học quốc tế chủ đề "Đổi mới công nghệ chọn tạo giống cây trồng trong doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu"

Do vậy, việc đổi mới công nghệ chọn tạo giống cây trồng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực và phát triển các giống cây trồng chất lượng cao, có khả năng chống chịu với điều kiện biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, các thách thức trong công tác chọn tạo giống được kể đến như sự mất cân đối trong nghiên cứu giữa cây lương thực và cây ăn quả, hạn chế trong cải tiến giống lâm nghiệp; hệ thống sản xuất giống còn manh mún, chưa đạt quy mô công nghiệp; tỷ lệ sử dụng giống đạt chuẩn trong sản xuất vẫn thấp, đặc biệt tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Bà Nguyễn Thị Trà My - Tổng giám đốc Tập đoàn PAN - cho rằng, chọn tạo giống cây trồng là nền tảng của nông nghiệp. Trong bối cảnh khí hậu biến đổi nhanh, thị trường đòi hỏi cao hơn, người tiêu dùng ngày càng khắt khe, thì giống, công nghệ giống chính là điểm khởi đầu của mọi chuỗi giá trị. Tập đoàn PAN luôn xác định đây là trọng tâm chiến lược. Và để làm tốt việc này, không thể thiếu sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và các nhà khoa học.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Trà My, chúng ta không thiếu khát vọng. Nhưng nếu chỉ khát vọng mà thiếu công nghệ, thiếu đổi mới sáng tạo, thiếu nguồn gen, thiếu sự liên kết giữa nghiên cứu và ứng dụng thì mọi nỗ lực đều không đi xa. Vì vậy, doanh nghiệp rất quan tâm đến các hướng tiếp cận mới như chọn giống nhanh, chỉnh sửa gen, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ sinh học không chỉ ở mức độ chiến lược, mà bằng đầu tư cụ thể và hành động thực tế.

“Việc kết nối và chia sẻ tri thức giữa các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp trong các lĩnh vực như quản lý, khai thác nguồn gen, phát triển công nghệ chọn tạo giống mới trong nghiên cứu và chọn tạo giống cây trồng. Từ đó, giải quyết những thách thức đang gặp phải trong lĩnh vực chọn tạo giống”, bà Nguyễn Thị Trà My nói.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Trà My, cuối năm 2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 57 về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, và mới tuần trước đã vừa ban hành Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân. Đây là những luồng gió mới và là bước ngoặt lớn cho các doanh nghiệp tư nhân.

"Ngay sáng ngày mai (10/5), PAN sẽ tham dự hội nghị triển khai Nghị quyết và ký kết thỏa thuận hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Việc Tập đoàn PAN phối hợp với cơ sở đào tạo và nghiên cứu đầu ngành là Học viện Nông nghiệp Việt Nam đồng tổ chức hội thảo ngày hôm nay chính là thể hiện cam kết đưa Nghị quyết 57 vào cuộc sống không chỉ trên giấy tờ mà bằng những kết nối thực chất", bà Nguyễn Thị Trà My nói.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Đình Trung - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam - cho hay, doanh nghiệp ngày càng có vai trò quan trọng trong hoạt động nghiên cứu, phát triển và đổi mới công nghệ chọn tạo giống cây trồng tại Việt Nam. Dữ liệu thống kê năm 2024 cho thấy, hơn 60% số giống được công nhận do các doanh nghiệp trong nước nghiên cứu và đề xuất, khẳng định vị trí then chốt của khu vực tư nhân trong lĩnh vực này.

Để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ giống cây trồng, ông Nguyễn Đình Trung đề xuất các nhóm giải pháp bao gồm: ưu đãi tài chính, cải cách pháp lý, phát triển hạ tầng nghiên cứu, hỗ trợ đào tạo nhân lực, thúc đẩy hợp tác công – tư (PPP) và đẩy mạnh hợp tác quốc tế để chuyển giao công nghệ và nguồn gen tiên tiến. Những chính sách này không chỉ giúp rút ngắn thời gian nghiên cứu giống mới mà còn góp phần tăng năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét.

Xuất khẩu gạo đạt kỷ lục có công từ chọn tạo giống

TS. Cao Đức Phát – Chủ tịch HĐQT Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI) – Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – nhận định, nông nghiệp và ngành giống cây trồng nước ta đang đứng trước 2 thách thức lớn. Thứ nhất, nâng cao nhanh hơn thu nhập và cải thiện đời sống của nông dân để duy trì sự hấp dẫn của nông nghiệp, duy trì sự quan tâm, sự gắn bó của nông dân với đồng ruộng, với nông nghiệp trong điều kiện công nghiệp hóa và đô thị hóa đang tạo ra ngày càng nhiều cơ hội hấp dẫn mới. Thứ hai, làm cho nông nghiệp phát triển bền vững hơn, thích ứng với biến đổi khí hậu, xanh hơn và ít phát thải khí nhà kính.

Giải pháp chính để cùng lúc vượt qua hai thách thức này nằm trong hai lĩnh vực gồm: Tiếp tục đổi mới chính sách theo định hướng thị trường; Đẩy mạnh áp dụng các công nghệ mới để nâng cao nhanh hơn trình độ khoa học công nghệ của ngành. Trong đó, trước hết cần có những đổi mới trong lĩnh vực giống cây trồng.

Tập đoàn PAN cùng Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã ký kết biên bản ghi nhớ nhằm gia hạn hoạt động hợp tác giữa Học viện và Tập đoàn PAN từ năm 2023
Tập đoàn PAN cùng Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã ký kết biên bản ghi nhớ nhằm gia hạn hoạt động hợp tác giữa Học viện và Tập đoàn PAN từ năm 2023

Thế giới cũng như Việt Nam đạt được thành tựu rất đặc biệt trong đổi mới công nghệ chọn tạo giống cây trồng. Dẫn chứng về việc này, GS.TS. Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam – cho hay, như tại Việt Nam, chúng ta có những giống lúa từ 100 - 120 ngày thay cho giống lúa 180 - 200 ngày; từ giống lúa cao 180 cm xuống còn 100 cm; giống lúa từ 3 - 4 bông lên 9 - 10 bông; từ giống lúa chỉ có năng suất 3 - 4 tấn trở thành giống lúa 9 - 10 tấn. Việc chuyển từ giống lúa năng suất sang giống lúa vừa năng suất cao, vừa ngon, vừa chống chịu sâu bệnh, đó là thành tựu chọn tạo giống.

Năm 2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt mức kỷ lục 9,18 triệu tấn với kim ngạch 5,75 tỷ USD, tăng 12,9% về lượng và tăng 23% về giá trị so với năm 2023. Kết quả này có công từ công tác chọn tạo giống.

Về phía Học viện Nông nghiệp Việt Nam, mong muốn hợp tác với doanh nghiệp, tổ chức quốc tế để đáp ứng nhu cầu về chọn tạo giống cây trồng của Việt Nam và trên thế giới. Hội thảo quy tụ hàng trăm nhà khoa học, chuyên gia từ các viện, trung tâm nghiên cứu trong và ngoài nước, các doanh nghiệp, trường đại học đầu ngành… kỳ vọng sẽ giải quyết những thách thức đang gặp phải trong lĩnh vực chọn tạo giống và thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan nghiên cứu và doanh nghiệp”, GS.TS. Phạm Văn Cường.

Trong khuôn khổ sự kiện, Tập đoàn PAN cùng Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã ký kết biên bản ghi nhớ nhằm gia hạn hoạt động hợp tác giữa hai bên từ năm 2023 với các nội dung: Hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; Tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; Hợp tác phát triển quan hệ quốc tế và kết nối đối tác; Tài trợ học bổng cho sinh viên.

Ngoài ra, Tập đoàn Vinaseed, thành viên của Tập đoàn PAN cũng ký kết biên bản ghi nhớ với Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long về hợp tác trong nghiên cứu phát triển, trình diễn và khảo nghiệm giống; Nghiên cứu phát triển sản phẩm và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục