Cần Thơ sau sáp nhập: Động lực phát triển mới từ kinh tế biển Sầu riêng mất giá, nhà vườn miền Tây ngóng giải pháp Cần Thơ hướng dẫn bố trí nhân sự sau sáp nhập xã, phường |
Xây dựng thương hiệu - đòn bẩy cho sản phẩm OCOP
Theo thống kê, TP. Cần Thơ hiện có 198 sản phẩm OCOP đạt từ 3 đến 4 sao, nhiều sản phẩm tiềm năng vươn lên 5 sao cấp quốc gia. Nhằm gia tăng giá trị và sức cạnh tranh cho các sản phẩm đặc trưng địa phương, thành phố đang tập trung xây dựng và phát triển thương hiệu OCOP, xem đây là hướng đi chiến lược và bền vững.
![]() |
Tính đến nay, Cần Thơ đã có 198 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 đến 4 sao. Ảnh: Thanh Liêm |
Việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Đối với nhà sản xuất, thương hiệu giúp bảo vệ sản phẩm khỏi cạnh tranh không lành mạnh, tăng giá trị và doanh thu. Người tiêu dùng thì an tâm hơn khi mua sản phẩm rõ nguồn gốc, chất lượng đảm bảo. Đặc biệt, các sản phẩm OCOP khi được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận hay nhãn hiệu tập thể sẽ tạo dựng được niềm tin và khẳng định uy tín trên thị trường.
Hầu hết các sản phẩm OCOP của thành phố hiện đã được đưa lên các trang thương mại điện tử, góp phần nâng cao thu nhập cho các doanh nghiệp, cá nhân. Những sản phẩm đạt chuẩn 3 sao hiện nay không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn có khả năng vươn ra thị trường quốc tế, thương hiệu được nâng tầm và giá trị gia tăng rõ rệt.
Không chỉ dừng lại ở việc được chứng nhận, chương trình OCOP còn từng bước khẳng định thương hiệu cho nông sản địa phương, qua đó giúp nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao giá trị sản phẩm. Đồng thời, chương trình cũng tạo điều kiện để người tiêu dùng được tiếp cận với những sản phẩm an toàn, chất lượng hơn trong cuộc sống hàng ngày.
![]() |
Bà Đoàn Hồng Thắm, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hygie&Panacee giới thiệu sản phẩm trà hòa tan Hygie & Panacee |
Nhờ vậy, nhiều sản phẩm OCOP tại Cần Thơ đã có thương hiệu uy tín như: sầu riêng Tân Thới, nấm đông trùng hạ thảo Giọt Phù Sa, mắm cá tra Út Anh, na Trường Thắng, nhãn IDO Định Môn… Các chủ thể sản xuất cũng ngày càng chú trọng thương hiệu.
Bà Đoàn Hồng Thắm, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hygie&Panacee, cho biết: “Các sản phẩm trà hòa tan của công ty đã được chứng nhận OCOP và sử dụng logo, hình ảnh đã được đăng ký. Công ty đã nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý thông qua hoạt động kết nối tại các sự kiện, hỗ trợ chi phí đăng ký bảo hộ. Sắp tới, công ty dự kiến đăng ký sở hữu trí tuệ tại nhiều quốc gia và mong muốn tiếp tục nhận được hướng dẫn, hỗ trợ trong vấn đề bảo hộ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ”.
Đẩy mạnh kết nối tiêu thụ tại các điểm du lịch
Trong những năm gần đây, ngành Công Thương TP. Cần Thơ đã chủ động tìm kiếm, kết nối các mô hình tiêu thụ sản phẩm OCOP, trong đó việc đưa sản phẩm OCOP vào quảng bá tại các điểm du lịch là hướng đi mới, thiết thực và hiệu quả. Dịp lễ 30/4 vừa qua, nhờ sự kết nối của Sở Công Thương Cần Thơ, doanh nghiệp tư nhân sản xuất thương mại Quang Đăng đã hợp tác cùng Cần Thơ Eco Resort, giới thiệu hơn 300 sản phẩm thực phẩm và thủ công mỹ nghệ đặc sắc đến du khách trong và ngoài nước.
![]() |
Các sản phẩm OCOP được bày bán tại Cần Thơ Eco Resort. Ảnh: Truyền hình Cần Thơ |
Tại đây, cơ sở Thuận Hòa (quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ) nhanh chóng nắm bắt cơ hội tiếp cận khách du lịch trực tiếp. Đây là cơ hội tuyệt vời để quảng bá hình ảnh sản phẩm OCOP Cần Thơ nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung đến đông đảo bạn bè quốc tế.
“Điểm nhấn đặc biệt của mô hình này là dịch vụ hậu cần trọn gói (logistics) kết hợp với hệ thống vận chuyển chuyên nghiệp. Du khách khi mua sắm không cần phải tự tay mang vác sản phẩm về mà sản phẩm sẽ được vận chuyển tận nơi đến các tỉnh thành trong cả nước với chi phí rõ ràng, chất lượng đảm bảo và thời gian nhanh chóng. Tất cả sản phẩm đều được đóng gói chuẩn hóa theo từng nhóm hàng hóa, đảm bảo giữ nguyên chất lượng khi đến tay người tiêu dùng”, ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương TP. Cần Thơ cho biết.
Tại Cần Thơ Eco Resort, các sản phẩm OCOP được trưng bày tại hai khu vực rộng rãi, thoáng mát. Khu vực đầu tiên trưng bày hơn 200 sản phẩm OCOP tiêu biểu của Đồng bằng sông Cửu Long như: trà mãng cầu Long Giang, sữa gạo tím Đăng Hạ, cua muối, mắm Bà Đầm, khô cá lóc đồng Cô Mười… Khu vực còn lại là hơn 100 sản phẩm đặc sản khác của vùng đất Chín Rồng. Các đơn vị cam kết rõ về nguồn gốc, an toàn thực phẩm, giá cả niêm yết, không phát sinh phụ phí, kể cả dịch vụ vận chuyển quốc tế.
Đáng chú ý, các đơn vị kinh doanh sản phẩm OCOP ở mô hình này không kiếm lợi bằng cách nâng giá sản phẩm rồi chiết khấu lại mà cùng nhau xây dựng uy tín vùng miền dựa trên chất lượng thực và giá trị thực. Đây là yếu tố giúp du khách yên tâm và tin tưởng khi đến tham quan, mua sắm tại các khu du lịch vùng sông nước.
Về phía ngành du lịch, các đơn vị lữ hành cũng sẽ tích cực hỗ trợ đưa khách đến các điểm trưng bày, tạo sự kết nối hiệu quả giữa hoạt động du lịch và tiêu dùng đặc sản địa phương. Đặc biệt, các đơn vị OCOP còn được miễn phí trưng bày trong 6 tháng đầu tiên, tạo điều kiện tối đa để tiếp cận thị trường, tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm trong thời gian đầu.
Phấn đấu thêm 30 sản phẩm OCOP trong năm 2025
Đáng chú ý, để duy trì và mở rộng chương trình OCOP, UBND TP. Cần Thơ đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” trên địa bàn thành phố năm 2025. Đây được xem là bước đi chiến lược nhằm tiếp tục khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn; đồng thời góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và du lịch nông thôn theo hướng bền vững.
Theo đó, trong năm 2025, thành phố tập trung rà soát 199 sản phẩm OCOP hiện có, đồng thời phát triển và củng cố các tổ chức kinh tế tham gia chương trình. Thành phố cũng đặt mục tiêu phát triển thêm 20 sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 10 sản phẩm đạt 4 sao và phấn đấu có ít nhất 2 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 5 sao cấp quốc gia.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ triển khai phổ biến nội dung chương trình OCOP đến 100% cán bộ quản lý nhà nước các cấp, các tổ chức và cá nhân tham gia chương trình. Song song đó là công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn về quản lý sản xuất, quản trị kinh doanh cho 100% cán bộ quản lý nhà nước cấp thành phố, quận/huyện, cùng lãnh đạo doanh nghiệp, hợp tác xã và chủ hộ sản xuất có đăng ký tham gia chương trình.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, kế hoạch xác định nhiều nhóm giải pháp đồng bộ như: tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp; kiện toàn tổ chức bộ máy thực hiện chương trình; đào tạo nguồn nhân lực; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và chế biến sản phẩm; phát huy vai trò của cộng đồng trong phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch địa phương.
Chương trình OCOP tại TP. Cần Thơ đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng không chỉ trong việc phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân mà còn góp phần quảng bá hình ảnh địa phương, thu hút du khách trong và ngoài nước. Việc gắn kết chặt chẽ giữa phát triển sản phẩm OCOP với khai thác tiềm năng du lịch đang mở ra hướng đi mới, hiệu quả và bền vững cho thành phố. |