Bàn giải pháp phát triển bền vững cho ngành sầu riêng

(Banker.vn) Những hệ lụy từ phát triển nóng của ngành sầu riêng đặt ra bài toán sớm tái cơ cấu để đảm bảo ngành hàng giữ vững được thị phần trong các thị trường trọng điểm.
Loạt giải pháp giữ vị thế ngành sầu riêng Việt Nam Xuất khẩu sầu riêng: Tăng tốc để giữ thị trường Gần 1.000 mã số cấp mới, sầu riêng rộng cửa xuất khẩu Tránh ‘vỡ trận’ sầu riêng

Diện tích trồng sầu riêng đã tăng gần 6 lần

Phát biểu khai mạc Hội nghị phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững do Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức chiều 24/5, ông Đỗ Đức Duy - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường đánh giá, sầu riêng là một trong những mặt hàng nông sản tăng trưởng ấn tượng nhất trong thập kỷ qua. Diện tích trồng sầu riêng đã tăng gần 6 lần, lên gần 180.000ha, trong đó riêng tỉnh Đắk Lắk chiếm hơn 30.000ha, đưa loại quả này trở thành trái cây chủ lực trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp.

Chiều 24/5, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững.
Chiều 24/5, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững

Bước ngoặt lớn diễn ra vào tháng 7/2022, khi Việt Nam ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc. Chỉ sau 2 năm, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đã vượt 3 tỷ USD, đưa sầu riêng trở thành một trong những sản phẩm chiến lược trong cơ cấu xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu, Bộ trưởng cảnh báo về những hệ lụy từ phát triển nóng, đặc biệt là các dấu hiệu bất ổn trong 4 tháng đầu năm 2025. Những mâu thuẫn đang ngày càng bộc lộ rõ rệt giữa tốc độ mở rộng sản xuất và khả năng tổ chức chuỗi cung ứng; giữa yêu cầu kiểm soát chất lượng của thị trường nhập khẩu và năng lực đáp ứng còn hạn chế trong nước.

“Nếu không sớm tái cơ cấu, ngành hàng sầu riêng có nguy cơ đánh mất niềm tin từ khách hàng và làm tổn hại đến uy tín nông sản Việt Nam”, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh.

Đắk Lắk có diện tích sầu riêng đạt 38.800ha, chiếm 21,7% diện tích sầu riêng của cả nước. Tốc độ tăng sản lượng sầu riêng khoảng 126 nghìn tấn/năm. Sản lượng sầu riêng năm 2024 đạt trên 1,5 triệu tấn.

Ông Nguyễn Thiên Văn - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk - cho biết, hiện tại còn nhiều thách thức và hạn chế của ngành sầu riêng. Cụ thể, tỷ lệ vùng trồng và cơ sở đóng gói được cấp mã số xuất khẩu còn thấp; ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất còn hạn chế, chất lượng chưa đồng đều; liên kết chuỗi giá trị còn lỏng lẻo, cơ sở hạ tầng sản xuất chưa đồng bộ; sản phẩm chủ yếu là chế biến thô, chưa nâng cao giá trị gia tăng; một số vi phạm về an toàn thực phẩm và gian lận trong sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã ảnh hưởng đến thương hiệu sản phẩm.

Trên cơ sở đó, ông Nguyễn Thiên Văn đề nghị hoàn thiện cơ sở pháp lý, quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục cho các loại trái cây, đặc biệt là sầu riêng, để đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu. Đồng thời, thành lập các trung tâm kiểm nghiệm an toàn thực phẩm, trung tâm kiểm dịch thực vật và cơ sở chiếu xạ tại tỉnh Đắk Lắk để giám sát, kiểm soát dư lượng các hoạt chất. Xây dựng đề án phát triển sầu riêng chất lượng cao gắn với việc xây dựng thương hiệu quốc gia, trong đó, lấy tỉnh Đắk Lắk làm điểm.

Trong khi đó, ông Dương Mah Tiệp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai - kiến nghị, sớm ban hành quy định về chế tài xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói; ban hành quy định về hệ thống cơ quan chuyên ngành cấp tỉnh, cấp xã thực hiện nhiệm vụ thiết lập, xây dựng và quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói. Đồng thời, sớm ban hành tiêu chuẩn chất lượng trái cây Việt Nam nhằm đảm bảo chất lượng và tiêu chuẩn xuất khẩu; sớm ban hành quy trình về thiết lập, xây dựng và quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói.

Chi phí xét nghiệm, kiểm nghiệm kéo giảm sức cạnh tranh của trái sầu

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Vũ Phi Hổ - đại diện Công ty Cổ phần Sầu riêng Tây Nguyên (Sarita) - cho hay, hành trình xuất khẩu sầu riêng không hề dễ dàng. Nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc kiểm nghiệm lô hàng xuất khẩu.

Chỉ khi đảm bảo chất lượng đồng đều, minh bạch và có đạo đức kinh doanh, trái sầu riêng Việt Nam mới có thể giữ vững vị thế trên thị trường trong và ngoài nước. Ảnh minh họa.
Chỉ khi đảm bảo chất lượng đồng đều, minh bạch và có đạo đức kinh doanh, trái sầu riêng Việt Nam mới có thể giữ vững vị thế trên thị trường trong và ngoài nước. Ảnh minh họa

"Năm 2024, chi phí kiểm nghiệm là 400.000 đồng/mẫu, nhưng khi mở rộng xuất khẩu với sản lượng lên tới container thì chi phí kiểm nghiệm cộng dồn lên tới 40 triệu đồng/container. Với kế hoạch xuất khẩu khoảng 200 container/năm, chi phí kiểm nghiệm có thể lên tới hàng chục tỷ đồng, đây là gánh nặng lớn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ", ông Vũ Phi Hổ thông tin.

Bên cạnh đó, tình trạng nhiều cơ sở đóng gói không được Bộ Nông nghiệp và Môi trường cấp phép vẫn ngang nhiên hoạt động. Điều này dẫn tới sự nhập nhằng thật - giả, ảnh hưởng tới tính minh bạch và công bằng trong hoạt động xuất khẩu.

Từ thực tế đó, ông Vũ Phi Hổ kiến nghị các cơ quan quản lý cần cập nhật thông tin, hướng dẫn đầy đủ để đảm bảo vùng nguyên liệu đáp ứng yêu cầu xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Đồng thời, cần có biện pháp kiểm soát các cơ sở đóng gói, tránh để xảy ra tình trạng hàng không đủ điều kiện vẫn được xuất khẩu, làm ảnh hưởng đến uy tín của cả ngành.

Một vấn đề nữa được ông Vũ Phi Hổ chia sẻ đó là ngành sầu riêng đang được nhìn nhận chủ yếu ở góc độ xuất khẩu, nhưng bản chất phải đặt trách nhiệm với người tiêu dùng lên hàng đầu. “Nếu hàng bị trả từ biên giới rồi lại bán cho dân mình thì không thể gọi là tôn trọng người tiêu dùng. Chỉ khi đảm bảo chất lượng đồng đều, minh bạch và có đạo đức kinh doanh, trái sầu riêng Việt Nam mới có thể giữ vững vị thế trên thị trường trong và ngoài nước”, ông Vũ Phi Hổ nói.

Để khắc phục những hạn chế trên, ông Huỳnh Tấn Đạt - Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) - cho biết, một số giải pháp đã và đang được Việt Nam triển khai như xây dựng mô hình kiểm soát cadimi trong canh tác, tăng cường quản lý sử dụng vật tư nông nghiệp, rà soát và hoàn thiện quy định về quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, phòng thử nghiệm; xử lý cảnh báo vi phạm và khôi phục mã số; làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để tháo gỡ vướng mắc trong xuất khẩu; đồng thời phối hợp với địa phương, doanh nghiệp để giám sát và nâng cao tuân thủ quy định kỹ thuật.

Trong đó, về giải pháp trước mắt, ông Huỳnh Tấn Đạt cho rằng, cần hoàn thiện cơ sở pháp lý, kỹ thuật và quy trình kiểm soát toàn chuỗi sản xuất - xuất khẩu; nâng cao năng lực kiểm soát an toàn thực phẩm, tăng cường phòng thử nghiệm đạt chuẩn quốc tế, tổ chức đoàn công tác sang Trung Quốc để đàm phán kỹ thuật, mở rộng thị trường và thúc đẩy xúc tiến thương mại.

Về lâu dài, cần cơ cấu lại ngành hàng theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm đông lạnh và chế biến sâu; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, xây dựng thương hiệu quốc gia; nâng cấp hệ thống logistics, tổ chức lại chuỗi liên kết và nâng cao năng lực thực thi của doanh nghiệp và địa phương.

Việc tổ chức thực hiện cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành và chính quyền địa phương. Bộ Nông nghiệp và Môi trường giữ vai trò chủ trì, chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tập trung vào hoàn thiện cơ sở pháp lý, đẩy mạnh nghiên cứu - chuyển giao công nghệ, tổ chức đàm phán với Trung Quốc để phê duyệt mới và khôi phục mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, đồng thời mở rộng đàm phán với các thị trường khác.

UBND các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm toàn diện về quy hoạch vùng trồng phù hợp, kiểm soát diện tích, hướng đến phát triển tập trung, quy mô lớn, thuận lợi cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ cao; đồng thời giám sát việc cấp, quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, thúc đẩy hình thành chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ, hỗ trợ xây dựng kho lạnh, đầu tư chế biến sâu và đảm bảo truy xuất nguồn gốc.

Tại hội nghị, các địa phương, chuyên gia, doanh nghiệp đã tham gia góp ý kiến dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói. Dự thảo Thông tư được kỳ vọng là công cụ quan trọng giúp minh bạch hóa chuỗi cung ứng và tạo nền tảng cho xuất khẩu chính ngạch.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục