Ninh Thuận quyết tâm đẩy nhanh tiến độ dự án điện hạt nhân Ninh Thuận tăng tốc, đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà đầu tư triển khai Dự án Nhiệt điện khí LNG Cà Ná |
Tổ chức hội nghị kết nối nhà đầu tư với Ngân hàng Phát triển Việt Nam ngày 17/5/2025
Với định hướng trở thành trung tâm năng lượng sạch và điểm đến đầu tư chiến lược tại khu vực Nam Trung Bộ, Ninh Thuận đang đẩy mạnh nhiều giải pháp đồng bộ nhằm thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng và tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi. Một trong những điểm nhấn quan trọng là Hội nghị kết nối nhà đầu tư và triển khai chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước, dự kiến tổ chức vào ngày 17/5/2025 tại Khu du lịch và Sân golf Anara Bình Tiên, với sự phối hợp giữa UBND tỉnh Ninh Thuận và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).
![]() |
Tại Hội nghị, tỉnh sẽ công bố tiến độ các khu công nghiệp mới như KCN Cà Ná giai đoạn 1, cùng hệ thống cảng biển Cà Ná giai đoạn 2 và Trung tâm logistics Cà Ná quy mô 120 ha. (Ảnh: DNTN) |
Bứt phá trong thu hút đầu tư, khai thác hiệu quả tiềm năng sẵn có
Trong những năm gần đây, kinh tế Ninh Thuận đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực nhờ vào định hướng phát triển đúng đắn, ưu tiên các lĩnh vực có lợi thế so sánh và tính lan tỏa cao. Giai đoạn 2021–2024, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của tỉnh đạt 8,85%/năm, cao hơn mức bình quân của cả nước. Năm 2024, GRDP bình quân đầu người của Ninh Thuận ước đạt 98,2 triệu đồng, tăng gần 2,7 lần so với năm 2015.
Đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được 488 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký lên tới 247.300 tỷ đồng. Trong đó, có 444 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn trên 216.900 tỷ đồng và 44 dự án FDI đến từ các nhà đầu tư Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Hoa Kỳ... với tổng vốn hơn 30.400 tỷ đồng. Nhiều dự án lớn đã được triển khai hiệu quả trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến, bất động sản và du lịch.
Phát huy kết quả đó, trong năm 2025, Ninh Thuận đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt từ 13–14%, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 115 triệu đồng và tổng vốn đầu tư toàn xã hội lên tới 22.500 tỷ đồng. Đây là tiền đề quan trọng để hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tỉnh cũng xác định 5 lĩnh vực đột phá cần ưu tiên thu hút đầu tư, bao gồm: năng lượng và năng lượng tái tạo; du lịch chất lượng cao; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hạ tầng giao thông, bất động sản, logistics. Đây là những ngành có tiềm năng phát triển dài hạn, phù hợp với điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý và khả năng kết nối vùng của Ninh Thuận.
Tín dụng Nhà nước – công cụ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển dự án chiến lược
Hội nghị kết nối nhà đầu tư ngày 17/5/2025 không chỉ là diễn đàn để giới thiệu các cơ hội đầu tư, mà còn là dịp để cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận các chính sách tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam – tổ chức tín dụng được giao nhiệm vụ cấp vốn cho các dự án quan trọng theo định hướng của Nhà nước.
Theo đại diện VDB, tính đến hết tháng 3/2025, hệ thống Ngân hàng Phát triển đã ký kết 31 hợp đồng tín dụng đầu tư mới với tổng vốn đăng ký đạt 12.243 tỷ đồng, góp phần nâng tổng dư nợ tín dụng đầu tư toàn hệ thống lên 38.380 tỷ đồng trong tổng số dư nợ 161.540 tỷ đồng.
Các chính sách tín dụng hiện hành theo Nghị định 78/2023/NĐ-CP đang tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào các ngành ưu tiên như kết cấu hạ tầng, năng lượng, công nghiệp hỗ trợ và logistics. Lãi suất cho vay cố định năm 2025 được giữ ở mức cạnh tranh là 6,9%/năm. Hạn mức cho vay có thể lên tới 12.000 tỷ đồng cho một khách hàng và 20.000 tỷ đồng đối với nhóm khách hàng có liên quan. Mức vốn vay tối đa bằng 70% tổng vốn đầu tư của dự án, với thời hạn có thể kéo dài đến 25 năm.
Tại hội nghị, tỉnh Ninh Thuận sẽ giới thiệu danh mục các dự án trọng điểm đang kêu gọi đầu tư gắn với quy hoạch vùng, bao gồm: các dự án điện mặt trời (1.974 MW), điện gió (1.039 MW), Trung tâm điện khí LNG Cà Ná (1.500 MW), sản xuất hydrogen xanh, hạ tầng cảng biển, trung tâm logistics, công nghiệp chế biến và cụm công nghiệp tại các địa phương trong tỉnh. Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ công bố tiến độ các khu công nghiệp mới như KCN Cà Ná giai đoạn 1 (378 ha), 9 cụm công nghiệp mới với tổng diện tích hơn 412 ha, cùng hệ thống cảng biển Cà Ná giai đoạn 2 và Trung tâm logistics Cà Ná quy mô 120 ha.
Việc tổ chức hội nghị đúng thời điểm và đúng định hướng đang thể hiện quyết tâm chính trị và chiến lược phát triển rõ ràng của tỉnh Ninh Thuận. Trong bối cảnh Chính phủ thúc đẩy đầu tư công, đẩy mạnh tín dụng phát triển và thu hút nguồn lực xã hội vào hạ tầng, năng lượng và công nghiệp chế biến, Ninh Thuận đang nổi lên như một điểm sáng về khả năng điều phối chính sách, minh bạch môi trường đầu tư và kết nối hiệu quả giữa Nhà nước – doanh nghiệp – định chế tài chính. |