Chuyển đổi số ngành ngân hàng đang diễn ra mạnh mẽ
Tại Hội nghị Business Agility Summit 2025 – hội nghị Agile (phát triển phần mềm linh hoạt) quốc tế đầu tiên và lớn nhất dành riêng cho các tổ chức Agile tại Việt Nam được tổ chức ngày 28/5 với chủ đề “Agile in the age of AI”, bà Vani Vangala, Giám đốc Kinh doanh sản phẩm toàn cầu tại Infosys cho biết, năm 2025 sẽ đánh dấu sự trỗi dậy mạnh mẽ của những xu hướng mới trong ngành tài chính, ngân hàng. Mô hình kinh doanh ngân hàng đang thay đổi sâu sắc. Khi thế giới bước vào kỷ nguyên số, một startup nhỏ có thể cạnh tranh ngang hàng với ngân hàng lớn nhờ công nghệ. Ngân hàng số toàn phần (digital-only banking) đang phát triển mạnh, mở ra một sân chơi mới, nơi tốc độ và khả năng thích ứng là yếu tố quyết định.
![]() |
Hội nghị Business Agility Summit 2025 bàn về chuyển đổi số ngành ngân hàng (Ảnh: Hoàng Thu) |
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương bên lề hội nghị, TS. Phan Thanh Đức - Trưởng Khoa Công nghệ thông tin và Kinh tế số, Học viện Ngân hàng cho rằng, ngành tài chính - ngân hàng đang trải qua một sự chuyển đổi sâu sắc chưa từng có. Trước đây, dịch vụ tài chính chủ yếu xoay quanh ba nghiệp vụ truyền thống: huy động vốn, cho vay và thanh toán. Công nghệ khi đó đóng vai trò hỗ trợ, đi sau hoạt động kinh doanh. Nhưng khi thị trường yêu cầu sự đa dạng hóa sản phẩm, công nghệ bắt đầu được áp dụng để thay đổi phương thức vận hành, dù bản chất sản phẩm tài chính vẫn chưa nhiều thay đổi.
Tuy nhiên, hiện nay, công nghệ đang tiến quá nhanh và các ngân hàng thường không bắt kịp tốc độ này. Một số tổ chức có thể chạy theo công nghệ mới nhất như một xu hướng, nhưng thực tế, điều quan trọng là phải trả lời được câu hỏi: công nghệ đó giải quyết vấn đề gì trong hoạt động kinh doanh cụ thể. Hiện có khoảng 60% đơn vị không có hạ tầng công nghệ phù hợp để phục vụ chuyển đổi số, điều này khiến họ gặp nhiều khó khăn khi áp dụng các công nghệ mới một cách hiệu quả.
“Ở một góc nhìn thực tiễn, không có một công thức duy nhất để triển khai công nghệ mới hay chuyển đổi số. Trong bối cảnh hiện nay, cuộc đua không còn là "cá lớn nuốt cá bé", mà là "cá nhanh nuốt cá chậm". Mỗi tổ chức có thể bắt đầu từ những đội nhóm sản phẩm, hoặc thử nghiệm những cấu trúc linh hoạt tạm thời để tạo ra giá trị ban đầu” - ông Đức nói.
Tuy nhiên, thiết lập ngay một bộ phận agile chính quy không phải là cách tiếp cận phù hợp với mọi doanh nghiệp, nhất là ở Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn vì áp dụng mô hình máy móc. Thực tế, dù có đến 66% lãnh đạo cho rằng agile là quan trọng thì số tổ chức triển khai đúng cách chỉ là một tỷ lệ rất nhỏ.
Agile và AI: Hành trình từ “biết làm” đến “lãnh đạo linh hoạt”
Ông Phạm Anh Đới - Chủ tịch Học viện Agile cho biết, sau hơn 15 năm hiện diện tại Việt Nam, agile hiện đã đạt được độ phổ biến và ứng dụng khá cao ở các tổ chức công nghệ và ngân hàng. Tuy nhiên, mức độ trưởng thành của agile mới dừng lại ở cấp độ nhóm nhỏ, dự án đơn lẻ, chưa thực sự lan tỏa ở tầm kinh doanh chiến lược.
“Phần lớn các tổ chức đang làm agile ở mức ‘bắt buộc phải làm’, chứ chưa thực sự sống cùng nó. Điều chúng tôi quan tâm hiện nay là làm sao để agile trở thành triết lý lãnh đạo, để người lãnh đạo, chứ không chỉ nhóm kỹ thuật, thấm nhuần và vận hành theo tinh thần linh hoạt” - ông Phạm Anh Đới chia sẻ.
Khi được hỏi về mối liên hệ giữa Agile và AI, ông Đới ví von: “AI không còn là xu hướng. Đó là một cơn bão. Nó kéo tất cả chúng ta đi theo, từ doanh nghiệp tới từng cá nhân.”
Agile vốn là công cụ giúp doanh nghiệp rút ngắn chu kỳ phát triển sản phẩm từ 6 tháng xuống 1-2 tháng nay đang bị chính AI "ép tiến độ" hơn nữa.
“Ngày nay, AI có thể đồng hành cùng nhân viên ngay trong lúc nói chuyện với khách hàng. AI đưa ra gợi ý sản phẩm, thậm chí hoàn thiện giải pháp trong vòng chưa tới một tuần” - ông Phạm Anh Đới nói.
Không chỉ là tự động hóa, AI giờ đây là “đồng nghiệp số”. Mỗi nhân viên có thể có tới 3 - 5 nhân viên AI làm việc cùng. Trong môi trường Agile, điều này tạo ra yêu cầu mới về cách phối hợp nhóm, tương tác giữa người và máy, cũng như cách tổ chức vận hành linh hoạt hơn bao giờ hết.
Ông Dương Quốc Tú - Giám đốc Chuyển đổi, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) chia sẻ, người dùng trẻ, quen thuộc với thiết bị số và có yêu cầu cao về trải nghiệm cá nhân hóa đang tạo ra áp lực lớn cho các ngân hàng trong việc đổi mới mô hình vận hành. Chỉ những ngân hàng có khả năng tổ chức đội ngũ linh hoạt, xây dựng quy trình thích ứng nhanh, đặt khách hàng làm trung tâm mới có thể tồn tại và phát triển trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt giữa ngân hàng truyền thống, ngân hàng số và công ty công nghệ tài chính.
Theo các chuyên gia, AI dù mạnh đến đâu cũng chỉ là công cụ. Khả năng tạo ra giá trị thực sự phụ thuộc vào mức độ linh hoạt của tổ chức trong việc tích hợp và tận dụng AI. Một tổ chức muốn tận dụng tối đa tiềm năng của AI cần phải có tư duy mở, sẵn sàng thay đổi văn hóa làm việc, tổ chức lại quy trình và đặt khách hàng làm trung tâm. AI giúp hiện thực hóa sự linh hoạt, nhưng chính agile mới là phương pháp để đảm bảo AI phát huy hiệu quả tối đa trong môi trường kinh doanh thay đổi liên tục như hiện nay. |