Thủ tướng yêu cầu giám sát chặt chẽ, ổn định thị trường vàng Thủ tướng chỉ đạo công khai kết luận thanh tra vàng 'Chợ mạng' nhộn nhịp mua bán vàng bất chấp rủi ro tiềm ẩn |
Ngày 24/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác quản lý thị trường vàng. Cùng tham dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan, đại diện một số doanh nghiệp và chuyên gia.
![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về quản lý thị trường vàng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Sau khi nghe báo cáo và các ý kiến, kết luận cuộc họp, Thủ tướng nhấn mạnh nhiều vấn đề nổi lên gần đây trong thị trường vàng, đặc biệt là chênh lệch giá trong nước và thế giới lên đến hơn 10%, biểu hiện thao túng thị trường của một số doanh nghiệp, tình trạng găm hàng, đội giá và buôn lậu vẫn diễn biến phức tạp. Công tác quản lý cũng được đánh giá là còn lỏng lẻo, chưa phù hợp với cơ chế thị trường và thực tiễn.
Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tăng cường vai trò quản lý, điều tiết thị trường vàng, đưa mức chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới về khoảng 1-2%, không để vượt quá 10% như hiện nay.
Đồng thời, cần có giải pháp đồng bộ nhằm tăng cung, giảm cầu, kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh vàng và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như buôn lậu, thao túng, đầu cơ.
![]() |
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
![]() |
Đại diện các bộ, ngành tham dự cuộc họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thủ tướng cũng yêu cầu khẩn trương sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP theo hướng rút gọn, phù hợp với tình hình mới, hoàn thành trong tháng 6/2025. Cùng với đó là xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thị trường vàng, hoàn thiện trong cùng thời gian.
Về lâu dài, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh an toàn, thuận lợi, lành mạnh, hấp dẫn để người dân tích cực đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp thay vì dự trữ vàng.
Nghiên cứu hình thành sàn giao dịch vàng theo hướng người dân được tự do giao dịch, mua bán; tách bạch giữa quản lý nhà nước và hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng; đẩy mạnh sản xuất, chế tác vàng trang sức để tạo thêm công ăn việc làm; đầu tư hệ thống để khởi tạo hóa đơn điện tử từ máy tính tiền trong kinh doanh vàng.
Công tác thông tin, truyền thông cũng cần được đẩy mạnh nhằm giải tỏa tâm lý trong người dân.