Động lực cho khoa học, công nghệ
Phát biểu tại Hội nghị triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, chiều 19/5, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long chúc mừng đội ngũ công tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ của ngành Công Thương nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
“Ngành Công Thương với các đơn vị thực hiện công tác quản lý Nhà nước, các viện, trường có đóng góp lớn với sự phát triển khoa học công nghệ của đất nước. Đây là điều rất đáng tự hào”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh.
![]() |
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long chúc mừng đội ngũ làm khoa học công nghệ trong ngành Công Thương nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ảnh: Thanh Tuấn |
Trong bối cảnh toàn cầu đang trải qua những biến đổi sâu sắc của kỷ nguyên số, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đóng vai trò then chốt, là động lực quan trọng nhất cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường sức mạnh quốc gia. Nhận thức sâu sắc điều này, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng, trong đó nổi bật là Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 71/NQ-CP của Chính phủ về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Các nghị quyết này đã đặt ra những mục tiêu chiến lược và nhiệm vụ cụ thể để đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của nền kinh tế số, xã hội số với khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là nền tảng. Đây không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội lớn để ngành Công Thương khẳng định vai trò tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo của đất nước.
“Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57 là yếu tố then chốt và cơ bản nhất để Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình. Để đạt mục tiêu 100 năm, bắt buộc chúng ta phải phát triển khoa học công nghệ”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long khẳng định và cho rằng, Nghị quyết 57 mở ra kỷ nguyên mới cho khoa học công nghệ. Nếu trong các giai đoạn trước, chúng ta gặp nhiều khó khăn trong phát triển khoa học công nghệ thì thời gian tới, những cơ chế, chính sách, khung khổ pháp lý được ban hành trên cơ sở Nghị quyết 57 sẽ tháo gỡ những nút thắt này.
Đặc biệt, ngành Công Thương có hệ thống viện, trường đào tạo và lực lượng cán bộ làm nghiên cứu, giáo viên, sinh viên đông đảo sẽ là nền tảng cho ngành đạt thành tựu trong khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. “Không có khó khăn gì là không thể vượt qua, quan trọng là quyết tâm và hoài bão để thực hiện”, Thứ trưởng Bộ Công Thương chia sẻ.
6 nhiệm vụ lớn cho khoa học công nghệ ngành Công Thương
Để đẩy mạnh triển khai và hoàn thành mục tiêu trong thực hiện các nghị quyết quan trọng nêu trên, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long cũng thông tin, Bộ Công Thương sẽ tập trung vào 6 giải pháp trọng tâm.
Một là, hoàn thiện cơ chế, chính sách và tổ chức bộ máy để tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Bộ sẽ rà soát, đề xuất, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để loại bỏ những rào cản, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp xanh và kinh tế tuần hoàn.
![]() |
Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Ảnh: Thanh Tuấn |
Hai là, xây dựng và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ngành Công Thương. Bộ sẽ thúc đẩy hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo, các cụm liên kết doanh nghiệp-viện nghiên cứu-trường đại học trong các lĩnh vực trọng điểm. Đặc biệt chú trọng phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tạo môi trường thuận lợi để các ý tưởng sáng tạo được hiện thực hóa và thương mại hóa.
Ba là, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Bộ sẽ tăng cường chỉ đạo các cơ sở đào tạo thuộc Bộ để đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục đào tạo, chú trọng phát triển kỹ năng số và năng lực đổi mới sáng tạo; xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và xu thế phát triển của thế giới.
Bốn là, đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành Công Thương, từ quản lý nhà nước đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ, ứng dụng các nền tảng số để nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành và cung cấp dịch vụ công nhằm đạt mục tiêu là xây dựng nền công nghiệp số, thương mại số và chính phủ số trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.
Năm là, tăng cường hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Bộ sẽ mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, chủ động hội nhập sâu rộng vào mạng lưới đổi mới sáng tạo toàn cầu. Thông qua hợp tác, chúng ta sẽ tận dụng hiệu quả các nguồn lực, kinh nghiệm và công nghệ tiên tiến từ nước ngoài để phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ mũi nhọn của Việt Nam.
Sáu là, đổi mới phương thức quản lý nhà nước theo hướng kiến tạo, phục vụ. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Chúng ta sẽ tạo môi trường pháp lý thuận lợi, công khai, minh bạch để thúc đẩy sáng tạo và khởi nghiệp trong lĩnh vực công thương.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long: Đứng trước thềm kỷ nguyên mới với những cơ hội và thách thức to lớn, ngành Công Thương cần phát huy tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm, vượt qua rào cản tư duy và thể chế để tạo đột phá trong phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. |