Hàn Quốc vững vị thế đối tác đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam

(Banker.vn) Hàn Quốc đang là đối tác đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, đặc biệt, đang xuất hiện một làn sóng đầu tư mới của Hàn Quốc vào Việt Nam.
Việt Nam là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 3 tại thị trường Lào Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất trong quý I/2019 tại Việt Nam Việt Nam là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của khu vực châu Á tại Cuba

Hiện Hàn Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất trong tổng số 146 quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, đang có một làn sóng đầu tư mới của doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam. Để làm rõ hơn nhận định này, phóng viên Báo Công Thương đã trao đổi với bà Đinh Thị Tâm Hiền - Nguyên tham tán Kinh tế Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, hiện là Ủy viên BCH Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA).

Hàn Quốc vững vị thế đối tác đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam
Bà Đinh Thị Tâm Hiền - Nguyên tham tán Kinh tế Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, hiện là Ủy viên BCH VIPFA

Bà nhận định ra sao về dòng vốn FDI của Hàn Quốc vào Việt Nam thời gian qua?

Số liệu thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, tính đến tháng 4/2024, có 146 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam, trong đó đứng đầu là Hàn Quốc với 86,99 tỷ USD, chiếm 18,2% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam.

Có thể nói, đầu tư của Hàn Quốc thời gian qua đã có đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, thể hiện rõ qua 5 yếu tố, bao gồm:

Thứ nhất, đầu tư từ Hàn Quốc đã góp phần đẩy mạnh tiến trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Việt Nam. Đầu tư của Hàn Quốc tập trung ở các lĩnh vực mà Việt Nam đang định hướng thu hút đầu tư để chuyển dịch cơ cấu. Trong đó đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 73% tổng vốn đầu tư của Hàn Quốc tại Việt Nam. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản chiếm 12,6%. Tiếp theo, các lĩnh vực xây dựng; năng lượng; dịch vụ lưu trú ăn uống, đầu tư vào mỗi lĩnh vực này bằng khoảng 3% tổng đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam.

FDI của Hàn Quốc đã góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tạo ra sự chuyển dịch tích cực trong các ngành kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ; thúc đẩy xuất khẩu; và hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước.

Thứ hai, đầu tư của Hàn Quốc đã có đóng góp quan trọng đối với xuất khẩu. Theo số liệu của Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc (Korea International Trade Association – KITA), kim ngạch thương mại giữa Hàn Quốc và Việt Nam năm 2023 đạt 79,43 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang Việt Nam giảm 12,3% so với năm 2022 xuống còn 53,49 tỷ USD; nhập khẩu từ Việt Nam cũng giảm 2,9% xuống 25,94 tỷ USD. Bên cạnh đóng góp vào tổng kim ngạch xuất khẩu, xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI của Hàn Quốc tại Việt Nam còn có ý nghĩa quan trọng trong nỗ lực của Việt Nam nhằm chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu từ nguyên liệu thô, sang hàng hóa chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao.

Thứ ba, đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước của Việt Nam. Theo Bộ Tài chính, trong 5 năm vừa qua, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi những khó khăn của dịch Covid-19 và những bất lợi của nền kinh tế thế giới nhưng đóng góp vào số thu ngân sách nhà nước từ các doanh nghiệp FDI Hàn Quốc luôn tăng qua các năm và tổng thu nội địa từ các doanh nghiệp Hàn Quốc đạt gần 175.000 tỷ đồng, tương đương 7 tỷ USD.

Thứ tư, tạo nhiều công ăn việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam. Thông tin về tình hình lao động việc làm trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, số lượng lao động làm việc trong khu vực FDI ngày càng tăng theo các năm và lao động trong các ngành ứng dụng công nghệ cao cũng gia tăng nhanh chóng. Tính đến năm 2022, lao động làm việc trong các doanh nghiệp FDI đạt 5,09 triệu người, tăng 1,35 lần so với năm 2016. Trong đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư Hàn Quốc cũng góp phần quan trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam thông qua hệ thống đào tạo nội bộ trong doanh nghiệp, hoặc liên kết với các cơ sở đào tạo ngoài doanh nghiệp. Đội ngũ công nhân lao động tại các doanh nghiệp Hàn Quốc được bồi dưỡng, nâng cao tay nghề, tiếp cận công nghệ tiên tiến, rèn luyện ý thức tổ chức, tác phong công nghiệp.

Thứ năm, FDI Hàn Quốc góp phần thúc đẩy đổi mới công nghệ tại Việt Nam. Với sự góp mặt của các tập đoàn lớn, sở hữu công nghệ hàng đầu, đầu tư vào những dự án công nghệ cao tại Viêt Nam như Sam Sung, LG, SK, Hanwha… đầu tư của Hàn Quốc đã góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới, đồng thời đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cho doanh nghiệp Việt Nam.

sản xuất smartphone Samsung trong nhà máy tại Thái Nguyên. Ảnh: SEVT
Tập đoàn Samsung đã đầu tư 18 tỷ USD vào Việt Nam và có kế hoạch nâng lên thành 20 tỷ USD trong thời gian tới. Ảnh: SEVT

Bà nhận định ra sao, khi nhiều tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc đã đầu tư tại Việt Nam với số vốn lên đến nhiều tỷ USD?

Việt Nam đã có mặt hầu hết các doanh nghiệp lớn nhất của Hàn Quốc đến đầu tư như: Samsung; LG Electronics; Hyundai; CJ; Lotte; SK; SHINHAN; Namyang, Hanwha… Những doanh nghiệp này đã triển khai ở Việt Nam những dự án “khổng lồ” và đầu tư trong các lĩnh vực có thế mạnh của Hàn Quốc như công nghệ cao, điện tử; đồng thời đầu tư phát triển hơn nữa vào các lĩnh vực chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn.

Việc lựa chọn Việt Nam để đầu tư những dự án lớn như vậy đã cho thấy các doanh nghiệp Hàn Quốc đánh giá cao môi trường và cơ hội đầu tư của Việt Nam và tin tưởng vào nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam.

Ví dụ điển hình là Tập đoàn Samsung đã đầu tư 18 tỷ USD vào Việt Nam và có kế hoạch nâng lên thành 20 tỷ USD trong thời gian tới. Điều này thể hiện tầm nhìn chiến lược của Tập đoàn này Việt Nam là cứ điểm sản xuất chiến lược, nghiên cứu - phát triển và sản xuất các sản phẩm chủ lực ra thị trường quốc tế. Và Samsung quyết tâm duy trì vị trí nhà đầu tư FDI lớn nhất tại Việt Nam trong 20-30 năm nữa. Thêm vào đó, việc đưa vào vận hành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của Samsung tại Hà Nội và việc hợp tác với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC) thể hiện cam kết mạnh mẽ của Samsung trong việc đồng hành, hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam.

Việc các tập đoàn lớn nhất của Hàn Quốc đã đầu tư và hoạt động hiệu quả tại Việt Nam, tạo niềm tin và động lực mạnh mẽ cho các “Chaebol” khác và cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ khác của Hàn Quốc, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ kiện cung cấp cho các tập đoàn này đầu tư vào Việt Nam...

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Điện tử Bumjin Vina (KCN Đông Mai, thị xã Quảng Yên). Ảnh: Cổng thông tin điện tử Tỉnh Quảng Ninh
Việt Nam thu hút 146 quốc gia và vùng lãnh thổ đến đầu tư

Triển vọng thu hút FDI Hàn Quốc trong thời gian tới ra sao, thưa bà?

Mặc dù hiện nay, tổng vốn FDI cộng dồn của Hàn Quốc vẫn đứng đầu trong các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam nhưng thời gian gần đây, đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam có dấu hiệu suy giảm. Năm 2023 là 4 năm liên tiếp Hàn Quốc bị mất vị trí số 1 (tính theo năm) trong thu hút FDI của Việt Nam, phản ánh đúng xu hướng chững lại trong dòng vốn FDI của Hàn Quốc so với các đối tác châu Á khác như: Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)...

Trước tình hình đó, Chính phủ hai nước đã có những cam kết mạnh mẽ nhằm tăng cường và phát triển thực chất, hiệu quả hơn nữa quan hệ "Đối tác chiến lược toàn diện" giữa hai nước.

Nhân chuyến đi thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Đại Hàn Dân Quốc Yoon Suk Yeol tới Việt Nam từ ngày 22-24/6/2023, Chính phủ hai bên đã nhất trí ký kết và thực hiện Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hàn Quốc (gọi tắt là "Chương trình Hành động"). Nội dung hợp tác trong thương mại, đầu tư và lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao được xem là trọng tâm của hợp tác kinh tế.

Cũng nhân dịp Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol thăm chính thức Việt Nam, hai bên đã tổ chức các cuộc tọa đàm và Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc nhằm giới thiệu định hướng thu hút đầu tư hiện nay của Việt Nam là có chọn lọc, ưu tiên các lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, lấy khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo làm nền tảng, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu, phù hợp với Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững... là những lĩnh vực mà các doanh nghiệp Hàn Quốc có thế mạnh và nhiều kinh nghiệm.

Theo đó, đầu tư kinh doanh tại Việt Nam tạo cơ hội “win - win” cho cả hai phía; không chỉ mang lại ý nghĩa quan trọng cho kinh tế Việt Nam như đã đề cập ở phần trên, mà còn đem lại thị trường rộng lớn và cơ hội thu lợi nhuận cho doanh nghiệp Hàn Quốc. Kỳ vọng vào quan hệ tương hỗ trong hợp tác đầu tư và thương mại; kết hợp với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Chính phủ hai nước thông qua quan hệ đặc biệt "Đối tác chiến lược toàn diện" giữa hai nước, Việt Nam mong muốn các doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục tin tưởng và gắn bó với Việt Nam trong quá trình phát triển.

Các doanh nghiệp Hàn Quốc đánh giá cao cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong định hướng tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài đến năm 2030 với mục tiêu tổng quát là hoàn thiện thể chế, chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài có tính cạnh tranh cao, hội nhập quốc tế; đáp ứng yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, bảo vệ môi trường, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế”.

Đặc biệt, Tổng thống Hàn Quốc cũng thể hiện thiện chí của phía Hàn Quốc mong muốn hợp tác trong các lĩnh vực văn hoá, lưu thông, thương mại, đầu tư đều sẽ được mở rộng mạnh mẽ trong tương lai. Việt Nam sẽ là đối tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin (ICT) và Hàn Quốc sẽ hỗ trợ Việt Nam phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, khoa học công nghệ… Theo tôi, đây là những tiền đề quan trọng để Việt Nam tiếp tục đón làn sóng đầu tư mới từ các doanh nghiệp Hàn Quốc.

Xin cảm ơn bà!

Nguyễn Hòa

Theo: Báo Công Thương