Từng bước gỡ 'mạng nhện sở hữu chéo' trong hệ thống ngân hàng

(Banker.vn) Sở hữu chéo là một trong những "điểm nghẽn" cản trở quá trình lành mạnh hóa thị trường tài chính - ngân hàng.
Thủ tướng: Không để người dân, doanh nghiệp thiếu vốn khi cần sự hỗ trợ của hệ thống ngân hàng Thanh toán trực tuyến “bùng nổ”, thách thức cho an ninh, an toàn hệ thống ngân hàng Triển vọng lãi suất nửa cuối năm 2024 sẽ ra sao?

Chuyển biến tích cực nhưng chưa triệt để

Trong những năm qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã kiên trì triển khai nhiều biện pháp nhằm xử lý tình trạng sở hữu chéo, sở hữu cổ phần vượt giới hạn và các hành vi đầu tư, cho vay không đúng quy định trong hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD). Đây là một trong những "điểm nghẽn" cản trở quá trình minh bạch hóa và lành mạnh hóa thị trường tài chính - ngân hàng. Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song báo cáo mới nhất của NHNN gửi Quốc hội tại Kỳ họp thứ IX đang diễn ra cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục được xử lý trong thời gian tới.

Từng bước gỡ “mạng nhện sở hữu chéo” trong hệ thống ngân hàng
Ngân hàng Nhà nước siết chặt giám sát, yêu cầu tổ chức tín dụng thoái vốn và tái cấu trúc sở hữu theo đúng quy định của pháp luật. Ảnh minh họa

Vào thời kỳ bùng nổ tín dụng trước năm 2010, hiện tượng các ngân hàng “bắt tay” nhau thông qua việc mua cổ phần chéo, sở hữu lẫn nhau giữa các nhóm cổ đông, tập đoàn kinh tế… từng bước tạo ra một “mạng nhện sở hữu” đan xen và thiếu minh bạch. Tình trạng này khiến hoạt động tín dụng nội bộ, cấp vốn ưu ái, thâu tóm và thao túng ngân hàng diễn ra phức tạp, tiềm ẩn rủi ro hệ thống nghiêm trọng. Trước thực trạng đó, NHNN đã từng bước siết chặt hành lang pháp lý và triển khai nhiều giải pháp giám sát, xử lý. Việc ban hành Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, các sửa đổi, bổ sung sau đó và đặc biệt là Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2024 đã thiết lập các quy định chặt chẽ hơn đối với tỷ lệ sở hữu cổ phần, giới hạn đầu tư, cho vay giữa các bên liên quan.

Theo NHNN, trong thời gian qua, tình trạng sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định, sở hữu chéo trong hệ thống các TCTD đã được từng bước xử lý. Đặc biệt, hiện tượng cổ đông hoặc nhóm cổ đông lớn thao túng, chi phối hoạt động ngân hàng đã phần nào được kiềm chế. Một trong những chuyển biến rõ rệt là việc giảm đáng kể tình trạng TCTD hoặc người có liên quan của TCTD góp vốn, mua cổ phần tại TCTD khác vượt mức quy định 5% vốn điều lệ.

NHNN đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn và tăng cường thanh tra, giám sát, yêu cầu các TCTD xây dựng lộ trình thoái vốn, tái cấu trúc sở hữu để tuân thủ quy định pháp luật. Bên cạnh đó, những trường hợp cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt giới hạn chủ yếu còn tồn tại tại các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước. Việc này được nhận định là do yếu tố lịch sử để lại, khi các doanh nghiệp từng nắm giữ cổ phần tại ngân hàng như một hình thức đầu tư “đa ngành” phổ biến giai đoạn trước.

“Mặc dù chủ yếu phát sinh trước khi Luật Các TCTD năm 2010 có hiệu lực, sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định, sở hữu chéo trực tiếp giữa các TCTD với nhau và giữa TCTD với doanh nghiệp dần được xử lý. Bên cạnh đó, Luật Các TCTD năm 2024 đã quy định chặt chẽ hơn về sở hữu cổ phần. Theo đó các TCTD có sở hữu cao hơn quy định tại Luật Các TCTD năm 2024 sẽ tiếp tục xây dựng lộ trình đảm bảo tuân thủ quy định tại Luật Các TCTD và Thông tư hướng dẫn có liên quan của NHNN”- báo cáo của NHNN nhấn mạnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực, NHNN cũng thẳng thắn chỉ ra các khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý sở hữu chéo. Trước hết là vấn đề nhận diện các mối liên quan phức tạp, tinh vi giữa cổ đông và người có liên quan. Trong thực tế, có không ít trường hợp các cổ đông lớn cố tình nhờ người khác đứng tên hộ cổ phần, hoặc thông qua các công ty trung gian, công ty con để lách quy định về tỷ lệ sở hữu và cấp tín dụng cho nhóm khách hàng liên quan. Những hành vi này thường được thực hiện rất tinh vi, chỉ có thể phát hiện thông qua điều tra, xác minh của cơ quan chức năng chứ không thể trông chờ vào cơ chế giám sát hành chính thông thường.

Một khó khăn nữa cũng cần được nhắc đến là việc thiếu thông tin minh bạch về mối liên hệ sở hữu giữa các doanh nghiệp, đặc biệt với các doanh nghiệp chưa niêm yết hoặc không phải là công ty đại chúng. Trong bối cảnh công nghệ tài chính và các sản phẩm đầu tư phái sinh ngày càng phát triển, việc phát hiện các mối liên quan gián tiếp ngày càng khó khăn và vượt ra ngoài khả năng truy xuất thông tin của NHNN.

Bên cạnh đó, vướng mắc lớn hiện nay là tình trạng sở hữu cổ phần vượt giới hạn tại một số ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước, hoặc do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối. Việc yêu cầu các cổ đông này thực hiện thoái vốn, tái cơ cấu đầu tư gặp nhiều trở ngại, do liên quan đến định hướng phát triển dài hạn và quyền lợi của đơn vị chủ quản. Do đó, ngoài vai trò của NHNN, sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành mà đặc biệt là các đơn vị chủ quản doanh nghiệp nhà nước có ý nghĩa then chốt để xử lý triệt để tình trạng này.

Những giải pháp căn cơ

Trước những thách thức nêu trên, NHNN đặt mục tiêu tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư, cho vay và góp vốn của các TCTD, đặc biệt đối với các giao dịch liên quan đến cổ đông lớn, nhóm cổ đông liên quan hoặc các doanh nghiệp có mối quan hệ sở hữu chéo phức tạp. Trong thời gian tới, cơ quan này sẽ tiếp tục thực hiện các đợt thanh tra định kỳ và đột xuất theo kế hoạch đã được phê duyệt. Đặc biệt, tập trung vào các vấn đề như tỷ lệ sở hữu cổ phần, hoạt động mua bán, chuyển nhượng cổ phần, cấp tín dụng vượt giới hạn cho khách hàng lớn, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp… Các vi phạm được phát hiện sẽ bị xử lý nghiêm, đồng thời yêu cầu các TCTD xây dựng lộ trình khắc phục cụ thể.

Bên cạnh đó, cơ quan này cũng dự kiến sẽ rà soát, đề xuất sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, nhằm hoàn thiện khung pháp lý quản lý sở hữu cổ phần, đặc biệt theo hướng đồng bộ với Luật Các TCTD sửa đổi năm 2024. Một điểm nhấn đáng chú ý trong định hướng thời gian tới là yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước, khi đầu tư, góp vốn vào TCTD cần tuân thủ nghiêm quy định pháp luật, không sử dụng vốn vay ngân hàng để thực hiện đầu tư chéo. Đây vốn được xem là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn tài chính cho cả hai bên.

Sở hữu chéo là một vấn đề không thể xử lý “một sớm một chiều”, đặc biệt trong bối cảnh cấu trúc sở hữu doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều tầng nấc phức tạp. Tuy nhiên, sự quyết liệt trong chỉ đạo và hành động của NHNN trong thời gian qua đã tạo ra những chuyển động tích cực, góp phần củng cố lòng tin của thị trường đối với hệ thống ngân hàng. Trong thời đại mà yêu cầu về minh bạch và chuẩn mực quản trị ngày càng cao, việc dọn sạch “mạng nhện sở hữu” không chỉ là điều kiện để đảm bảo an toàn hệ thống, mà còn là bước đi cần thiết để Việt Nam hội nhập sâu rộng vào thị trường tài chính quốc tế.

NHNN cho biết sẽ tiếp tục thực hiện công tác thanh tra theo Kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt, hoặc thanh tra đột xuất (nếu cần thiết), trong đó quan tâm thanh tra các nội dung về tỷ lệ sở hữu cổ phần; Mua bán, chuyển nhượng cổ phần của ngân hàng, cấp tín dụng đối với khách hàng/nhóm khách hàng lớn (cho vay, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp....) nhằm phát hiện, chỉ đạo xử lý khắc phục các tồn tại, vi phạm trong hoạt động, nhất là các sai phạm về hoạt động cấp tín dụng, đầu tư, góp vốn, mua cổ phần của các TCTD.

Duy Minh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục