Sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của thị trường
Sau một thời gian dài được xem là một phụ phẩm không có giá trị cao trong ngành sản xuất gạo, tuy nhiên, giữa tháng 4/2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã chính thức ký Nghị định thư về yêu cầu an toàn và kiểm dịch động, thực vật đối với cám gạo và cám gạo chiết ly xuất khẩu sang Trung Quốc đã mở ra cơ hội mới cho sản phẩm này.
![]() |
Các chuyên gia dự đoán, thị trường cám gạo toàn cầu có thể lên tới hàng chục tỷ USD |
Việc xuất khẩu cám gạo và cám gạo chiết ly không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn là động lực để ngành nông nghiệp Việt Nam nâng cao chất lượng sản xuất, thúc đẩy đầu tư vào công nghệ chế biến, bảo vệ môi trường và tối ưu hóa giá trị phụ phẩm lúa gạo.
Là doanh nghiệp xuất khẩu cám gạo sang thị trường Trung Quốc, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, bà Huỳnh Tuyết Nghi - Giám đốc Công ty TNHH Gia công Cám gạo Honoroad Việt Nam - cho hay, mỗi năm, công ty xuất khẩu khoảng 150.000 tấn cám gạo, trong đó 100% sản lượng được tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc. Doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm mà phía Trung Quốc đề ra trong khuôn khổ Nghị định thư.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - thương mại Phước Thành IV (tỉnh Vĩnh Long) - cho biết, nhu cầu sản phẩm cám gạo và cám chiết ly để làm thức ăn chăn nuôi là rất lớn. Do đó, việc ký Nghị định thư sẽ góp phần mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm phụ phẩm từ gạo Việt Nam.
Mặc dù điều kiện để xuất khẩu cám gạo và cám gạo chiết ly sang thị trường Trung Quốc là không dễ bởi những yêu cầu nghiêm ngặt về kiểm dịch và vệ sinh an toàn. Tuy nhiên, trong thời gian qua, các doanh nghiệp đã làm quen với các yêu cầu này. Do đó, Việt Nam có đủ tiềm năng để đưa mặt hàng trên trở thành một trong những mũi nhọn xuất khẩu.
Không chỉ cám gạo, trong lĩnh vực thủy sản, tiềm năng từ phế phụ phẩm là rất lớn. Đi đầu trong lĩnh vực sản xuất collagen và gelatin từ da cá tra là Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn. Theo đại diện doanh nghiệp này, việc sản xuất collagen và gelatin từ da cá giúp Công ty Vĩnh Hoàn tối ưu hóa được chi phí và lợi nhuận khi tận dụng phụ phẩm trong quá trình sản xuất sản phẩm cốt lõi là cá tra phi lê. Theo đó, thay vì bị bỏ đi, da cá được dùng làm nguyên liệu đầu vào để sản xuất collagen và gelatin.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, TS. Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam - cho hay, phụ phẩm cá tra gồm đầu, xương, da, vây, thịt đỏ, diềm bụng và bao tử hiện được tận dụng để sản xuất bột cá phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc; mỡ cá được chế biến thành thực phẩm hoặc nguyên liệu mỹ phẩm.
Kim ngạch xuất khẩu những sản phẩm này có thể đạt con số hàng tỷ USD, nhưng con số này chúng ta chưa tính vào kim ngạch xuất khẩu chung của ngành hàng cá tra. Nếu cộng chung lại có thể thu về từ 3-4 tỷ USD từ hoạt động xuất khẩu mặt hàng này.
Sức ép từ thị trường sẽ là động lực để doanh nghiệp thay đổi
Theo ước tính từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Việt Nam hiện đang có 170 - 180 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp mỗi năm. Nếu để không sẽ là nguồn gây ô nhiễm, ngược lại nếu thu hồi xử lý không chỉ mang về ngoại tệ mà còn có thể mang lại khả năng bù trừ carbon thay vì mua tín chỉ, bởi chính sản phẩm tạo ra từ phụ phẩm lại có thể làm giảm carbon nhiều nhất.
Một 1 kg tôm giá chỉ 20 USD nhưng 1 kg chitosan (phụ phẩm trích xuất từ tôm) có thể có giá lên tới 500 USD. Ông Phan Thanh Lộc - Chủ tịch HĐQT Vietnam Food - chỉ ra, ước tính cho thấy phụ phẩm từ tôm có thể tạo ra giá trị gấp 20-30 lần nếu ứng dụng vào ngành dược phẩm, hay từ 15-20 lần nếu ứng dụng vào thực phẩm chức năng.
Theo các chuyên gia, hiện nay, ngành chế biến phụ phẩm thủy sản Việt Nam mới đạt khoảng 275 triệu USD/năm, nếu khai thác tốt thì nguồn nguyên liệu này có thể cho 4-5 tỷ USD/năm. Khả năng tạo ra giá trị gia tăng từ phụ phẩm thủy sản tại Na Uy giúp sản phẩm tăng gấp 28 lần so với đầu vào. Con số này ở Việt Nam mới dừng lại ở mức gấp 2 - 3 lần.
Khẳng định tiềm năng thị trường đối với các sản phẩm phụ phẩm nông nghiệp là rất lớn. Tuy nhiên, để tận dụng hiệu quả, đòi hỏi các doanh nghiệp cần có đủ nguồn lực đầu tư công nghệ, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng.
Với mặt hàng cám gạo, dù chưa có số liệu chính thức về thị trường toàn cầu, các chuyên gia dự đoán, con số này có thể lên tới hàng chục tỷ USD. Cơ hội cho cám gạo Việt Nam tại thị trường thế giới nói chung và Trung Quốc nói riêng là rất lớn.
Tuy nhiên, theo bà Huỳnh Tuyết Nghi, việc xuất khẩu cám gạo, cám gạo chiết ly sang thị trường Trung Quốc khó khăn lớn nhất hiện nay không nằm ở sản phẩm xuất khẩu mà nằm ở khâu thủ tục hành chính. Cụ thể, doanh nghiệp hiện đang gặp nhiều thách thức trong việc nắm bắt kịp thời các thông tin cập nhật về quy định, thủ tục giữa 2 nước, nhất là khi các yêu cầu này có thể thay đổi thường xuyên và thiếu tính đồng bộ.
Đáng chú ý, thời gian từ khi hoàn tất khâu đóng gói đến khi tàu cập cảng Trung Quốc chỉ kéo dài khoảng 3 - 4 ngày. Điều này tạo ra áp lực rất lớn, đòi hỏi doanh nghiệp phải hoàn tất toàn bộ thủ tục, hồ sơ xuất khẩu trong thời gian ngắn để tránh bị chậm trễ hoặc bị từ chối thông quan.
Theo ông Phạm Kim Đăng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), để có thể tiếp cận và phát triển bền vững tại thị trường Trung Quốc, cám gạo và cám gạo chiết ly xuất khẩu của Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt theo quy định của Nghị định thư. Thành công của việc xuất khẩu cám gạo phụ thuộc lớn vào sự nghiêm túc và trách nhiệm của các doanh nghiệp.
Nông, thủy sản Việt đang bước vào một cuộc chơi minh bạch. Cùng với việc mở cửa thị trường, đẩy mạnh chế biến sâu phụ phẩm nông nghiệp sẽ đem lại nguồn thu hàng tỷ USD cho các ngành hàng nông, thủy sản. Ông Lê Sơn Hà - Trưởng phòng Kiểm dịch thực vật, Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) - cũng lưu ý, các nhà máy cần cải thiện cơ sở vật chất và quy trình sản xuất để đáp ứng tiêu chuẩn HACCP. Một doanh nghiệp không tuân thủ có thể dẫn đến chi phí lưu kho, lưu bãi cao hoặc thậm chí bị cấm xuất khẩu, gây thiệt hại cho cả ngành.
“Ngành thủy sản áp dụng tiêu chuẩn HACCP từ những năm 2000 đã giúp đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế. Sức ép từ thị trường sẽ là động lực để thay đổi. Nếu không đáp ứng được, chúng ta sẽ mất cơ hội xuất khẩu. Cách làm của ngành thủy sản cũng sẽ là kinh nghiệm cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong ngành cám gạo sang thị trường Trung Quốc”, ông Lê Sơn Hà nói.
Trên thế giới, mỗi năm nhu cầu sử dụng collagen từ 900 - 950 nghìn tấn, tương ứng với 7,5 - 8 tỷ USD. Nếu như chúng ta làm tốt khâu chế biến phụ phẩm da cá tra thành collagen thì sẽ đem lại giá trị gia tăng rất lớn cho ngành hàng này. |