Thông tin mới nhất về điều kiện xét thăng hạng giáo viên

(Banker.vn) Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, giáo viên không bắt buộc phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học khi tham gia xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Quy định mới nhất về điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp trong ngành y tế Bộ Nội vụ hướng dẫn thăng hạng chức danh viên chức Đề xuất bỏ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp

Ngày 19/5, trả lời báo chí, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, giáo viên không bắt buộc phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học khi tham gia xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Thay vào đó, hiệu trưởng có thể xác nhận năng lực sử dụng các kỹ năng này của giáo viên.

Động thái trên được đưa ra sau khi một số giáo viên tại tỉnh Hà Nam phản ánh việc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh này yêu cầu bổ sung chứng chỉ tin học, ngoại ngữ trong hồ sơ xét thăng hạng, gây bức xúc trong đội ngũ nhà giáo.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, trước năm 2021, chứng chỉ ngoại ngữ và tin học là tiêu chí bắt buộc trong xét thăng hạng giáo viên. Tuy nhiên, tiêu chí này đã được bãi bỏ, chuyển sang đánh giá dựa trên khả năng sử dụng công nghệ thông tin và ngoại ngữ trong hoạt động nghề nghiệp, phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm cụ thể.

Thay vì yêu cầu chứng chỉ, năng lực này sẽ được ghi nhận thông qua biên bản đánh giá, nhận xét của tổ chuyên môn hoặc tổ bộ môn, có xác nhận của hiệu trưởng nhà trường. Đây được xem là hướng điều chỉnh phù hợp với chuẩn đầu ra theo văn bằng, nghị quyết của Quốc hội từ năm 2019 và xu hướng đổi mới công tác quản lý viên chức ngành giáo dục.

Thông tin mới nhất về điều kiện xét thăng hạng giáo viên
Giáo viên không bắt buộc phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học khi tham gia xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Ảnh: Văn Hưng

Trường hợp giáo viên có bằng tốt nghiệp với chuẩn đầu ra ngoại ngữ cao hơn yêu cầu của vị trí việc làm, các trường có thể sử dụng văn bằng này như một căn cứ thay thế chứng chỉ. Bộ cũng đề xuất, các sở giáo dục có thể phối hợp với cơ sở đào tạo để xác nhận trình độ ngoại ngữ, thay vì yêu cầu chứng chỉ hành chính.

Trước đó, ngày 5/5, thông tin từ Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nam ông Phạm Anh Tuấn cho biết, sở đã quyết định tạm dừng tiếp nhận hồ sơ xét thăng hạng để chờ hướng dẫn cụ thể từ Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Hiện nay, giáo viên được phân loại theo 3 hạng: I, II và III, là căn cứ để tính hệ số lương và các loại phụ cấp đi kèm. Với mỗi hạng, giáo viên sẽ có từ 8 - 10 bậc lương; trung bình 3 năm công tác được xét nâng một bậc.

Cả nước hiện có hơn một triệu giáo viên. Thu nhập thực nhận của đội ngũ này sau khi cộng phụ cấp dao động trong khoảng 5,8 triệu đến 30 triệu đồng/tháng, tùy theo vùng miền, bậc học và thâm niên công tác.

Việc bãi bỏ bắt buộc về chứng chỉ được đánh giá là bước đi hợp lý, giảm áp lực hành chính không cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh ngành giáo dục đang đẩy mạnh cải cách, chú trọng hiệu quả thực chất thay vì hình thức bằng cấp.

Ngân Thương

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục