Hộp thư bạn đọc ngày 27/12: MobiFone "rải đinh" hạn chế nhà thầu, sai phạm tại Công ty Hưng Việt?

(Banker.vn) Nhiều gói thầu tại MobiFone có dấu sai phạm, "dải đinh" nhà thầu; Dự án bệnh viện đa khoa Phúc Thái chậm tiến độ; Nông sản Hưng Việt bị cổ đông "tố".
Hộp thư bạn đọc ngày 20/12: Dấu hiệu sai phạm tại khu công nghiệp Hòa Hội, thời trang Venesto Hộp thư bạn đọc ngày 23/12: Sai phạm trong đấu thầu tại Học viện Hành chính quốc gia; nhiều tồn tại ở dự án hữu cơ

Báo Công Thương nhận được một số thông tin phản ánh: Nhiều gói thầu tại Tổng công ty Viễn thông MobiFone có dấu hiệu cài tiêu chí gây hạn chế nhà thầu tham gia, không bảo đảm tính cạnh tranh, Dự án Bệnh viện đa khoa Phúc Thái chậm tiến độ hàng chục năm gây bức xúc dư luận; Nhóm điều hành của Công ty cổ phần Nông sản Hưng Việt có dấu hiệu vi phạm điều lệ công ty và quy định pháp luật.

Thông tin phản ánh: Nhiều gói thầu của Tổng công ty Viễn thông MobiFone có dấu hiệu cài cắm tiêu chí trong Hồ sơ mời thầu, gây hạn chế nhà thầu tham gia.

Trong năm 2022, MobiFone lên kế hoạch đầu tư phát triển 64 dự án với tổng kinh phí tối đa 6.941 tỷ đồng. Trong đó, riêng các dự án trang bị hệ thống DWDM (Dense Wave Division Multiplexing - Công nghệ ghép kênh phân chia theo bước sóng dày đặc, nhằm tối ưu năng lực truyền dẫn trên sợi cáp quang) có tổng trị giá đầu tư là 800 tỷ đồng.

Để triển khai các kế hoạch trên, số tiền 800 tỷ đồng dự chi cho 2 dự án trang bị hệ thống DWDM, gồm: Trang bị hệ thống DWDM Nam Bộ 2 trị giá 160 tỷ đồng và dự án Trang bị mạng DWDM Express liên vùng trị giá 640 tỷ đồng. Cả 2 dự án đều sử dụng vốn chủ sở hữu, thuộc danh mục dự án nhóm B.

Trong đó, dự án Trang bị hệ thống DWDM Nam Bộ 2 được triển khai mời thầu trước thời điểm lãnh đạo MobiFone phê duyệt kế hoạch đầu tư mua sắm tới hơn 1 tháng. Gói thầu này được thông báo mời thầu trên Cổng thông tin đấu thầu Quốc gia vào ngày 15/02/2022, đóng thầu ngày 09/03/2022. Tuy nhiên, đến ngày 18/03/2022, tên của dự án này mới xuất hiện trong tờ phụ lục Kế hoạch đầu tư 2022 của MobiFone.

Hộp thư bạn đọc ngày 27/12: Dấu hiệu sai phạm tại MobiFone, Bệnh viện Phúc Thái và Công ty Hưng Việt
Tổng công ty Viễn thông MobiFone bị phản ánh có nhiều dấu hiệu sai phạm trong đấu thầu - Ảnh SGGP

Bên cạnh đó, các tiêu chí được cho là gây hạn chế sự tham dự của nhà thầu được chỉ ra trong Hồ sơ mời thầu tại nhiều gói thầu của MobiFone.

Cụ thể, Gói thầu Trang bị hệ thống DWDM Nam Bộ 2, tại Điểm 2.1 yêu cầu chung về thiết bị chào thầu (bắt buộc) - Mục 2, yêu cầu kỹ thuật – Chương V. Phạm vi cung cấp - Phần 2. Yêu cầu về phạm vi cung cấp:“Thiết bị chào thầu phải là thiết bị của hãng sản xuất có thiết bị đang được sử dụng trên mạng truyền dẫn quang DWDM Bắc Nam hoặc liên tỉnh của MobiFone; hoặc thiết bị chào thầu phải đáp ứng cả 2 tiêu chí sau: 1) Hãng sản xuất thiết bị phải có thiết bị đang được sử dụng trên mạng truyền dẫn quang Backbone Bắc Nam và/hoặc truyền dẫn quang liên tỉnh tại các nhà mạng tại Việt Nam, bao gồm: VNPT, Viettel, FPT, Vietnamobile”.

Gói thầu Trang bị mạng DWDM Đông Bắc 2, tại Mục 4, các yêu cầu khác (bắt buộc) – chương V, yêu cầu về kỹ thuật của Hồ sơ mời thầu - phần 2, yêu cầu về kỹ thuật “Hãng sản xuất thiết bị phải có thiết bị đang được sử dụng trên mạng truyền dẫn quang Backbone Bắc Nam và/hoặc truyền dẫn quang liên tỉnh tại ít nhất một trong các nhà mạng tại Việt Nam, bao gồm: MobiFone, VNPT, Viettel, Vietnamobile, FPT với quy mô tối thiểu bằng với quy mô của dự án này. Quy mô bao gồm: Số lượng node ROADM và số tỉnh/TP triển khai”.

Gói thầu Trang bị mạng DWDM Tây Bắc, mục 4, các yêu cầu kỹ thuật khác (bắt buộc) - Chương V. quy định: “Hãng sản xuất thiết bị phải có thiết bị đang được sử dụng trên mạng truyền dẫn quang Backbone Bắc Nam và/hoặc truyền dẫn quang liên tỉnh tại ít nhất một trong các nhà mạng tại Việt Nam, bao gồm: MobiFone, VNPT, Viettel, Vietnamobile, FPT với quy mô tối thiểu bằng với quy mô của dự án này. Quy mô bao gồm: Số lượng node ROADM và số tỉnh/TP triển khai”.

Gói thầu Trang bị mạng DWDM Express Liên vùng, tại Mục 2.3 yêu cầu về thiết bị chào thầu, phạm vi cung cấp: “Hãng sản xuất thiết bị phải có thiết bị đang được sử dụng trên mạng truyền dẫn quang Backbone Bắc Nam và/hoặc truyền dẫn quang liên tỉnh với quy mô tối thiểu bằng với quy mô của dự án này (số lượng node ROADM/FOADM và số tỉnh/TP triển khai) tại ít nhất một trong các nhà mạng tại Việt Nam được liệt kê dưới đây: Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel), Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom).

Với mỗi tiêu chí được cho là “cài cắm” một cách có chủ đích của Bên mời thầu, gây khó khăn cho doanh nghiệp tham gia như Gói thầu Trang bị mạng DWDM Express Liên vùng, tại “Mục 4 – Kinh nghiệm thực hiện hợp đồng hàng hóa tương tự, thuộc BẢNG tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ và năng lực kinh nghiệm trong Hồ sơ mời thầu ghi: “Nhà thầu đã hoàn thành tối thiểu 01 hợp đồng tương tự với tư cách là nhà thầu chính (độc lập hoặc thành viên liên danh) hoặc nhà thầu phụ trong khoảng thời gian kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019 đến thời điểm đóng thầu”.

Thông tin phản ánh cho rằng, việc chủ đầu tư đưa ra hạn chế nhà thầu với hợp đồng tương tự mà lại kèm theo hạn chế về mặt thời gian có mốc cụ thể từ 01/01/2019 đến thời điểm đóng thầu (ngày 23/11/2022) sẽ khiến hầu hết các nhà thầu không đáp ứng được tiêu chí và sẽ bị loại.

Đề nghị các đơn vị liên quan kiểm tra, làm rõ phản ánh nêu trên, tránh gây dư luận tiêu cực về công tác đấu thầu.

Thông tin phản ánh: Dự án Bệnh viện đa khoa Phúc Thái (Bệnh viện Phúc Thái, phường Cải Đan, TP Sông Công, Thái Nguyên) do Công ty cổ phần Công nghiệp Thương mại và Dịch vụ y tế Phúc Thái (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) làm chủ đầu tư, đã bỏ hoang nhiều năm gây bức xúc trong dư luận. Được biết, dự án này được UBND tỉnh Thái Nguyên chấp thuận đầu tư là bệnh viện đa khoa loại II với quy mô 600 giường bệnh và khu điều trị phục hồi chức năng có quy mô hơn 27.000 m2, với tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng. Dự án này được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân và phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, sau gần thập kỷ triển khai, đến nay, dự án vẫn trong tình trạng bỏ hoang, gây lãng phí quỹ đất, mất mỹ quan đô thị khiến người dân bức xúc.

Hiện dự án mới chỉ dừng lại ở việc xây dựng phần thô khung nhà 5 tầng, còn những hạng mục khác vẫn chỉ nằm trên giấy trong gần 10 năm qua. Hầu hết các mục công trình tại toà nhà 5 tầng xuất hiện vết bong tróc, loang lổ và hoen rỉ.

Khu vực đất xung quanh bị bỏ hoang nhiều năm cỏ mọc um tùm, biến thành nơi chăn thả gia súc, đổ rác thải sinh hoạt, vật liệu xây dựng của người dân địa phương. Thậm chí khu vực này có nguy cơ trở thành tụ điểm tệ nạn xã hội.

Đáng chú ý, dự án chậm tiến độ này lại không bị nhắc tên trong danh sách 25 dự án sử dụng vốn đầu tư ngoài ngân sách chậm tiến độ bị Sở Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị UBND tỉnh Thái Nguyên thực hiện thu hồi.

Phản ánh tới Báo Công Thương: Ông T.X.T (xã Gia Tân, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) là cổ đông của Công ty cổ phần Nông sản Hưng Việt (Công ty Hưng Việt) phản ánh: Trong suốt thời gian điều hành, nhóm điều hành Công ty Hưng Việt đã không thể hoàn thành cam kết đề ra tại Biên bản họp Hội đồng quản trị ngày 15/08/2019. Tính đến ngày 15/5/2020, lợi nhuận trong kỳ lỗ hơn 1,5 tỷ đồng (cam kết là lãi hơn 5 tỷ đồng), dẫn đến giảm giá trị tài sản của Công ty Hưng Việt so với kế hoạch (-6,8 tỷ đồng).

Đồng thời, nhóm điều hành thực hiện nhiều hành vi thương mại có dấu hiệu vi phạm Điều lệ Công ty Hưng Việt và quy định pháp luật hiện hành.

Cụ thể, từ tháng 4/2019 - 1/2020, Công ty Hưng Việt đã ký 8 Hợp đồng vay với Công ty Bamboo mà không thông qua Hội đồng quản trị/Đại hội đồng cổ đông, với tổng số tiền vay là 13 tỷ đồng. Tính đến tháng 4/2020, Hưng Việt đang nợ Bamboo tổng cộng là 5,3 tỷ đồng.

Ngoài ra, nhóm điều hành đã không sát sao, chặt chẽ trong công tác quản lý, vận hành hoạt động của bộ phận nhân sự, để mặc bộ phận nhân sự vi phạm việc đóng Bảo hiểm xã hội cho người lao động tại Hưng Việt, không đóng Bảo hiểm xã hội cho toàn bộ người lao động từ tháng 2/2020. Tình trạng toàn bộ Bảo hiểm xã hội của người lao động tại Hưng Việt tính đến tháng 12/2021 là hơn 156 triệu đồng.

Ngày 10/03/2022, ông T.X.T đã gửi Hồ sơ khởi kiện đến TAND tỉnh Hải Dương để yêu cầu Toà án buộc các cá nhân nhóm điều hành và cổ đông Bamboo phải chịu các trách nhiệm trước những hậu quả đã gây ra. Thế nhưng đến nay, TAND tỉnh Hải Dương không thực hiện các thủ tục cần thiết để đưa vụ án ra xét xử, có dấu hiệu vi phạm thủ tục tố tụng.

PV

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục