Cổ đông lớn BWE chốt lời cổ phiếu sau 3 năm nắm giữ

(Banker.vn) Ecorbit Co., Ltd, cổ đông lớn của Công ty CP Nước – Môi trường Bình Dương (HOSE - BWE) đã bán thoái vốn toàn bộ 12 triệu cổ phiếu BWE sở hữu, tương ứng tỷ lệ 6,22% vốn trong ngày 2/5.

Cụ thể, phiên 2/5, cổ phiếu BWE ghi nhận giao dịch thỏa thuận đúng bằng khối lượng cổ phiếu mà Ecorbit đã bán, giá trị gần 470 tỷ đồng, tương ứng 39.150 đồng/cp.Kết phiên 2/5, thị giá BWE đóng cửa ở mức 43.000 đồng/cp.

Trước đó, Ecorbit mua thành công 12 triệu cổ phiếu BWE vào ngày 5/11/2020 (chưa sở hữu bất kỳ cổ phiếu nào trước giao dịch). Sau giao dịch, Ecorbit trở thành cổ đông lớn với tỷ lệ sở hữu 6,4%. Chiếu theo mức giá 25.150 đồng/cp chốt phiên 5/11/2020, ước tính Ecorbit đã chi khoảng 302 tỷ đồng để hoàn tất thương vụ. Như vậy, sau 3 năm đầu tư vào BWE, Ecorbit chính thức rời đi với mức lãi thu về khoảng 56%.

Cổ đông lớn BWE chốt lời cổ phiếu sau 3 năm nắm giữ

Được biết, Ecorbit tiền thân là Taeyoung Environment Corporation, thành lập vào năm 2004. Doanh nghiệp này chuyên cung cấp dịch vụ hệ thống nước thải trên khắp Hàn Quốc (nhà máy xử lý nước thải, lò đốt, bãi chôn lấp và các dịch vụ khác).

Ở diễn biến trái chiều, sau khi cổ đông lớn ngoại thoái sạch vốn, lãnh đạo BWE cùng đăng ký mua thỏa thuận trong thời gian từ 10/5-7/6/2024 với mục đích tăng tỷ lệ sở hữu. Cụ thể, ông Trần Tấn Đức - Giám đốc Tài chính BWE đăng ký mua 450.000 cổ phiếu. Ông Ngô Văn Lui - Phó Tổng Giám đốc dự kiến mua 100.000 cổ phiếu. Bà Dương Anh Thư - Trưởng BKS đăng ký mua 50.000 cổ phiếu và ông Mai Song Hào - Phó Tổng Giám đốc đăng ký mua 20.000 cổ phiếu.

Động thái gia tăng tỷ lệ sở hữu của các cổ đông nội bộ BWE diễn ra trong bối cảnh Công ty dự kiến phát hành hơn 27 triệu cổ phiếu để trở cổ tức năm 2023. Tỷ lệ chia cổ tức 14% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận 14 cổ phiếu mới, ngày giao dịch không hưởng quyền vào 17/5/2024.

Tại ĐHCĐ thường niên 2024 diễn ra ngày 25/3, BWE đặt mục tiêu doanh thu đạt 4.100 tỷ đồng, tăng 3,1% đồng thời kỳ vọng lợi nhuận sau thuế đạt tối thiểu 700 tỷ đồng, tăng ít nhất 16,5% so với thực hiện trong năm 2023. Năm nay, ông lớn ngành nước dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 13% vốn điều lệ và đưa thất thoát xuống mức 5% hoặc thấp hơn.

Đáng chú ý, tại cuộc họp, Chủ tịch Nguyễn Văn Thiền cho hay: “Về công tác M&A, nếu có cơ hội tốt, ở lĩnh vực cấp nước và rác thải tại những nơi có tiềm năng hiệu quả, trong phạm vi nguồn vốn của Biwase có được, doanh nghiệp sẽ tiếp tục đầu tư vào ngành nghề cốt lõi”.

Về kết quả kinh doanh, quý 1/2024 BWE ghi nhận doanh thu thuần gần 792 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ, nhờ doanh thu từ hoạt động sản xuất nước và hoạt động xử lý rác thải tăng cao khi số lượng khách hàng đầu nối sử dụng nước sạch và khối lượng nước sạch, khối lượng rác thải sinh hoạt, rác công nghiệp gia tăng. Bên cạnh đó, công tác phòng chống thất thoát nước tăng cường nên tỷ lệ thất thoát nước giảm so với kỳ trước, dẫn đến các chi phí sản xuất được tiết giảm.

Kết quả, BWE lãi ròng hơn 179 tỷ đồng, tăng hơn 27% so với cùng kỳ. So với kế hoạch, Công ty thực hiện được 19% chỉ tiêu doanh thu và 26% mục tiêu lợi nhuận năm.

Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, BWE là một trong những doanh nghiệp có dư nợ vay ngoại tệ lớn. Từ năm 2019, dư nợ vay ngoại tệ (quy đổi ra VND) của doanh nghiệp này đã liên tục tăng qua từng năm, lên đến gần 2.900 tỷ vào cuối năm 2023. Đây là mức dư nợ vay ngoại tệ cao kỷ lục tại ngày cuối năm của Biwase từ khi hoạt động.

Tại ngày 31/3, dư nợ vay ngoại tệ của BWE tiếp tục tăng gần 6% so với đầu năm lên hơn 3.000 tỷ, chủ yếu là các khoản vay bằng USD. Dư nợ vay ngoại tệ của doanh nghiệp này tăng sau quý đầu năm có một phần nguyên nhân đến từ việc VND mất giá gần 2,3% so với USD. Con số này đã tăng lên 4,6% theo cập nhật đến ngày 6/5.

Chiều ngược lại, tổng dư nợ vay tài chính của BWE đã giảm 4% so với thời điểm đầu năm xuống còn khoảng 5.200 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối quý 1, tỷ trọng dư nợ được tài trợ từ các nguồn vốn nước ngoài chiếm đến 58% tổng dư nợ vay tài chính. Tỷ trọng dư nợ vay ngoại tệ cao khiến tình hình kinh doanh của Biwase ngày càng nhạy cảm với tỷ giá.

Không dễ để "trú chân" tại cổ phiếu ngành nước

Chứng khoán Dầu khí đánh giá ngành nước tiếp tục có triển vọng tích cực, nhu cầu sử dụng nước tại các thành phố lớn, ...

“Ông lớn” ngành nước Biwase (BWE) thu về hơn 280 tỷ trong tháng 1

Tổng doanh thu tháng 1 của Biwase ước đạt 281 tỷ đồng, trong đó chưa ghi nhận gần 93 tỷ đồng doanh thu từ lĩnh ...

Mirea Asset gợi ý 10 cổ phiếu tiềm năng cho danh mục trung và dài hạn, có mã dự báo tăng đến 65%

Trong danh mục khuyến nghị trung và dài hạn mới đây, Chứng khoán Mirea Asset Việt Nam (MAS) đưa ra danh mục khuyến nghị 10 ...

Đức Anh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán